TTCT - Người dùng Internet vẫn thường nhắc nhở nhau về cái giá của sự miễn phí, hay kỹ năng phân biệt chuyên gia với người đưa tin nặc danh. Nói như vậy, chắc hiếm có trang nào “khó tin tưởng” hơn Wikipedia. Thế nhưng trang bách khoa toàn thư mở này lại được tạp chí Wired xem là “nơi tốt đẹp cuối cùng trên cõi mạng”. Ảnh: TEDRa mắt vào năm 2001, Wikipedia là một bách khoa toàn thư tự do và miễn phí. Theo đó, ai ai cũng có thể tự nguyện đóng góp lẫn sửa đổi nội dung, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào họ đang dùng; và người người trên thế giới có thể thoải mái sử dụng nguồn tri thức này.Phát triển cùng định kiếnHằng năm, Wikipedia luôn có tên trong danh sách 50 trang web được truy cập nhiều nhất thế giới. Bách khoa toàn thư trực tuyến này hiện có hơn 300 phiên bản ngôn ngữ khác nhau và hơn 53 triệu bài viết, đủ thấy sức sống toàn cầu của nó. Tính đến tháng 4-2020, trang Wikipedia tiếng Việt có hơn 1,2 triệu bài viết, xếp thứ 12 trong 20 phiên bản Wikipedia lớn nhất thế giới (bản tiếng Anh đứng đầu với hơn 6 triệu bài).Nhưng có lẽ ấn tượng hơn những con số trên chính là “tiếng tăm” đi cùng năm tháng của Wikipedia. Gần 2 thập kỷ qua, dự án tham vọng này không ngừng bị cười nhạo, thậm chí trở thành một khái niệm gắn với những chỉ trích ngầm, do lẽ bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia. Sinh viên nào làm nghiên cứu khoa học mà ghi nguồn tham khảo là Wikipedia sẽ phải khiến thầy cô nhanh tay trừ điểm, còn chuyên gia mới nổi nào lỡ khai bản thân vừa sử dụng một thông tin trên Wikipedia sẽ khó tránh khỏi những cặp mắt nghi ngờ.Thế nhưng, những người ủng hộ Wikipedia có thể nói rằng: chỉ trích ngầm vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với đống gạch đá mà những cái tên lớn khác trong thế giới công nghệ vẫn luôn phải nhận lấy vì thao túng thông tin, xâm phạm riêng tư dữ liệu... Hay nói cách khác, Wikipedia vẫn còn tốt đẹp chán.Theo Wired, Wikipedia là trang web phi lợi nhuận duy nhất trong số những gã khổng lồ của Internet, không có quảng cáo và không xâm phạm quyền riêng tư. Giống như Facebook hay Twitter, Wikipedia dựa vào thành viên của nó để tạo ra nội dung. Nhưng điểm khác biệt chính là những nội dung này phi cá nhân, đề cao sự hợp tác và phục vụ những lợi ích chung. “Hơn cả một bách khoa toàn thư, Wikipedia đã trở thành một cộng đồng, một thư viện, một tuyên ngôn - một quảng trường thông tin công cộng trên Internet” - Wired viết trong bài “Wikipedia là nơi tốt đẹp cuối cùng trên mạng”.Đây là một trong số ít những nơi mà ngọn lửa lý tưởng của thế giới mạng thời sơ khai vẫn còn le lói chứ chưa lụi tàn. Có thể nào có một cuốn bách khoa toàn thư miễn phí bao gồm toàn bộ kiến thức của con người, được viết gần như hoàn toàn bởi các tình nguyện viên không được trả lương? Wikipedia là minh chứng cho thấy đây không phải điều hoang đường.Thật vậy, tuy sở hữu kho tàng nội dung và nguồn nhân lực đáng mơ ước, thiên đường tri thức Wikipedia vẫn miễn phí, phi lợi nhuận, không có nhà đầu tư hay cổ đông nào để phục vụ lợi ích nhóm, không cần chạy đua về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI). Tầm nhìn của Wikimedia Foundation, tổ chức phi lợi nhuận đứng sau Wikipedia cùng các dự án miễn phí khác trong “gia đình Wiki”, như sau: “Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi con người có thể tự do chia sẻ từ một kho tàng chung chứa tất cả tri thức. Đó là cam kết của chúng tôi”.Wikipedia có tốt như Britannica?Bách khoa toàn thư Britannica, được in lần đầu năm 1768, luôn được xem là một trong số những bộ tri thức bách khoa đáng tin cậy và có quyền uy nhất phương Tây. Wikipedia không ngừng bị so sánh với Britannica ngay cả khi phiên bản giấy của bộ sách này đã “về hưu” từ năm 2012.Phần lớn tranh luận nhằm so sánh trí tuệ đám đông miễn phí với hiểu biết từ giới tinh hoa quý tộc (năm 2012, một bộ 32 tập có giá khoảng 1.400 USD). So về danh tiếng, Wikipedia quả thật là một “gò mối” vô danh. Thế nhưng, một nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín Nature năm 2005, lần đầu tiên so sánh hai bộ bách khoa một cách bài bản chỉ ra rằng: những bài viết khoa học từ hai kho tàng này có sự tương đồng về chất lượng.Có ý kiến cho rằng: chúng ta thường đọc Wikipedia mỗi ngày và chỉ chiêm ngưỡng bộ Britannica như những chiếc bình cổ. Tốc độ cập nhật tri thức cũng tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa hai bên, nhất là khi bước vào thế kỷ 21, bộ Britannica cách 2 năm mới được tái bản một lần. Thành công nhờ dựa vào đám đôngTrước khi được như hôm nay, Jimmy Wales và Larry Sanger, hai cha đẻ của nền tảng này, từng thất bại với Nupedia (tiền thân của Wikipedia). Khởi sự 10 tháng trước khi Wikipedia ra mắt, Nupedia là một bách khoa toàn thư trên Internet được xây dựng theo cách làm ra bộ sách bách khoa Britannica: tiếp cận từ trên xuống (top-down) và lấy chuyên gia làm trung tâm.Nupedia tập hợp những bài viết từ chuyên gia và nội dung phải trải qua 7 vòng biên tập chuyên nghiệp. Sau một năm, chỉ có 21 bài được “hội đồng” duyệt để đăng trên Nupedia. Để xây dựng Nupedia, Wales và Sanger dùng một phần mềm hợp tác có tên Wiki (đặt theo wikiwiki, trong tiếng Hawaii có nghĩa là “nhanh chóng”) để thu thập thông tin thô. Nupedia “chết yểu” nhưng Wales và Sanger lại thu hoạch bất ngờ từ Wikipedia (xây dựng trên nền Wiki): nền tảng này đạt 20.000 bài viết chỉ trong một năm đầu tiên.Ảnh: Michael Haddad/WiredNăm 2002 Sanger rời Wikipedia và lập một trang đối đầu mang tên Citizendium, nơi giới chuyên gia và dân nghiệp dư bắt tay nhau. Cùng thời điểm đó, một biên tập viên khác của Wikipedia - Eugene Izhikevich ra mắt Scholarpedia, một bách khoa toàn thư trực tuyến chuyên về khoa học, mời chuyên gia viết bài và thực hiện bình duyệt (peer review). Tính đến nay, chẳng trang nào có nổi “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, huống chi qua mặt được Wikipedia.Citizendium, Scholarpedia và Nupedia đều gặp phải một vấn đề nan giải, đơn giản và hiển nhiên: phần lớn chuyên gia không muốn viết cho một bách khoa toàn thư miễn phí. Ở những chủ đề càng phổ biến, càng có nhiều chuyên gia và dồi dào thông tin, rào cản của sự “miễn phí” càng rõ nét.Thử lấy Napoleon Bonaparte làm ví dụ. Vị tướng, vị hoàng đế nổi tiếng của Pháp này là chủ đề của hàng vạn cuốn sách khắp thế giới. Thế nhưng trên Citizendium, bài viết về Napoleon dài chưa đến 5.000 từ và gần 6 năm qua không ai biên tập thêm, đã thế còn không nhắc đến trận đánh Borodino đẫm máu dẫn đến hơn 700.000 thương vong. Còn bài viết trên Wikipedia dài gấp 3,5 lần với hơn 350 nguồn tham khảo được trích dẫn.Những mô hình bách khoa toàn thư tiếp cận từ trên xuống còn có một vấn đề đặc thù: nguồn nhân lực (ở đây là các chuyên gia) không đủ sức xử lý tất cả các lỗ hổng về chất lượng thông tin. Trên Scholarpedia, bài viết về khoa học thần kinh lại không đề cập gì đến “chất hạnh phúc” serotonin hay vùng thùy trán. Trong khi đó, hệ thống phân cấp theo hàng ngang cho phép Wikipedia có thể “tự chữa bệnh”. Khó có thông tin thiên lệch nào tồn tại được lâu dưới những cặp mắt dò xét của một đám đông không ngại phản biện và nắm quyền biên tập ngang nhau. Trên Wikipedia tiếng Anh, bài viết “đại dịch do virus corona 2019-2020” mới được 5 tháng tuổi, trải qua gần... 20.000 lần biên tập với sự tham gia của gần 2.700 thành viên!Nếu cần tóm tắt về Wikipedia bằng một hình ảnh, nó sẽ không giống như một nhà kho đầy ắp hàng hóa. Bách khoa toàn thư mở này được gầy dựng từng chút một, giống như một gò mối. Sự nhỏ bé của từng mẩu tri thức và cả người đóng góp đã tạo nên quy mô rộng và sâu của Wikipedia. Ngược lại, lực lượng thành viên đông đảo giúp cho kho trí tuệ to lớn của tập thể nằm trong tầm tay của tất cả mọi người.■Tất nhiên, Wikipedia không hề hoàn hảo. Những vấn đề của nền tảng này được thảo luận công khai và chi tiết trên các diễn đàn của chính Wikipedia, với những tiêu đề “tự vấn” đầy trách nhiệm, như là “tại sao Wikipedia không tuyệt vời như ta nghĩ?”, hay “vẫn còn nhiều bài viết kém chất lượng lắm”. Chính cộng đồng đa dạng của Wikipedia đang tự điều chỉnh những bất ổn của mô hình đông đúc này.Với các thành viên, Wikipedia đã trở thành một sân chơi văn hóa, sở thích, thiện nguyện hơn là một trang công nghệ thông tin khô khan. Với bạn đọc đơn thuần, sự miễn phí ở đây có giá trị riêng. Đội ngũ kỹ thuật liên tục giảm dung lượng trang web, như là một cách hỗ trợ độc giả ở những vùng truy cập Internet còn khó khăn. Tags: WikipediaTrí tuệ đám đôngBách khoa toàn thư
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.