Phóng to |
Lính Mỹ tham chiến ở tỉnh Diyala, phía đông bắc thủ đô Baghdad - Ảnh: AFP |
Ngày 22-10 (giờ Mỹ), trang web Wikileaks.org đã công bố 391.831 tài liệu mật về chiến tranh Iraq trong thời gian từ 1-1-2004 đến 31-12-2009, sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq vào tháng 3-2003 và lật đổ chính phủ của Saddam Hussein.
Đây là vụ rò rỉ thông tin quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, vượt xa vụ Wikileaks công bố hơn 70.000 tài liệu về chiến tranh Afghanistan hồi tháng 7.
“Một bức tranh khủng khiếp và đáng sợ về di sản của Mỹ và Anh tại Iraq. Các tài liệu mật đã mô tả chi tiết các cuộc tra tấn, hành hình và cả những tội ác chiến tranh” - báo The Guardian (Anh) bình luận.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từ chối đi sâu vào chi tiết những tiết lộ này, chỉ lên án việc rò rỉ thông tin có thể gây nguy hại “cho cuộc sống của binh lính và các nhân viên dân sự Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ”.
Tắm máu
Trước đây, chính quyền Mỹ luôn tuyên bố không ước tính được số thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến Iraq. Tuy nhiên theo các báo cáo, đó là sự dối trá, bởi số nạn nhân là dân thường “nhiều hơn so với công bố chính thức”. Theo các tài liệu được công bố, “có 285.000 nạn nhân trong đó ít nhất 109.000 người thiệt mạng từ tháng 3-2003 đến cuối năm 2009. Trong số những người chết có 63% là thường dân”. Điều này cho thấy “Mỹ biết rõ số thường dân Iraq bị chết và bị thương cho dù luôn công khai bác bỏ”.
Theo số liệu chính thức do Mỹ công bố vào cuối tháng 7, chỉ có gần 77.000 người Iraq bị chết từ năm 2004-2008.
Cũng có vô số trường hợp lính Mỹ đã bắn hạ thường dân Iraq tại các trạm kiểm soát, từ máy bay trực thăng trong các chiến dịch quân sự... Đã xảy ra ít nhất bốn vụ bắn giết tàn nhẫn từ trực thăng. Ngày 16-7-2007, lính Mỹ xả súng máy từ trực thăng giết chết 26 người Iraq, trong đó có một nửa là dân thường. Tháng 2-2007, một chiếc Apache bắn chết hai người đàn ông Iraq dù khi đó họ đang ra dấu hiệu đầu hàng.
Báo cáo trích lời một luật sư quân sự Mỹ: “Họ không thể đầu hàng một chiếc máy bay, do đó vẫn là mục tiêu phải diệt”. Theo Wikileaks, khoảng 700 thường dân Iraq đã bị giết gần các trạm kiểm soát của lính Mỹ. Có trường hợp ánh sáng phản chiếu từ kính chắn gió một chiếc xe khiến lính thủy đánh bộ Mỹ tưởng là ánh sáng phát ra từ ống ngắm súng nên đã nổ súng bắn chết một phụ nữ trong xe, làm bị thương ba cô con gái và chồng của nạn nhân. Năm 2006, một người Iraq đi qua trạm kiểm soát bị một tay súng bắn tỉa Mỹ hạ gục do mặc bộ quần áo rộng. Nạn nhân sau đó được nhận dạng là người phiên dịch của trung đội Mỹ đóng quân tại khu vực đó. Có trường hợp lính Mỹ đã bắn phá tan tành một chung cư chỉ vì nghi có một phiến quân đang ẩn nấp trên nóc nhà.
“Đó là những cuộc tắm máu - Đài truyền hình Al Jazeera dẫn lời tổng biên tập Wikileaks Julian Assange - Các nạn nhân đã chết âm thầm, nhưng giờ đây cả thế giới đã hiểu họ chết như thế nào”. Khoảng 15.000 “cái chết âm thầm” như thế, theo tổ chức phi chính phủ Iraq Body Count.
Những cuộc hành hình
Cũng theo các tài liệu mật, cảnh sát và binh sĩ Iraq đã tra tấn, cưỡng hiếp, thậm chí sát hại hàng trăm tù binh do quân Mỹ giao cho một cách có hệ thống, nhưng phía Mỹ đã phớt lờ. Một người đàn ông bị giam ở Husaybah bị bịt mắt và đánh đập liên tục suốt ba ngày. Nhưng báo cáo gửi lên quân đội Mỹ được trả lại cấp dưới với dòng chữ: “Không cần điều tra thêm”.
Năm 2009, lực lượng Mỹ phát hiện các đoạn băng video quay cảnh hơn mười lính Iraq cùng bắn chết một tù binh ngay trên đường phố ở Tal Afar. Nhưng bản báo cáo vụ việc có in dòng chữ: “Đã đóng hồ sơ”. Các báo cáo khác cho biết tù binh thường bị trói tay bằng dây điện, bị đánh đập dã man, chích điện, cắt ngón tay... Báo Guardian mô tả đây là “những tội ác chiến tranh”.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều lên tiếng phản đối Wikileaks đã “vi phạm luật pháp” và “đẩy lính Mỹ, lính Iraq vào vòng nguy hiểm”. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Geoff Morrell, như Reuters cho biết, cảnh báo khoảng 300 người Iraq có tên trong các báo cáo “có nguy cơ bị tấn công báo thù”. Ông Morrell khẳng định khối tài liệu này “cung cấp cho kẻ thù của phương Tây dữ liệu để xác định quân đội Mỹ hoạt động như thế nào”, “làm lộ chiến lược, kỹ thuật, quy trình của quân đội, cách họ hành động trên chiến trường, cách phản ứng khi bị tấn công, khả năng của các phương tiện”.
“Người dân Mỹ có quyền được biết bao nhiêu thường dân vô tội đã thiệt mạng trong một cuộc chiến dựa trên sự dối trá” - AFP dẫn lời nghị sĩ Dân chủ Mỹ Dennis Kucinich. Còn tổng biên tập Wikileaks Assange khẳng định một cách đơn giản: “Thông điệp từ các tài liệu này là vô cùng mạnh mẽ”.
__________
Tin bài liên quan:
Hủy lệnh truy nã người sáng lập Wikileaks
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận