23/12/2014 12:00 GMT+7

​WikiLeaks phanh phui “cẩm nang” của CIA

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Trang web WikiLeaks vừa công bố hai tài liệu mật lật tẩy các chiêu thức “vượt biên” của các điệp viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Các bí mật của CIA đang bị WikiLeaks tung hê - Ảnh: Reuters

Các tài liệu mật đề mốc thời gian từ năm 2011-2012 đều được dán nhãn “tuyệt mật” và “NOFORN”, nghĩa là “không được phép chia sẻ ngay cả với các cơ quan tình báo đồng minh”. Ðây là tài liệu lưu hành nội bộ của CIA và một số quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ.

Ðây là lần thứ hai WikiLeaks công khai các tài liệu mật của CIA và tổ chức này tuyên bố sẽ tiếp tục tung lên mạng các hồ sơ nóng khác trong thời gian tới.

Hai tài liệu WikiLeaks tung ra mới đây có thể được coi là cuốn “cẩm nang bỏ túi” của các điệp viên CIA. Chúng đưa ra những đánh giá cụ thể về nguy cơ và ảnh hưởng của công nghệ xác định danh tính của lực lượng hải quan các sân bay và cửa khẩu quốc tế đối với điệp viên CIA. Chúng cũng đề xuất một số “thủ thuật” giúp các điệp viên CIA “vỏ bọc” và lách qua các hàng rào an ninh.

Quyết giữ “vỏ bọc”

Hộ chiếu sinh trắc học

Tài liệu mật thứ hai có tên “Schengen overview” (Khái quát về Schengen). Trong đó, CIA tỏ ra đặc biệt quan ngại trước việc các nước EU đang đề xuất áp dụng hộ chiếu sử dụng công nghệ sinh trắc học đối với hành khách Mỹ. Đây là loại hộ chiếu sử dụng các đặc điểm sinh học như vân tay, mống mắt, khuôn mặt... để nhận diện. Nếu EU sử dụng hộ chiếu sinh trắc học từ năm 2015, việc “tác nghiệp” của các điệp viên CIA sử dụng hộ chiếu giả sẽ khó khăn hơn nhiều.

Ðó là châm ngôn sống còn được nhắc đi nhắc lại trong tài liệu thứ nhất với tên gọi “Surviving secondary” (Vượt qua vòng kiểm tra tăng cường). Tài liệu này chỉ ra các tình huống có thể xảy ra khi an ninh các sân bay và cửa khẩu kiểm tra bổ sung các hành khách khả nghi.

Ðây là vòng kiểm tra có thể khiến các điệp viên CIA bại lộ danh tính, bởi an ninh không chỉ quét các vật dụng cá nhân mà còn kiểm tra kỹ càng dữ liệu trên các thiết bị điện tử của hành khách, dữ liệu sinh trắc học...

Những lý do khiến điệp viên CIA dễ bị an ninh sân bay kiểm tra bổ sung là thuộc danh sách bị theo dõi, bị phát hiện có mang hàng lậu, hàng cấm (không phải thuốc phiện hay ma túy mà có khi chỉ là băng video hay hình ảnh nhạy cảm). Hoặc đơn giản bởi an ninh sân bay cảm thấy có điểm gì bất thường ở hành khách.

Tài liệu “Surviving secondary” hướng dẫn điệp viên CIA một số thủ thuật để “vượt biên” một cách an toàn và êm thấm.

Ví dụ, các điệp viên CIA không được phép mua vé máy bay một chiều bằng tiền mặt ngay trước khi bay, đặc biệt là không được ăn mặc luộm thuộm sử dụng hộ chiếu ngoại giao... Tài liệu CIA dẫn chứng: “Khi quá cảnh tại một sân bay ở châu Âu, điệp viên đã bị kiểm tra bổ sung. Ðiệp viên không có dấu hiệu khả nghi nào, nhưng cách ăn mặc quá luộm thuộm, không giống tư cách của một người cầm hộ chiếu ngoại giao”.

Khi đó nhân viên an ninh sân bay đã soi hành lý của điệp viên này và phát hiện dấu vết chất nổ. Người này giải thích khản cổ rằng anh ta từng tham gia chương trình huấn luyện chống khủng bố ở Mỹ.

Sau nhiều giờ bị thẩm vấn, vặn vẹo đủ đường, rốt cuộc điệp viên CIA cũng được cho đi. Tài liệu CIA đúc kết: “Một vỏ bọc nhất quán và hợp lý là yếu tố quan trọng để tránh bị kiểm tra và phát hiện”.

Theo một điệp viên CIA thường xuyên di chuyển giữa châu Á và châu Âu, cách phòng vệ đơn giản nhất trước nguy cơ bị kiểm tra bổ sung là chuẩn bị những câu trả lời đơn giản và hợp lý cho hai câu hỏi hay bị hải quan sân bay hỏi nhất là “Tại sao anh đến đây?” và “Anh sẽ ở đâu?”.

Dấu hiệu khả nghi

Tài liệu CIA nhấn mạnh thông tin trên mạng của nhân viên CIA, ví dụ như tài khoản Facebook hay Twitter, phải khớp hoàn toàn với danh tính và thông tin cá nhân của “vỏ bọc”. Các điệp viên CIA không được phép mang theo thiết bị điện tử có tên tài khoản không trùng với danh tính “vỏ bọc”. CIA cũng chỉ ra một số đặc điểm an ninh tại các sân bay quốc tế mà điệp viên cần biết.

Ví dụ, ở sân bay Ferihegy tại Budapest (Hungary), các nhân viên an ninh sử dụng hệ thống truyền hình cáp và gương một chiều để dò tìm vẻ lo lắng trên gương mặt các hành khách.

Cơ quan An ninh quốc gia Bahrain (BNSA) luôn triển khai lực lượng đặc vụ ngầm thường xuyên túc trực tại các sảnh đến của sân bay Bahrain. Nhóm này quan sát kỹ càng để tìm kiếm những hành khách có vẻ bất an.

Trong khi đó, các đặc vụ của Cơ quan An ninh quốc gia Mauritius luôn dùng máy quay ghi hình để theo dõi tất cả hành khách đến sân bay nước này, từ lúc họ rời máy bay tới khi nhận hành lý. Các máy quay “chiếu” tận mặt khách để tìm kiếm dấu hiệu bất thường.

Còn tại Bulgaria, trong lúc hành khách làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay quốc tế Burgas, nhân viên hải quan và cảnh sát đứng quan sát để tìm những dấu hiệu bất ổn tâm lý hay các hành vi khả nghi.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange nhận định các tài liệu mật của CIA cho thấy tình báo Mỹ vẫn đang chủ động do thám châu Âu. “CIA từng tiến hành các vụ bắt cóc tại các nước Liên minh châu Âu (EU) dưới thời Tổng thống George W. Bush. Các tài liệu này cho thấy ngay cả dưới thời Tổng thống Barack Obama, CIA vẫn đang xâm nhập qua biên giới EU và do thám” - ông Assange nhấn mạnh.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên