TTCT - Mặc dù phản pháo ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng về phía Trung Quốc, phản ứng chậm chạp trong thời gian đầu bùng phát dịch, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn phải thừa nhận: “Là con người, chúng tôi cũng phạm phải những sai lầm”. Tạm gác lại tranh cãi mang yếu tố chính trị, nhiều người nhận định đúng là WHO đã mắc nhiều sai lầm khi đối phó với đại dịch COVID-19.Vai trò của WHO không phải là tiền hay cung cấp thuốc. Ảnh: WikimediaLời nói gió bay?Đầu tiên là tuyên bố của tổ chức này vào giữa tháng 1-2020 rằng chưa có bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới lây lan từ người sang người - một tuyên bố rõ ràng là sai lầm và có thể tạo sự chủ quan ở nhiều nước.Nên nhớ nay người ta đã rõ COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 hay cuối tháng 11-2019 và đến ngày 31-12-2019, chính Trung Quốc đã thông báo cho WHO biết xảy ra 41 ca bệnh viêm phổi do một virus lạ. Ngày 1-1-2020, Trung Quốc đóng cửa chợ hải sản Huanan (Hoa Nam) vì nghi ngờ virus xuất phát từ việc buôn bán động vật tại chợ này.Ngày 7-1, Trung Quốc xác định virus này là một chủng mới, lúc đó họ gọi nó là nCoV. Ngày 13-1, ca lây nhiễm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được ghi nhận tại Thái Lan. Thế mà sau đó WHO vẫn tuyên bố chưa có bằng chứng về việc lây từ người sang người!Một tít báo trên tờ New York Times đăng ngày 25-1 khẳng định: “Virus corona đang lây lan nhưng WHO nói đây không phải là trường hợp khẩn cấp toàn cầu”. Sở dĩ có tít này vì báo dựa vào nội dung họp báo của WHO tại Geneva, trong đó ông Tedros nhấn mạnh câu “chưa có bằng chứng” nổi tiếng.Chuyện chậm trễ trong công bố trường hợp y tế khẩn cấp là một sai lầm khác của WHO vào thời điểm đó. Chưa kể sau đó dù dịch lây lan sang nhiều nước, bệnh viện các nước bắt đầu tràn ngập các ca nặng, WHO vẫn chần chừ, mãi đến ngày 11-3 mới công bố đại dịch toàn cầu.Lúc Mỹ bắt đầu cấm nhập cảnh mọi người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó, WHO lại tuyên bố các hạn chế đi lại là không cần thiết. Ông Tedros bấy giờ vẫn khẳng định các nước không cần đưa ra những biện pháp cấm đoán đi lại, rồi còn nói thêm việc lây lan virus corona ở các nước là “rất nhỏ và chậm”.Dĩ nhiên WHO nói nên nhiều nơi nghe theo, đầu tiên là Trung Quốc dẫn lời WHO để cáo buộc các nước cấm du khách Trung Quốc nhập cảnh là phân biệt đối xử, làm trái với lời khuyên của WHO. Đáng chú ý là nhiều chuyên gia, nhà bình luận dựa vào đó để viết các bài phê phán chuyện cấm đi lại với lập luận có hại cho du lịch, thương mại, mà không có hiệu quả về mặt y tế. Tác hại của những lời tư vấn như thế nay đã rõ.WHO là một tổ chức mang tính chuyên môn cao về y tế, nhưng lời khuyên của ông Tedros về việc “không có lý do gì để áp dụng các biện pháp cản trở không cần thiết với đi lại hay giao thương” rõ ràng không mang tính chuyên môn y tế - nó nghiêng về lợi ích kinh tế của các nước, nên sau đó bị phê phán là đương nhiên.Sai lầm thứ ba của WHO là không thúc đẩy Trung Quốc công khai về dịch bệnh sớm hơn nữa. Còn nhớ lúc xảy ra dịch SARS vào năm 2003, WHO đã phê phán Trung Quốc một cách dứt khoát vì cố tình che giấu thông tin.Lúc đó Trung Quốc phải mau chóng nhượng bộ, cho phép một đoàn các chuyên gia WHO vào Quảng Châu và Bắc Kinh để quan sát và nghiên cứu các bệnh án SARS. Theo báo New York Times, vào lúc đó các bệnh viện ở Bắc Kinh vẫn cho chở bệnh nhân SARS chạy vòng vòng ngoài đường chờ đoàn chuyên gia WHO đi khỏi mới chở về lại!Lần này cũng phải đến giữa tháng 2, Trung Quốc mới đồng ý cho một đoàn chuyên gia y tế quốc tế vào tìm hiểu tình hình dịch bệnh, lúc COVID-19 đã lan rộng. Trước đó, WHO chỉ đơn giản lặp lại thông tin về dịch bệnh do Trung Quốc đưa ra, kể cả lúc ban đầu nước này cho rằng virus corona là “ngăn ngừa và kiểm soát được”.Việc lặp đi lặp lại các thông điệp mang tính trấn an ban đầu đã làm nhiều nước lơ là mất cảnh giác, rồi lập kế hoạch phòng dịch dựa vào các nhận định chủ quan này, một số nước khác thậm chí không làm gì vì cứ nghĩ WHO khẳng định tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.Ngay chính chuyện đặt tên cho dịch bệnh, WHO cũng rất chậm chạp và bối rối, lại gây nhầm lẫn ở người dân khi gọi căn bệnh là COVID-19 và con virus gây bệnh là SARS-CoV-2 (cần nói rõ, đặt tên cho căn bệnh là WHO, còn đặt tên cho virus lại là Ủy ban Quốc tế về phân loại virus, tức ICTV).Nhiều người cứ tưởng WHO đổi tên đại dịch và trên thực tế báo chí ở Mỹ và châu Âu vẫn gọi đây là virus corona (coronavirus), dù nó chỉ là một chủng mới trong nhiều chủng virus corona. Ngay chính WHO cũng cho rằng gọi tên con virus là SARS sẽ gây hiểu nhầm nên trong nhiều văn bản họ vẫn dùng cách nói “virus gây ra căn bệnh COVID-19” hay gọn hơn là “virus COVID-19”.Cho đến bây giờ, WHO vẫn khẳng định người khỏe mạnh không cần mang khẩu trang khi đi ra đường. Dĩ nhiên ai cũng biết khẩu trang không thể giúp người mang chúng tránh hẳn dịch bệnh, nhưng hầu như tất cả các nước đã chuyển từ khuyến cáo không mang khẩu trang đến lời khuyên hãy mang khẩu trang vải để ngăn ngừa dịch bệnh chừng nào hay chừng đó.Cứ sử dụng cách nói “không có bằng chứng nào cho thấy”, có thể WHO đã làm chậm trễ việc mang khẩu trang ở nhiều nước phương Tây, trong khi chắc chắn ít nhất nó cũng giúp những người mắc bệnh không có triệu chứng giảm phát tán nguồn lây nhiễm ra môi trường bên ngoài nhờ lớp khẩu trang chặn đứng các cơn ho bất chợt của họ.Vai trò WHO không phải là tiền hay cấp thuốcThực ra thì WHO không có thực quyền, vì khác các tổ chức quốc tế khác như WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), WHO không có cơ chế ràng buộc và chế tài các nước thành viên, cũng không thể trừng phạt ai. Kinh phí hoạt động của nó mỗi năm chừng 2 tỉ đôla Mỹ, theo tờ The Guardian, còn nhỏ hơn ngân sách của một số bệnh viện trực thuộc các trường đại học phương Tây.Ngân sách này lại chia nhỏ cho rất nhiều dự án trải khắp thế giới. The Guardian ví von vai trò của WHO như một huấn luyện viên thể thao lương thấp, chỉ có thể dẫn dắt bằng nói ngon dỗ ngọt, thậm chí năn nỉ các nước thành viên làm theo hướng dẫn.Trong khi đó những năm gần đây, chủ nghĩa quốc gia làm xói mòn các nguyên tắc quốc tế, đe dọa sự tồn vong không những của WHO mà còn của các tổ chức quốc tế khác. Các nước đang hành xử theo lợi ích của nước mình và bỏ qua các chuẩn mực toàn cầu từng được khuếch trương.WHO ra đời vào năm 1948 với sứ mệnh giúp “mọi dân tộc đạt được mức độ sức khỏe cao nhất”. Thành công đầu tiên của WHO là giúp xóa sạch bệnh đậu mùa, từng gây hàng triệu ca tử vong vào những năm 1950. Năm 1959, WHO thuyết phục Liên Xô sản xuất 25 triệu liều vaccine đậu mùa để giao cho WHO phân phối toàn cầu.Để cạnh tranh, Mỹ cũng sản xuất nhiều triệu liều vaccine rồi trao trực tiếp hay thông qua WHO tới nhiều nước chủng ngừa. Đến cuối thập niên 1960, mọi nước thành viên Liên Hiệp Quốc hằng tuần đều gởi báo cáo cho WHO về tình hình dịch bệnh đậu mùa cũng như tiến triển mới. Năm 1979, WHO tuyên bố xóa sạch bệnh đậu mùa - một thành tích lịch sử.Như thế vai trò của WHO không phải là tiền, cũng không phải là nghiên cứu vaccine, cũng không hẳn là tổ chức y tế dự phòng - vai trò của WHO là hướng dẫn, điều phối và tổ chức cho mọi nước như nhau.Năm 1998, cựu thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland được bầu làm tổng giám đốc WHO. Do đã quen với chính trị quốc tế, lúc dịch SARS nổ ra từ Trung Quốc vào năm 2002, bà sẵn sàng để đối phó. Nhờ thế, mặc dù chính quyền Trung Quốc lúc đó che giấu các ca bệnh SARS đầu tiên, WHO vẫn biết nhờ theo dõi kỹ.WHO dùng hết thông tin họ thu lượm được để chất vấn quan chức Trung Quốc, nhờ thế họ nhận được báo cáo chính thức từ Trung Quốc ngay sau đó. Nhờ thái độ cương quyết của bà Brundtland, Trung Quốc phải nhượng bộ và phải cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho WHO. Tháng 3-2003, WHO ra tuyên bố khuyến cáo không nên đi đến các khu vực đang có dịch, trước đó những khuyến cáo này thường tùy các nước thành viên.Cách làm của bà Brundtland không chỉ gây khó chịu cho Trung Quốc. Thị trưởng thành phố Toronto bay đến Geneva đòi bà phải gỡ bỏ khuyến cáo đi lại vì ảnh hưởng đến du lịch của Toronto. Lúc đó Canada là nước có nhiều ca bệnh SARS thứ tư trên thế giới.Cuối cùng WHO chống dịch SARS thành công. Dù dịch bệnh đã lan ra 26 nước nhưng chưa đến 1.000 ca tử vong. Dịch SARS được ngăn chặn không phải nhờ vaccine hay thuốc đặc trị, mà nhờ các biện pháp “phi dược phẩm” như cảnh báo chuyện đi lại, theo dõi các ca bệnh, cách ly chặt chẽ, xét nghiệm đầy đủ và nhất là thu thập, phổ biến một lượng thông tin khổng lồ về dịch bệnh.Ở đây, một lần nữa, vai trò của WHO không phải là những thứ chúng ta thường nghĩ đến như thuốc men, chủng ngừa, mà là lãnh đạo một chiến dịch với đầy đủ thẩm quyền và uy tín.Thẩm quyền và uy tín đó liên tục bị thử thách; có lúc cáo buộc là làm quá gây hoang mang không cần thiết như với đại dịch H1N1; có lúc bị lên án là chậm chạp, không dứt khoát như với dịch Ebola hay đại dịch lần này. Các sai sót ở giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 càng làm xói mòn thẩm quyền và uy tín đó. Đó mới là điều đáng lo ngại hơn những tranh cãi mang tính chính trị hiện nay.■Tổng giám đốc WHO hiện nay, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, sinh năm 1965, là người Ethiopia. Ông đảm nhận cương vị tổng giám đốc WHO từ năm 2017. Trước đó ông từng là bộ trưởng y tế, rồi bộ trưởng ngoại giao Ethiopia.Ông học đại học ở Eriteria, rồi sang Anh học nốt thạc sĩ và lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Nottingham. Ông là người châu Phi đầu tiên và cũng là người đầu tiên không phải một bác sĩ đảm nhận cương vị tổng giám đốc WHO. Tags: WHOCOVID-19Vius coronaTổ chức y tế thế giới
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Ông Putin nói 'không ai trên thế giới' có tên lửa siêu vượt âm giống Oreshnik THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Putin nói tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik không phải là phiên bản nâng cấp của các vũ khí có từ thời Liên Xô.