Phóng to |
Nhân viên y tế tư vấn cho phụ huynh trước khi tiêm ngừa cho trẻ trong đợt tiêm trở lại Quinvaxem tại Hà Nội - Ảnh: Thúy Anh |
Trước những lo lắng về các ca tử vong ở VN sau khi tiêm loại vắc-xin này, WHO và UNICEF đã giúp chính phủ VN điều tra với sự hỗ trợ kỹ thuật độc lập từ trong nước và quốc tế. Theo hai tổ chức này cho biết kết quả điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chất lượng và sự an toàn của vắc-xin ‘5 trong 1’ đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong của trẻ sau tiêm chủng.
Thông báo của WHO và UNICEF cũng kèm theo những câu hỏi nhiều người hay thắc mắc về loại vắc-xin này. TTO xin giới thiệu:
* Tại sao mọi người lại đang nói nhiều về loại vắc-xin này?
- Trong thời gian từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 3 năm 2013, đã có 9 trường hợp tử vong được báo cáo. Những trường hợp tử vong này xảy ra trong thời gian ngắn, sau khi trẻ được tiêm vắc-xin "5 trong 1".
Việt Nam đã quyết định tạm dừng sử dụng vắc-xin "5 trong 1" như là một biện pháp thận trọng cần thiết. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại một cách rất kỹ lưỡng các trường hợp tử vong, đã không thể xác định được bất cứ một mối liên quan nào giữa việc sử dụng vắc-xin và tử vong nên do đó Chính phủ đã cho phép tiếp tục sử dụng vắc-xin này.
Do thực tế cũng có một số lượng nhỏ các trường hợp phản ứng không mong muốn (Adverse Events Following Immunization - AEFI) xảy ra ở Sri Lanka, Pakistan, và Bhutan sau khi tiêm vắc-xin "5 trong ", một nhóm chuyên gia độc lập quốc tế đã được yêu cầu tham gia kiểm tra độ an toàn của vắc-xin.
Quá trình kiểm tra được bắt đầu vào tháng 6 năm 2013 và đã kết luận rằng không có một phản ứng không mong muốn nào do vắc-xin "5 trong 1" này đã gây ra.
* Có báo cáo rằng các ca tử vong sau tiêm vắc-xin ở Việt Nam rất giống nhau, và cũng giống các ca tử vong được báo cáo ở các quốc gia khác. Điều này có đúng?
Không. Các điều tra độc lập đã ghi nhận rằng các trường hợp tử vong không có diễn tiến giống nhau. Trong một số trường hợp, một nguyên nhân tử vong khác đã được xác định, ví dụ như một bệnh nhiễm trùng hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ.
* Quinvaxem có an toàn không?
- Có. Chất lượng vắc-xin được kiểm định rất nghiêm ngặt qua từng bước trong suốt quá trình sản xuất và cung cấp. Quinvaxem được WHO tiền thẩm định chất lượng để đảm bảo rằng chất lượng vắc-xin đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trên toàn cầu.
* Vậy có các tác dụng phụ nào không?
- Giống như các loại vắc-xin khác, Quinvaxem có thể có vài tác dụng phụ nhẹ. Các tác dụng phụ này có thể bao gồm: sốt nhẹ, sưng nhẹ tại chỗ tiêm và khó chịu trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, vô cùng hiếm gặp - ít hơn 1 ca trên 1 triệu lần tiêm - một đứa trẻ có thể bị dị ứng nghiêm trọng đối với vắc-xin. Nếu các nhân viên y tế được đào tạo để xử trí trong trường hợp này và xử trí kịp thời, đúng cách thì đứa trẻ có thể phục hồi hoàn toàn.
* Vai trò của WHO và UNICEF như thế nào đối với việc sử dụng vắc-xin tại các nước đang phát triển?
- WHO và UNICEF cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho các quốc gia. Các tổ chức quốc tế này không trực tiếp tiêm vắc-xin, song hỗ trợ các hoạt động đào tạo, kiểm tra và giám sát quá trình tiêm chủng để đảm bảo chất lượng của quá trình này.
* Là nhà cung cấp vắc-xin chính, UNICEF và WHO làm gì để đảm bảo sự an toàn của vắc-xin?
- UNICEF chỉ mua các vắc-xin đã được WHO tiền thẩm định chất lượng và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế đã đặt ra. Vụ Cung ứng của UNICEF sau đó sẽ đảm nhận việc cung ứng các vắc-xin đã được GAVI mua đến tận các kho bảo quản vắc-xin tại các quốc gia.
WHO tuân thủ một quy trình ngặt nghèo để đánh giá các cơ sở sản xuất vắc-xin cũng như các tiêu chuẩn chất lượng. Những quy trình này đảm bảo những kỹ thuật sản xuất ưu việt nhất được áp dụng và các quốc gia sản xuất vắc-xin có các cơ sở vật chất và máy móc để có thể sản xuất những loại vắc-xin với chất lượng cao nhất được chấp nhận.
Chất lượng vắc-xin được chuyển tới các quốc gia cũng được thường xuyên kiểm tra, giám sát qua nhiều vòng kiểm định ngẫu nhiên các mẫu sản phẩm sáu tháng một lần do WHO thực hiện. Thêm nữa, việc tái thẩm định và đánh giá đầy đủ chất lượng vắc-xin lại được thực hiện hai năm một lần.
* UNICEF hiện nay mua vắc-xin tại các nước đang phát triển như Ấn độ và Inđônêsia. Các vắc-xin này có an toàn như các vắc-xin được sản xuất ở các nước phát triển không?
- UNICEF mua vắc-xin từ các nhà sản xuất đảm bảo chất lượng ở các các nước phát triển và đang phát triển. Tất cả các nhà sản xuất vắc-xin đều phải tuân thủ các chất lượng do WHO đặt ra.
* Liệu các quốc gia mua vắc-xin thông qua UNICEF có quyền chọn nhà cung cấp mà họ thích không?
- Không. UNICEF mua vắc-xin từ nhiều nhà sản xuất đã được WHO tiền thẩm định chất lượng. Vắc-xin được mua từ đâu phụ thuộc vào khả năng của nhà sản xuất có thể cung cấp với chất lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra cũng như cung cấp đúng với tiến độ thời gian yêu cầu.
* Liệu các quốc gia có thể sử dụng an toàn các vắc-xin cùng loại song có các tên hiệu khác nhau hay không? Hay nói một cách khác, cùng một loại vắc-xin song có các tên hiệu khác nhau có thể sử dụng thay thế cho nhau được không?
- Vắc-xin có tên hiệu và từ các nguồn khác nhau, nhưng cùng là một loại có thể sử dụng thay thế cho nhau, nếu chúng cùng được mua từ các nhà sản xuất đã được WHO tiền thẩm định chất lượng.
* Vì sao UNICEF gửi vắc-xin được sản xuất tại các nước đang phát triển (như Ấn Độ/Indonesia) tới một số quốc gia, trong khi một số nước khác lại nhận được vắc-xin từ các nhà sản xuất tại Châu Âu hoặc Mỹ?
- Quyết định về nguồn cung cấp vắc-xin nào phụ thuộc vào thực tế nhà sản xuất nào đáp ứng đủ được số lượng vắc-xin yêu cầu vào đúng thời gian đó. Tất cả các loại vắc-xin do UNICEF cung cấp đều phải qua một quy trình kiểm soát ngặt nghèo về chất lượng của WHO, bất kể vắc-xin đó được sản xuất ở đâu.
Quinvaxem là một loại vắc-xin "5 trong 1" bảo vệ trẻ em chống lại 5 bệnh truyền nhiễm chết người là: bạch hầu, uốn ván, ho gà, Haemophilus type B và viêm gan B. Từ khi được WHO tiền kiểm định chất lượng vào năm 2006, 400 triệu liều Quinvaxem đã được sử dụng tại 91 quốc gia trên toàn thế giới. Vắc-xin này được Chính phủ Việt Nam phê duyệt cho sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia tại Việt Nam vào tháng 6-2010. Từ đó đến nay, trên toàn quốc, Việt Nam đã sử dụng 15,2 triệu liều Quinvaxem |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận