Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO (giữa), trong cuộc họp báo ngày 11-3 tuyên bố dịch bệnh COVID-19 đã là đại dịch - Ảnh: AFP
Trước hết, đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố dịch bệnh do một chủng virus corona gây là đại dịch, dù trước đây từng có hai dịch bệnh khác cũng do virus corona chủng khác gây ra là SARS và MERS.
WHO đã luôn đánh giá dịch bệnh này và chúng tôi hết sức lo ngại cả về các cấp độ lây lan báo động, mức độ nghiêm trọng lẫn việc không có phản ứng ở mức đáng lo ngại (với dịch bệnh - PV). Chính vì thế chúng tôi đưa ra đánh giá COVID-19 là một đại dịch.
Trong cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, đã giải thích vì sao WHO phải tuyên bố COVID-19 là đại dịch
Dù vậy, ông Tedros cũng lưu ý việc định danh COVID-19 là một đại dịch không có nghĩa là tình hình đã trở nên vô vọng. "Mọi quốc gia vẫn có thể kiểm soát dịch bệnh này".
Theo tạp chí Time, tới ngày 11-3 toàn thế giới đã ghi nhận hơn 126.000 ca bệnh ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Đại dịch" khác "dịch bệnh" thế nào?
Trước hết, theo từ điển dịch tễ học, nguồn tham khảo tiêu chuẩn của các nhà dịch tễ học, "đại dịch" (pandemic) là "một dịch bệnh (epidemic) xảy ra trên toàn thế giới, hoặc trên một vùng rộng lớn, vượt qua cả các biên giới quốc tế và thường ảnh hưởng tới một số lượng người rất lớn".
Một điều quan trọng cần nhớ là từ "đại dịch" chỉ nói tới quy mô bao nhiêu khu vực trên thế giới đang phải ứng phó với cấp độ lây lan gia tăng của bệnh dịch, và về lý thuyết, không nói tới mức độ nghiêm trọng của căn bệnh đó.
Chẳng hạn năm 2009 bệnh cúm H1N1 được WHO công bố là một đại dịch vì đã có tới 1/5 cư dân toàn thế giới mắc bệnh. Tuy nhiên bệnh này không gây nguy hiểm chết người lớn khi tỉ lệ người chết trong dịch chỉ là 0,02%.
Các chủng virus corona trước đây cũng rất nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ gia tăng cấp độ trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Nói cách khác, việc tuyên bố một dịch bệnh là "đại dịch" là chuyện khá hiếm.
Dịch SARS giai đoạn 2002-2003, do một chủng virus corona cùng họ với virus SARS-CoV-2 hiện nay, mặc dù đã lây nhiễm cho khoảng 8.000 người ở 26 quốc gia nhưng cũng chủ yếu xảy ra tại Trung Quốc và Hong Kong, và vẫn chưa tới mức là đại dịch dù tỉ lệ tử vong là 10%.
Khi dịch bệnh này nhanh chóng được kiểm soát và kể từ năm 2004, không còn ca bệnh SARS nào xuất hiện.
Tương tự, chủng virus corona gây ra dịch MERS (bắt đầu khởi phát từ Saudi Arabia) mặc dù có tỉ lệ tử vong khoảng 35% nhưng đã lây lan không quá nhanh. MERS vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ, song nó cũng chưa bao giờ là đại dịch.
Bác sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, hồi tháng 2 từng nói quan niệm về đại dịch có thể khác nhau theo quan điểm mỗi người. Nhưng theo tạp chí Vox (Mỹ), khi các chuyên gia y tế cộng đồng nói tới nỗi lo ngại về một đại dịch mới, tức là họ đang nghĩ tới nguy cơ xảy ra đại dịch kiểu như đại dịch cúm giai đoạn 1918-1919 (ảnh hưởng tới 500 triệu người và ít nhất 50 triệu người đã chết).
Khử trùng tại khu vực tòa nhà ở Rome (Ý) ngày 8-3-2020 - Ảnh: AP
COVID-19 là đại dịch, rồi thì sao?
Điểm khác biệt rõ rệt và quan trọng nhất giữa một đại dịch và dịch bệnh chính là công tác phản ứng ở cấp độ quốc tế sẽ có những khác biệt đáng kể.
Khi một khu vực nào đó trên thế giới trải qua dịch bệnh, phần còn lại của thế giới có thể chọn cách "khoanh tay đứng nhìn" nếu muốn. Họ có thể đóng cửa biên giới với vùng dịch hoặc gửi hỗ trợ, hoặc làm đồng thời cả hai việc này. Họ cũng có thể triển khai các phương án dự phòng tình huống dịch lan tới nước mình.
Thực tế này đã diễn ra trong giai đoạn đầu khi thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bùng phát dịch. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đã gửi giúp đỡ khẩu trang. Một số nước cũng đã đề nghị gửi các y bác sĩ tình nguyện tới Vũ Hán.
Tuy nhiên khi COVID-19 đã là đại dịch, về cơ bản, không còn lựa chọn làm "quan sát viên" như vậy nữa. Tới một cấp độ nào đó, việc các nước đóng cửa biên giới với những nước bị ảnh hưởng dịch sẽ không còn nhiều ý nghĩa vì bệnh dịch đã có mặt khắp nơi.
Nhà chức trách y tế có thể sẽ khuyến nghị chuyển sang các biện pháp giảm bớt tụ tập đông người và tiếp xúc xã hội để ngăn chặn tốc độ lây lan trong nước thay cho việc cố gắng ngăn chặn dịch bệnh từ ngoài nước.
Một cuộc chiến của thế giới chống lại đại dịch sẽ không tập trung vào việc ngăn chặn bệnh từ một nơi xa xôi nào khác mà phải tập trung vào những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại ngay tại mỗi quốc gia.
Nói tóm lại, mặc dù tuyên bố COVID-19 là đại dịch của WHO không làm thay đổi bất cứ vấn đề thực tế nào của dịch bệnh hiện tại, song nó cho thấy rõ ràng WHO đang vận dụng mọi nỗ lực có thể để huy động cả thế giới chung tay góp sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 với mức độ quan tâm nhất cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận