19/10/2014 09:23 GMT+7

​WHO thừa nhận sai sót trong đại dịch Ebola

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận đã có sai sót trong thời kỳ đầu khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi.

Nhân viên y tế phải cô lập một bãi xe ở Lầu Năm Góc tại Washington (Mỹ) để xử lý vệ sinh sau khi một phụ nữ nôn mửa tại đây. Người này trước đó đã đi du lịch tại châu Phi - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế phải cô lập một bãi xe ở Lầu Năm Góc tại Washington (Mỹ) để xử lý vệ sinh sau khi một phụ nữ nôn mửa tại đây. Người này trước đó đã đi du lịch tại châu Phi - Ảnh: Reuters

Một tài liệu nội bộ của WHO được Hãng tin AP công bố nói tổ chức này đã bỏ lỡ các cơ hội ngăn chặn Ebola lây lan ngay từ đầu khi nó được phát hiện ở Liberia, Sierra Leone và Guinea hồi tháng 3 năm nay, đổ lỗi cho các tác nhân như thiếu nhân lực và thông tin.

Quan chức WHO kém trình độ

Chúng tôi bị cáo buộc gây hoang mang. Tôi nghĩ họ cho rằng dịch quá nhẹ 
Bà MEINIE NICOLAI (quan chức của MSF ở Brussels)

Theo The Guardian, các chuyên gia nên nhận ra rằng cách kiềm chế Ebola lây lan thông thường sẽ không hiệu quả ở một khu vực mà các đường biên giới đầy lỗ hổng và có hệ thống y tế tồi tệ.Tệ quan liêu cũng bị coi là một phần của vấn đề.

Các văn phòng của WHO ở châu Phi cũng bị chỉ trích trong tài liệu nội bộ này. Những người đứng đầu các văn phòng WHO ở các quốc gia châu Phi được bổ nhiệm “với động cơ chính trị”.

Tiến sĩ Peter Piot, người đồng phát hiện virút Ebola, cũng cho rằng WHO đã hành động quá chậm chạp. AP dẫn lời ông Piot nói: “Văn phòng khu vực châu Phi là tiền tuyến và họ chẳng làm gì cả. Họ không có đủ trình độ”.

Trong khi đó, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) đã từng cảnh báo WHO với những ngôn từ mạnh mẽ nhất rằng lần bùng phát Ebola này khác với những lần trước. Các bác sĩ tình nguyện của MSF đã bắt đầu điều trị các ca Ebola ngay từ khi dịch chính thức bùng phát hồi tháng 3.

The Guardian dẫn lời quan chức MSF Brice de le Vingne nói: “Lần đầu tiên chúng tôi gặp một ca Ebola ở một thành phố lớn như Conakry (thủ đô Guinea). Đó là một cái gì đó rất khác so với những gì xảy ra trong rừng già ở Congo. Các ca Ebola cũng xuất hiện trong một khu vực tam giác có ba nước”.

Ông Vingne nói họ gặp khó khăn khi phải làm việc với ba chính phủ khác nhau và không ai muốn công bố dịch vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế.

Hồi đầu tháng 4, MSF lần đầu cảnh báo WHO. Sau đó WHO đáp lại rằng số ca Ebola vẫn còn ít. Một cuộc tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội giữa MSF và người phát ngôn WHO, người này khẳng định rằng bệnh dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Một tay bị trói

Tài liệu nội bộ của WHO còn cho thấy một cuộc điện đàm hồi cuối tháng 4 với sự góp mặt của WHO, MSF và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC), trong đó một số chuyên gia của WHO chẳng thèm để tâm đến chuyện gửi báo cáo các ca Ebola về cho trụ sở chính ở Geneva.

Theo Bloomberg, đó là chưa kể các rào cản quan liêu đã khiến 500.000 USD đã không thể đến được Guinea để ngăn chặn Ebola ngay từ đầu. WHO cũng bị chỉ trích không hỗ trợ xin visa cho nhóm chuyên gia đến vùng có dịch.

Đến tháng 6, tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan mới nhận được lá thư dài sáu trang từ mạng lưới các chuyên gia của tổ chức này, nêu ra những thiếu sót trong việc WHO ứng phó với Ebola.

“Đó là lần đầu tiên thông tin kiểu này đến được với bà ấy - tài liệu nội bộ của WHO nói - bà đã thật sự bị sốc”.

Bloomberg dẫn lời bà Chan nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng bà không hề biết gì về quy mô của cuộc khủng hoảng Ebola cho tới khi nhận được lá thư trên, tức ba tháng sau khi dịch bùng phát.

Theo một báo cáo ngày 8-10 đăng trên chuyên san y khoa Lancet, khả năng phản ứng của WHO bị coi là yếu và xói mòn sau khi ngân sách bị cắt giảm. Giờ đây kinh phí hoạt động của WHO chỉ bằng 1/3 của CDC.

Các mạnh thường quân đóng góp bắt buộc đã giảm số tiền đóng góp. Khoản đóng góp tự nguyện còn lại được dành riêng cho một số dự án khiến tổ chức này mất đi sự linh động trong việc điều chuyển ngân quỹ.

Đó là chưa kể đến việc bộ phận phản ứng của WHO bị cắt đi hơn 1.000 nhân viên. Một nửa trong số này là ở châu Phi. Số nhân viên còn lại phải căng mình ở khu vực Trung Đông vì sự bùng phát của virút hô hấp, xung đột ở Syria, các nơi bị cúm gia cầm và chiến dịch nhổ tận gốc bệnh viêm tủy xám ở Pakistan.

Giáo sư y tế công cộng Fran Baum thuộc Trường đại học Flinders ở Adelaide, Nam Úc, ví von: “WHO đang hoạt động với một tay bị bó buộc sau lưng”.

Lúng túng xử lý chất thải của bệnh nhân Ebola

Việc hai y tá ở bang Texas (Mỹ) nhiễm Ebola sau khi chăm sóc cho bệnh nhân người Liberia Thomas Eric Duncan đã để lộ thiếu sót mà nhiều bệnh viện mắc phải khi xử lý chất thải của người mắc bệnh.

Quá trình mắc bệnh Ebola bao gồm nhiều triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, xuất huyết. Những triệu chứng này gây khó khăn cho việc kiềm chế lây nhiễm bệnh.

Theo New York Times, chính vì tính lây nhiễm cao của bệnh này, việc xử lý chất thải của bệnh nhân và dọn dẹp những gì còn sót lại yêu cầu chuyên môn và thiết bị cao mà theo một số chuyên gia là vẫn đang thiếu tại một số cơ sở y tế cao cấp.

Hầu hết các bệnh viện đều không có lò thiêu hay máy khử trùng hơi nước với khả năng đủ để xử lý một lượng lớn chất thải nhiễm virút.

Theo New York Times, Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas, nơi có hai y tá nhiễm bệnh, đã phải đóng gói và chuyển các thùng chất thải, từ dịch cơ thể, khăn vải, các bộ đồ bảo hộ cho đến giường bệnh nhân tới một lò hỏa táng ở Port Arthur (bang Texas) để tiêu hủy.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên