05/02/2020 22:38 GMT+7

WHO tại Việt Nam: kiểm tra nồng độ cồn, mỗi người phải một ống thổi mới

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi máy đo nồng độ cồn chỉ được 1 cảnh sát giao thông sử dụng trong 1 ca làm việc và sử dụng mỗi ống thổi mới cho mỗi người được kiểm tra để ngăn lây lan virus corona.

WHO tại Việt Nam: kiểm tra nồng độ cồn, mỗi người phải một ống thổi mới - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông TP Vinh kiểm tra nồng độ cồn của tài xế - Ảnh: DOÃN HÒA

Tiến sĩ Kidong Park - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - khuyến cáo như vậy trong thư trả lời đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc góp ý dự thảo hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch viêm phổi cấp do virus corona tại Việt Nam.

Theo trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, việc thực thi Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật khác, trong đó có quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và các văn bản dưới luật có liên quan nên được tiếp tục.

Cần thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cộng đồng bất cứ khi nào tiến hành hoạt động kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Kidong Park cho biết WHO đã ban hành các khuyến cáo cơ bản đối với công chúng, bao gồm các lời khuyên để giúp cho người dân tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Các thông tin này có thể tham khảo tại đây.

Liên quan tới tình huống cụ thể khi kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở bằng thiết bị của lực lượng cảnh sát giao thông, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh một số điểm mấu chốt sau:

Cảnh sát giao thông nên đeo khẩu trang y tế và được trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn.

Bố trí để đảm bảo thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng 1 cảnh sát giao thông trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo). Tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn.

Chỉ sử dụng riêng 1 ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp.

Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 4-2 về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở của người tham gia giao thông có thể lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là virus corona hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự như đối với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân.

Đến nay, trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của cảnh sát giao thông sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Y tế cho rằng tại những thời điểm có dịch bệnh như dịch viêm đường hô hấp cấp hiện nay, hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu.

Lục lượng cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nói chung và nCoV nói riêng cho bản thân và người dân.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị theo diễn biến và các mức độ nguy cơ của dịch bệnh, ví dụ khi công bố dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, Bộ Công an báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án thích hợp cho việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, cập nhật hoàn thiện hướng dẫn quy trình, thao tác khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở, đảm bảo yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng, chống dịch bệnh.

Sáng kiến thổi hơi vào bong bóng để kiểm tra nồng độ cồn Sáng kiến thổi hơi vào bong bóng để kiểm tra nồng độ cồn

TTO - Nhằm ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường hô hấp, Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Sóc Trăng có sáng kiến cho người tham gia giao thông thổi bong bóng rồi truyền khí thở vào máy kiểm tra nồng độ cồn.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên