08/12/2021 08:40 GMT+7

WHO khuyến cáo không dùng liệu pháp huyết tương

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Ngày 6-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không dùng huyết tương của người đã khỏi COVID-19 để điều trị cho những người đang mắc bệnh này ở mức độ nhẹ hoặc vừa.

WHO khuyến cáo không dùng liệu pháp huyết tương - Ảnh 1.

Những người hiến huyết tương để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Pirogov số 1 ở Matxcơva (Nga) vào ngày 4-11 - Ảnh: REUTERS/TASS

Khuyến cáo này của WHO làm tiêu tan hy vọng về một trong các biện pháp chữa trị tiềm năng được nghiên cứu từ giai đoạn rất sớm trong đại dịch.

Không hiệu quả

"Bằng chứng hiện tại cho thấy huyết tương giai đoạn hồi phục không cải thiện khả năng sống sót cũng như không làm giảm nhu cầu thở máy ở bệnh nhân COVID-19, đồng thời gây tốn thời gian và chi phí" - WHO nêu rõ trong "khuyến cáo mạnh mẽ" đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ).

"Huyết tương giai đoạn hồi phục" là thành phần trong máu người bệnh COVID-19 đã khỏi, chứa kháng thể do cơ thể tạo ra sau khi nhiễm bệnh. Ban đầu huyết tương cho thấy một số triển vọng khi được tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân.

Tuy nhiên, WHO đưa ra khuyến cáo mới nhất dựa trên bằng chứng từ 16 thử nghiệm với tổng cộng 16.236 bệnh nhân COVID-19 thuộc các thể không nghiêm trọng, nặng và nguy kịch tham gia.

WHO khuyến cáo không dùng huyết tương giai đoạn hồi phục với những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng nghiêm trọng, với người thể nặng và nguy kịch, ngoại trừ trong thử nghiệm lâm sàng.

Không còn kỳ vọng

Việc dùng huyết tương giai đoạn hồi phục là một trong những phương pháp điều trị tiềm năng được nghiên cứu sớm trong đại dịch COVID-19. Các thử nghiệm lâm sàng liệu pháp này từng được Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga, Nhật Bản và các nước khác thực hiện.

Giai đoạn đầu dịch COVID-19, WHO thậm chí còn khen ngợi việc Trung Quốc dùng liệu pháp này. 

Tháng 2-2020, thời điểm các bác sĩ tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) dùng liệu pháp này cũng như xuất hiện các thông điệp như "huyết tương của tôi, mạng sống của bạn!", giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, còn nhận định đây là cách tiếp cận "rất hợp lý" và là "lĩnh vực rất quan trọng cần theo đuổi".

Ông Ryan cho biết liệu pháp dùng huyết tương giai đoạn hồi phục từng được chứng minh phát huy hiệu quả và cứu sống người bệnh trong một số bệnh khác như dại, bạch hầu.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng ca ngợi huyết tương là một "thành phần tốt đẹp" trong tĩnh mạch của những người sống sót sau khi mắc COVID-19.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy huyết tương này không cứu được những người mắc COVID-19 nặng và không có lợi ích rõ ràng. Các nhà nghiên cứu kết luận liệu pháp này là "vô ích", theo trang The Conversation. Và khuyến cáo mới nhất của WHO đã cho thấy sự kết thúc của nó.

Tháng 8-2020, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tạm dừng cấp phép dùng khẩn cấp liệu pháp này sau khi đánh giá dữ liệu liên quan chưa đủ chứng minh tác dụng.

Không tạo khác biệt đáng kể

Tháng 3-2021, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo dừng thử nghiệm liệu pháp huyết tương ở bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa sau khi hội đồng độc lập nói không thấy được "sự khác biệt đáng kể" về số ca nhập viện, tử vong hoặc ngăn ngừa bệnh nặng của nó.

Thử nghiệm này khởi động từ tháng 8-2020, với mục tiêu tiếp cận 900 bệnh nhân tại 47 khoa cấp cứu trong các bệnh viện Mỹ, nhưng mới có 511 bệnh nhân tham gia.

Theo NIH, ngay cả khi có thêm người, "cuộc thử nghiệm này vẫn rất khó chứng minh được huyết tương giai đoạn hồi phục giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng".

WHO: Nhóm trẻ từ 5 đến 14 tuổi hiện là nhóm mắc bệnh nhiều nhất WHO: Nhóm trẻ từ 5 đến 14 tuổi hiện là nhóm mắc bệnh nhiều nhất

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường bảo vệ trẻ em trước COVID-19 khi nhóm trẻ từ 5 đến 14 tuổi hiện là nhóm bị mắc bệnh nhiều nhất. Cơ quan này cũng cho rằng việc bắt buộc tiêm ngừa nên là biện pháp sau cùng.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên