Một du khách xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan - Ảnh: REUTERS
Ngày 29-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron (xác định lần đầu tại Nam Phi) nhiều khả năng sẽ tiếp tục lan rộng, đặt ra nguy cơ toàn cầu "rất cao", theo Hãng tin Reuters. WHO cũng kêu gọi các nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ cao.
Trước đó một ngày, WHO nói chưa rõ biến thể Omicron có dễ lây truyền hay gây bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đây hay không, và cần vài tuần để hiểu về biến thể này.
Đáng lo ngại!
WHO dẫn bằng chứng sơ bộ cho thấy xét nghiệm PCR có thể phát hiện Omicron và biến thể mới có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến thể "đáng lo ngại".
Dù ngày 28-11, bác sĩ Angelique Coetzee - chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, thành viên nhóm phát hiện ra biến thể Omicron tại Nam Phi - cho biết các triệu chứng của biến thể này cho đến nay khá nhẹ, có thể điều trị tại nhà.
Hãng tin AFP dẫn lời bà Coetzee cho biết hầu hết bệnh nhân mắc biến thể Omicron mà bà điều trị đều cảm thấy "rất mệt mỏi", đau cơ, ngứa cổ họng và ho khan vài ngày, không người nào bị mất khứu giác hay vị giác.
Hầu hết họ là nam giới dưới 40 tuổi, một nửa trong số này chưa tiêm phòng, trong đó có một bé gái 6 tuổi sốt cao và tim đập nhanh đã có chuyển biến tốt sau hai ngày theo dõi.
Một số chuyên gia cho rằng nếu Omicron không gây triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí ở người chưa tiêm chủng, điều đó cho thấy virus đang chuyển sang giai đoạn "bệnh đặc hữu" - nghĩa là virus xuất hiện thường xuyên hơn nhưng dễ kiểm soát hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì về biến thể Omicron. Mặc dù các bệnh nhân của bà Coetzee đều khỏe mạnh, điều này có thể bởi vì họ trẻ, thậm chí có thể không mắc bệnh nặng với bất cứ biến thể nào của virus. Những bệnh nhân già, chưa tiêm chủng hoặc mắc bệnh nền vẫn có thể bệnh nặng khi mắc Omicron.
Theo Đài CNN, biến thể Omicron được phát hiện tại ít nhất 14 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Nam Phi, Botswana, Canada, Úc và một số nước châu Âu. Ngày 28-11, Pháp, Thụy Sĩ phát hiện các ca nghi nhiễm biến thể Omicron.
Cho đến nay, ít nhất 44 nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại với các nước ở khu vực phía nam châu Phi do lo ngại biến thể Omicron.
Mới nhất, Nhật Bản cấm người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới nhập cảnh nước này từ ngày 30-11. Các bộ trưởng y tế nhóm G7 cũng họp khẩn về biến thể Omicron trong ngày 29-11.
Cần đẩy nhanh tiêm chủng cho người trẻ
Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến thể Omicron là những người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng. Ngay cả những người đã bị nhiễm trước đó cũng phải đối mặt với nguy cơ từ biến thể mới này.
Các nhà khoa học đã nói rằng biến thể này có nhiều thay đổi đối với protein đột biến hơn bất kỳ biến thể nào mà họ từng thấy. Có ý kiến cho rằng nó có thể xuất hiện từ một người bị suy giảm miễn dịch, người đã chứa virus trong một thời gian dài, có thể là một người bị nhiễm HIV/AIDS chưa được chẩn đoán.
Việc một loại virus đột biến thường xuyên và ngẫu nhiên không có gì lạ, vì đó là bản chất sinh tồn của virus. Để tồn tại và phát triển virus phải né tránh được kháng thể chống virus của con người, nên chúng ta không ngạc nhiên khi nó có thể tấn công ngay những người đã chích ngừa đầy đủ. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm của những người đã được tiêm chủng vẫn chưa được biết rõ.
Trước tình hình xuất hiện biến thể Omicron, nhất là nhóm nhỏ tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin COVID thì dễ mắc bệnh hơn những người trên 25 tuổi, các phụ huynh nên cho các cháu từ 12 tuổi trở lên chích ngừa càng sớm càng tốt.
Kêu gọi các nước báo cáo về ca nhiễm biến thể Omicron
WHO vừa kêu gọi các nước thành viên báo cáo về các ca nhiễm biến thể Omicron ban đầu, các ổ dịch liên quan đến biến thể này và tỉ lệ các mẫu được giải trình tự gene.
Các nhà nghiên cứu ở nam châu Phi và các quốc gia khác đang chạy đua với thời gian để thực hiện các nghiên cứu để đánh giá những đặc điểm của biến thể Omicron.
Phụ thuộc vào bản chất của biến thể, có thể số ca nhiễm do biến thể Omicron sẽ tăng và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
HỒNG VÂN
Biến thể Omicron có nguy hiểm?
Tiêm vắc xin mũi 2 cho học sinh tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đang có những quan điểm khác nhau về mức độ nguy hiểm của chủng virus biến thể Omicron. WHO phân loại chủng này là "biến thể đáng quan ngại", nhận định khả năng cao là Omicron sẽ tiếp tục lan rộng khắp thế giới; Israel đã đóng cửa biên giới từ ngày 27-11, trong khi có những ý kiến cho rằng chủng Omicron lây lan nhanh nhưng mức độ bệnh sẽ không nặng nề.
TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho rằng tất cả các virus bao gồm cả SARS-CoV-2 đều thay đổi theo thời gian. Tùy mức độ nguy hiểm với cộng đồng mà một biến thể sẽ được phân loại thành các mức độ khác nhau, trong đó mức độ "biến thể đáng quan ngại" là mức độ nguy hiểm cao nhất.
"Thông qua đánh giá so sánh, Omicron đã được chứng minh là có khả năng liên quan đến các thay đổi: tăng khả năng lây truyền, tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện lâm sàng, giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống, như vắc xin, điều trị và biện pháp xã hội" - TS Thái cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc chủng virus biến thể, nhưng các báo cáo từ nước ngoài cho biết Omicron có 32 đột biến protein gai, loại protein quyết định khả năng bám dính và xâm nhập vào các tế bào mà virus tấn công.
Về tình trạng bệnh nhẹ ở các trường hợp bệnh nhân nhiễm chủng mới Omicron đã được ghi nhận, các chuyên gia phân tích số lượng các trường hợp ghi nhận còn ít, cần hồi cứu xem có phải bệnh xuất hiện trên nền ca bệnh cũ hoặc đã tiêm chủng nên nhận định ban đầu có thể là nhẹ hơn chủng cũ.
"Nhưng với cộng đồng chưa tiêm hoặc chủng tộc khác không phải gốc Phi thì tình trạng có thể khác hơn nên WHO quan ngại" - một chuyên gia nhận định.
Chuyên gia này cho rằng Việt Nam đã có những động thái sớm, như đề nghị tạm thời chặn các chuyến bay và hành khách từ khu vực nam châu Phi, giám sát chặt các chủng lưu hành. Hiện các hãng vắc xin đang ráo riết tìm kiếm khả năng ngăn chặn biến thể này.
LAN ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận