Đo thân nhiệt hành khách trên chuyến bay từ Dubai đến Tân Sơn Nhất, TP.HCM lúc 20g30 hôm 9-8 - Ảnh: T.T.D. |
Tại cuộc họp báo ngày 12-8 về phòng chống bệnh Ebola, ông Masaya Kato, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết các nước thường gửi mẫu xét nghiệm đến năm phòng thí nghiệm hợp tác với WHO để xác định bệnh Ebola, nhưng VN đề xuất triển khai xét nghiệm trong nước nên WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật.
WHO hướng dẫn kỹ thuật bất hoạt virút để tiến hành kỹ thuật xét nghiệm phân tử.
Ông Kato cho biết chỉ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 mới được xét nghiệm bệnh Ebola và hiện VN mới có hai phòng xét nghiệm cấp độ 3, chưa có phòng xét nghiệm đảm bảo an toàn cấp độ 4.
“Sẽ phải triển khai thêm một số quy trình để có thể tiến hành loại xét nghiệm này, VN cần đảm bảo an toàn nghiêm ngặt trong quy trình lấy mẫu, vận chuyển mẫu... vì tính dễ lây lan của dịch bệnh” - ông Kato khuyến cáo.
Nguy cơ Ebola lây lan đến Việt Nam rất thấp
Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 12-8 đã có gần 1.850 người mắc bệnh Ebola, trong đó có 1.013 ca tử vong.
Số trường hợp mắc và tử vong do Ebola vẫn liên tục tăng tại bốn nước Tây Phi. Chủng virút gây bệnh năm nay được coi là nguy hiểm nhất trong năm chủng virút gây bệnh.
“Do đặc điểm của bệnh là lây nhiễm qua đường máu, qua tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, tinh dịch, nước bọt... của người bệnh nên chỉ những người từ vùng dịch, có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc bệnh phẩm mới có nguy cơ mắc bệnh. Chúng tôi khẳng định đến nay chưa có người VN nào nhiễm Ebola” - ông Phu cho biết.
Hiện ngoài bốn nước Tây Phi, theo ông Kato, chưa quốc gia nào có tình trạng lây lan bệnh Ebola (ngoài bệnh nhân người Tây Ban Nha tiếp xúc với người bệnh), các châu lục khác mới phát hiện người nghi nhiễm và nguy cơ Ebola lây lan đến VN rất thấp.
Ông Trần Đắc Phu cho biết trong những ngày qua khi thông tin Ebola lan đến châu Á, thậm chí đến VN lan tràn trên mạng, có rất nhiều người dân hoang mang tìm thuốc chữa bệnh, hoặc thông báo ngừng đi du lịch, ngừng ra đường...
“Cẩn trọng tránh bệnh dịch nhưng cũng không nên quá hoang mang làm xáo động đời sống”- ông Kato khuyến cáo.
TP.HCM giám sát khách nhập cảnh, lập đội phản ứng nhanh
Sáng cùng ngày, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM đã có buổi kiểm tra tình hình phòng dịch Ebola tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hồng Tâm, phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM), cho biết hiện sân bay này có bốn máy đo thân nhiệt (hai máy hoạt động 24/24 giờ) nhằm kiểm tra tất cả hành khách, thực hiện tờ khai y tế đối với khách từ các nước có dịch Ebola quá cảnh đến Việt Nam.
Ngoài ra, mỗi ngày còn có ba chuyến bay từ các nước Trung Đông (những chuyến bay này có thể chở hành khách từ vùng dịch). Đến nay chưa phát hiện hành khách nào có dấu hiệu nghi mắc Ebola. Nếu phát hiện khách thân nhiệt cao sẽ mời đến phòng kiểm dịch quốc tế để kiểm tra tiếp.
Trường hợp nghi nhiễm bệnh Ebola lập tức cách ly khách, chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kiểm tra, khử khuẩn khu vực sân bay.
“Những trường hợp không trực tiếp đến từ các nước có bệnh, nhưng trong 21 ngày từng đến các nước này, sau đó đến TP.HCM đều phải thực hiện các tờ khai y tế. Lực lượng cảnh sát sân bay sẽ có các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện những trường hợp trên và yêu cầu điều tra dịch tễ” - ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện VN chưa có ca bệnh Ebola, do vậy ngành y tế tập trung giám sát để phát hiện sớm nhất có thể các ca nghi ngờ để cách ly, điều trị.
“Ngoài các biện pháp giám sát khách nước ngoài vào TP.HCM, Sở Y tế TP đã chỉ đạo tất cả bệnh viện thành lập các khu điều trị, đặc biệt là trang thiết bị, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế, tránh khi có ca bệnh thì lúng túng” - ông Hưng nói thêm.
Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng triển khai các biện pháp phòng chống đến 24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện; thành lập các đội phản ứng nhanh tuyến TP và tuyến quận, huyện...; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị dự phòng khi có dịch xảy ra.
Sở Y tế TP giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám chữa bệnh về chẩn đoán sớm, điều trị cách ly, chuyển viện kịp thời khi có ca bệnh; rà soát và chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị dự phòng, thuốc cấp cứu, điều trị hỗ trợ khi có dịch xảy ra.
Bộ Y tế hướng dẫn giám sát, phòng chống
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ; đau họng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy cấp; phát ban; một số trường hợp chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu. Ngoài ra, đặc biệt lưu ý bệnh nhân có tiền sử ở, đi, đến từ vùng, quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bị bệnh Ebola hoặc động vật nhiễm virút Ebola trong vòng 21 ngày... Kế hoạch đưa ra ba tình huống giám sát cụ thể (chưa ghi nhận ca bệnh tại VN, có ca bệnh xác định xâm nhập vào VN và dịch lây lan trong cộng đồng) với các phương thức giám sát, theo dõi chi tiết. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh Ebola bằng cách tuyên truyền cho người dân về bệnh Ebola và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tránh tiếp xúc với người bị bệnh Ebola, máu, dịch tiết của người bệnh... |
Giao lưu trực tuyến “Nguy cơ Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp”
14g hôm nay 13-8, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Nguy cơ Ebola, viêm não và tiêu chảy cấp” trên tuoitre.vn. Mời bạn đọc đặt câu hỏi cho ba khách mời gồm PGS-TS Nguyễn Văn Kính - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và ông Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - để nhận được câu trả lời về cách phòng tránh bệnh, nguy cơ Ebola xâm nhập vào VN, các dấu hiệu nhận biết của bệnh... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận