
Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP và TTXVN, ngày 12-4, sau 3 năm đàm phán, các thành viên Tổ chức Y tế thế giới đã đạt được thỏa thuận "về nguyên tắc" cho một hiệp ước quốc tế về công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Bà Anne-Claire Amprou, đồng chủ tịch cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO và là đại sứ Pháp về y tế toàn cầu, cho biết "chúng tôi đã đạt một thỏa thuận về nguyên tắc" và lưu ý thỏa thuận cuối cùng sẽ phải được các quốc gia thành viên thông qua.
Mặc dù chi tiết thỏa thuận về nguyên tắc chưa được công bố, song việc đạt được đồng thuận bước đầu như vậy được đánh giá là bước đi quan trọng, giúp tiến tới hoàn tất thỏa thuận ứng phó đại dịch kịp trình lên kỳ họp của Đại hội đồng Y tế thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.
Sự đồng thuận diễn ra sau một phiên thảo luận kéo dài gần 24 giờ, sau đó các đại biểu đã vỗ tay nhiệt liệt trong nhiều phút.
"Đây là một tín hiệu rất tốt. Các bạn là một phần của khoảnh khắc lịch sử phi thường đang được tạo nên. Đây là món quà tuyệt vời dành cho con cháu chúng ta" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Bà Amprou thông tin các đại biểu sẽ tiếp tục gặp nhau tại Geneva để hoàn thiện văn bản mang tính bước ngoặt này.
Một số nguồn tin tiết lộ một trong những điểm vướng mắc chính khi các đại biểu tiến gần đến thỏa thuận là đoạn 11 của văn bản dài khoảng 30 trang, về việc định nghĩa chuyển giao công nghệ để sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch, đặc biệt để mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển.
Tại khai mạc cuộc họp thứ 13 của Cơ quan đàm phán liên chính phủ về thỏa thuận đại dịch của WHO hôm 7-4, ông Tedros đã nhắc lại hậu quả khủng khiếp của đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới và nhấn mạnh: "Đại dịch tiếp theo sẽ không chờ đợi cho đến khi mọi thứ lắng xuống".
Theo người đứng đầu WHO, sự xuất hiện của đại dịch mới "không phải là rủi ro về mặt lý thuyết, mà là điều chắc chắn về mặt dịch tễ học".
Ông Tedros nói đại dịch tiếp theo "có thể xảy ra trong 20 năm nữa hoặc xa hơn, thậm chí có thể xảy ra vào ngày mai".
"Nó sẽ xảy ra, dù bằng cách nào đi nữa, và chúng ta phải sẵn sàng", ông nhấn mạnh.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế do COVID-19 được WHO ban bố từ cuối tháng 1-2020 và chính thức kết thúc vào ngày 5-5-2023.
Theo dữ liệu của WHO, tính đến ngày 23-5-2023, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 777.684.506 ca nhiễm và 7.092.720 ca tử vong do COVID-19.
Các cuộc đàm phán được khởi động từ tháng 12-2021 khi 194 quốc gia thành viên của WHO nhất trí khởi động quá trình đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Đến tháng 2-2022, cuộc họp đầu tiên của cơ quan đàm phán liên chính phủ được tổ chức.
Trong quá trình đàm phán kéo dài khoảng 3 năm qua, mặc dù phần lớn văn bản dự thảo đã được nhất trí, nhưng vẫn còn bất đồng về một số điều khoản chính, như chia sẻ công bằng vắc xin, phương pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị.
Thêm vào đó, Mỹ đã không tham gia các cuộc đàm phán trong năm nay sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1 vừa qua ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi WHO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận