Người dân chờ tiêm ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 21-7 - Ảnh: REUTERS
Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, hiện đã có mặt tại 124 lãnh thổ và gây ra phần lớn các ca mắc COVID-19 tại nhiều nước lớn.
"Nó dự kiến sẽ nhanh chóng đánh bật các biến thể khác và trở thành chủng lây lan chính trong những tháng tới" - WHO ngày 21-7 cho biết.
Ngoài Delta còn có 3 biến thể được WHO đánh giá đáng lo ngại bao gồm Alpha, Beta và Gamma.
Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng ngày cảnh báo khả năng xuất hiện các biến thể dễ lây lan và nguy hiểm hơn so với biến thể Delta.
"Lây nhiễm càng cao thì biến thể sẽ xuất hiện càng nhiều, có khả năng còn nguy hiểm hơn biến thể Delta" - ông Tedros nói, đồng thời cho biết càng thêm nhiều biến thể thì khả năng càng lớn một trong số đó sẽ kháng các loại vắc xin đang có và việc nghiên cứu phải bắt đầu lại từ đầu.
Theo cập nhật của WHO, thế giới ghi nhận 3,4 triệu ca mắc COVID-19 trong 1 tuần tính đến 18-7, tăng 12% so với tuần trước đó.
"Với tốc độ này, tổng số ca được ghi nhận trên toàn cầu có thể vượt 200 triệu trong ba tuần tới" - WHO cho biết.
Sự gia tăng khả năng lây nhiễm trên toàn cầu hiện do 4 yếu tố chính: nhiều biến thể dễ lây hơn, việc nới lỏng các biện pháp y tế công, sự giao lưu xã hội gia tăng và số lượng lớn người chưa được tiêm ngừa.
Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc COVID-19 đã tăng 30%, trong khi khu vực châu Âu tăng 21%. Indonesia có số ca mắc cao nhất (350.273 ca mới, tăng 44%), tiếp theo là Anh (296.447 ca mới, tăng 41%) và Brazil (287.610 ca mới, giảm 14%).
Số ca tử vong hằng tuần vẫn duy trì ở mức 57.000 ca sau hơn 2 tháng giảm đều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận