Trailer The Wonderful Story of Henry Sugar
Màn kết hợp đầu tiên giữa Netflix và đạo diễn Wes Anderson mới đây mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh đặc sắc. Tuyển tập 4 bộ phim ngắn gồm The Wonderful Story Of Henry Sugar, The Swan, The Rat Catcher, Poison được chuyển thể từ các truyện ngắn của tác giả Roald Dahl.
Wes Anderson nhấn nhá cho những tác phẩm của mình bằng một phong cách có phần kỳ dị: giữ nguyên từng câu trong truyện ngắn gốc, để các nhân vật lần lượt xuất hiện nhằm mục đích minh họa cho câu chuyện.
Bối cảnh phim nhiều màu sắc, khiến người xem liên tưởng đến những tập truyện tranh pop-up dành cho trẻ em.
Các tác phẩm cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ, nhưng nhà làm phim không cố gắng phô diễn bất cứ thứ gì, mà hoàn toàn nhường quyền tưởng tượng và lý giải nó cho khán giả thưởng thức.
Đạo diễn của những bộ phim kinh phí thấp
Wes Anderson sinh năm 1969 tại Houston, Texas. Tốt nghiệp với bằng cử nhân về triết học tại Đại học Texas ở Austin, ông chuyển đến New York và bắt đầu viết kịch bản phim.
Nhắc tới Wes Anderson, ta nhắc tới những bộ phim có màu sắc sáng tạo độc lập, với phong cách không thể lẫn vào đâu. Đặc biệt, các tác phẩm này thường không tốn nhiều chi phí sản xuất, song vẫn tạo tiếng vang lớn và nhận nhiều lời khen từ các nhà phê bình.
Một vài cái tên tiêu biểu trong danh sách này là The Royal Tenenbaums, The Darjeeling Limited, Fantastic Mr. Fox, Rushmore, Moonrise Kingdom, hay gần nhất chính là bộ 4 phim ngắn đánh dấu việc Wes Anderson chào sân Netflix.
Trong một bài phỏng vấn, nhà làm phim từng chia sẻ có hai nguyên nhân khiến ông theo đuổi con đường điện ảnh: "Tôi cảm thấy hứng thú với việc sắp xếp mọi thứ về mặt thị giác, đó chính là lý do vì sao tôi thích vẽ.
Tôi không phải là người quay phim, không tạo ra được những hình ảnh đẹp nhưng tôi lại thoải mái và hứng thú với nhiều khía cạnh khác của một nhà làm phim".
Telegraph ngợi khen phong cách riêng của Wes Anderson: "Anderson không làm phim theo kiểu êm ái, ủy mị của Hollywood xưa cũ. Chúng ta có thể tìm thấy cái nhìn mới và thú vị với góc nhìn hoài cổ trong phim của ông".
Nhiều người trong nghề thậm chí còn sử dụng thuật ngữ "Thế giới của Wes" (Wes World) dành riêng cho các dự án ông sáng tạo.
Thẩm mỹ độc đáo của Wes Anderson
Ở mỗi bộ phim, Wes Anderson đặt dấu ấn riêng của mình bằng việc chăm chút từng khung hình như hội họa. Các tác phẩm của ông đều giống một bản hòa tấu màu sắc, tạo nên hiệu ứng bắt mắt và mới lạ về mặt thị giác.
Trong Moonrise Kingdom, bộ phim lấy bối cảnh những năm 1960, kể về một cặp đôi yêu nhau đã bỏ trốn khỏi thị trấn New England, Wes Anderson sử dụng tông màu vàng để tạo nên vương quốc trăng non - nơi hai đứa trẻ có tuổi thơ bị mất đang tìm kiếm.
Màu vàng ngập tràn từ đầu đến cuối phim, tạo ra cảm giác trong sáng, lạc quan và tươi trẻ trong thế giới của hai cô cậu bé. Đôi khi nó mang đến sự thanh bình, tĩnh lặng, đôi khi lại là sự bứt phá mạnh mẽ trong cảm xúc.
Còn trong The Grand Budapest Hotel, đạo diễn mang đến góc nhìn châm biếm về cuộc sống phù phiếm của những nhân vật trong khách sạn. Sự hời hợt, giả tạo trong các mối quan hệ được ông phô bày bằng tông màu hồng kẹo ngọt.
Đôi khi, trong cùng một khung hình, màu hồng mang đến sự phân hóa rõ nét giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa niềm hạnh phúc và bi kịch của từng nhân vật.
The Life Aquatic with Steve Zissou kể về Steve Zissou, một nhà hải dương học cố gắng trả thù con cá mập đã giết bạn và đồng đội của mình.
Trên nền gam màu xanh của nước biển, ta thấy Steve phải vật lộn với việc bản thân đang dần bị khán giả lãng quên, nỗi đau đớn khi mất đi người bạn đời. Steve muốn trở lại thời kỳ đỉnh cao, nhưng ông lại nghi ngờ khả năng của mình.
Điểm xuyết trong đó là hình ảnh chiếc mũ đỏ Steve luôn đội trên đầu, tượng trưng cho sự bất an xen lẫn lý tưởng mạnh mẽ của ông khi dấn thân vào biển sâu.
Wes Anderson thường chọn những bảng màu khá đối chọi để lột tả thông điệp các câu chuyện của mình. Xem phim của ông, ta thấy mình như đang sống trong một thế giới mới lạ, dị thường, vừa hỗn loạn vừa chỉn chu, vừa đời thường mà cũng đầy mơ mộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận