01/02/2019 10:47 GMT+7

WEF Davos 2019: Điều Martin Luther King dặn ta

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Những gì King rao giảng trong thời đại của ông hóa ra chẳng hề xưa cũ, thậm chí lại càng đúng hơn trong cuộc giành giật giữa các siêu cường lúc này.

WEF Davos 2019: Điều Martin Luther King dặn ta - Ảnh 1.

Junior (1929-1968) - Ảnh: nih.gov

Sự kiện đa quốc gia lớn đầu tiên của năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, bắt đầu từ ngày 22-1, đúng một tuần sau kỷ niệm sinh nhật 90 tuổi của nhà hoạt động nhân quyền quả cảm người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Junior (15-1-1929).

Những gì King rao giảng trong thời đại của ông hóa ra chẳng hề xưa cũ, thậm chí lại càng đúng hơn trong cuộc giành giật giữa các siêu cường lúc này.

Khai mạc WEF, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley đã ngay lập tức nêu bật câu hỏi quan trọng nhất lơ lửng với tương lai toàn cầu: “Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đồng thời là những đối thủ cạnh tranh và đối tác hợp tác chiến lược được không?

Đó là điều thế giới cần, nhưng cũng là điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử”. Nói ngắn gọn: Thế giới cần những công cụ chưa có tiền lệ để đi đúng hướng trong một thời đại chưa có tiền lệ. Hay như những gì King nói: “Làm việc tốt thì thời điểm nào cũng là tốt” (The time is always right to do what is right).

Vấn đề then chốt của thời đại chúng ta

Những diễn biến thời sự quốc tế của những ngày đầu năm 2019 cho thấy tương lai đáng hi vọng đó sẽ khó khăn ra sao.

Thất bại của kế hoạch Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đệ trình trước Quốc hội tuần trước và việc Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục đóng cửa vì cuộc chiến ngân quỹ xây tường rào nhấn mạnh cơn đau bệnh đã âm ỉ với các nền dân chủ phương Tây nhiều năm rồi. Cả hai nhà lãnh đạo đó, bởi những rối bời trong nước, đã hủy việc tham dự WEF năm nay.

Trong những tin tức tích cực hơn một chút của các tuần lễ đầu năm, Trung Quốc đã đề nghị dàn xếp các tranh cãi thương mại với Hoa Kỳ, thông qua một lời ngỏ sẽ mua lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỉ USD từ Mỹ.

Theo các tin tức này, phát đi từ chính Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống còn zero cho tới năm 2024 so với 323 tỉ USD vào năm 2018.

Hiện giờ, theo báo chí Mỹ, Tổng thống Trump cũng đang lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ kéo lùi các thị trường chứng khoán trong nước và ông đang nghiêng về lập trường ôn hòa hơn của Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin thay vì cách tiếp cận cứng rắn của Cao ủy thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer.

Nhưng tình hình không vì thế mà dịu đi được bao nhiêu, vào lúc các điều tra liên bang Mỹ đã bắt đầu hành động chống lại công ty Trung Quốc Huawei Technologies với những cáo buộc công ty này đánh cắp công nghệ Mỹ.

Đồng thời, một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng ở Quốc hội đã đệ trình một dự luật sẽ hạn chế loại sản phẩm mà các công ty Mỹ được phép bán cho những hãng viễn thông Trung Quốc.

“Trong khi khó mà “định giá” được tác động tiềm tàng của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang leo thang, tác động lên nền kinh tế toàn cầu… sẽ lớn hơn nhiều và để lại hậu quả xuyên thế hệ” - Fred Kempe, chủ tịch và CEO của The Atlantic Counsel - nói với Hãng tin Mỹ CBS ở Davos.

Hay như lời King: “Bóng tối không thể đẩy lùi bóng tối, chỉ ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể xua tan hận thù, chỉ yêu thương mới làm được điều đó”. Những hận thù quả thật đã quá nhiều giữa hai siêu cường, và điều đó ảnh hưởng không chỉ tới họ.

Rủi ro ngày càng gia tăng là cuộc đua công nghệ sẽ trở thành chiến trường chính trong cuộc đấu giữa hai chế độ chính trị - và giữa Trung Quốc với Mỹ, nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ, một trận đấu có tổng bằng không để thống trị toàn cầu rốt cuộc sẽ chia đôi các mảng công nghệ của Mỹ và Trung Quốc, qua đó chia đôi cả thế giới, điều thực ra cũng đã diễn ra rồi.

Theo những hướng đi bây giờ, sự xung đột có vẻ là không thể tránh khỏi. Như Henry Kissinger mới đây nói: “Chúng ta đang ở vào một vị thế mà hòa bình và thịnh vượng trên thế giới phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra một phương thức hợp tác với nhau hay không, không phải lúc nào cũng nhất trí, nhưng biết xử lý những bất đồng… Đây là vấn đề then chốt của thời đại chúng ta”.

Vấn đề then chốt của nhiều thời đại nữa

Nhưng ngay cả quan hệ Trung - Mỹ đó cũng chỉ là chuyện ngắn hạn so với vấn đề mà nhà tự nhiên học lỗi lạc người Anh Sir David Attenborough nêu ra với các nhà lãnh đạo và những đầu óc sáng láng nhất thế giới ở Davos.

“Về mặt môi trường, những gì chúng ta làm ở thời điểm này… sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu sắc hàng nghìn năm nữa - báo Anh The Independent dẫn lại lời Attenborough trong diễn từ nhận giải Crystal cho những lãnh đạo văn hóa lớn - Chúng ta phải bắt tay vào những giải pháp thực tế ngay bây giờ.

Là một giống loài, chúng ta rất giỏi giải quyết vấn đề, nhưng chúng ta chưa tập trung vào vấn đề này (biến đổi khí hậu) với quyết tâm cần thiết. Chúng ta có thể tạo ra một thế giới với không khí và nước sạch, nhiên liệu không giới hạn, và trữ lượng cá bền vững rất lâu trong tương lai.

Nhưng để làm thế, chúng ta cần một kế hoạch. Trong hàng thiên niên kỷ, ở quy mô toàn cầu, tự nhiên chủ yếu là dễ đoán và ổn định. Nhưng giờ, trong khoảng thời gian một đời người, thật ra là đời tôi đây, mọi thứ đã thay đổi. Nhân loại thế đã kết thúc. Vườn địa đàng không còn nữa”.

Chính WEF, trong Báo cáo đánh giá rủi ro toàn cầu của họ, liệt kê 3 nguy cơ lớn nhất của năm 2019 là thời tiết cực đoan, không thể giảm bớt vấn nạn biến đổi khí hậu, và sự thích nghi và các thảm họa thiên nhiên.

Cùng với nguy cơ khủng hoảng về nguồn nước, 4/5 rủi ro lớn nhất của thế giới là liên quan tới khí hậu - môi trường (cái còn lại là nguy cơ các cuộc tấn công mạng). Một so sánh với 5 rủi ro hàng đầu trong báo cáo 2008 cho thấy thế giới đã thay đổi ra sao.

10 năm trước, danh sách bao gồm: khủng hoảng tài chính, bất ổn ở Trung Đông, các nhà nước thất bại, giá dầu mỏ và khí đốt tăng, và bệnh truyền nhiễm. “Trong tất cả những rủi ro thì môi trường là vấn đề nhiều khả năng nhất khiến cả thế giới này cất những bước mộng du vào trong thảm họa” - bản báo cáo của WEF 2019 văn vẻ.

Ngay trong năm 2019 này, Thái Lan đã phải chứng kiến trận bão tồi tệ nhất trong 30 năm tàn phá vùng bờ biển nước này. Ngay tại dãy Alps, phía đông Davos, những trận bão tuyết tồi tệ đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Trung Âu.

Những điều đó có liên hệ chặt chẽ với thực tế là 1% những người giàu nhất thế giới thu về 82% toàn bộ của cải trên toàn cầu vào năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong khi gần một nửa dân số toàn cầu ở bên bờ vực nghèo đói.

Sự bất bình đẳng tăng lên khi Trái đất ấm lên: 10% những người giàu nhất xả ra gần một nửa lượng carbon toàn thế giới bởi những hàng hóa mà họ tiêu thụ, trong khi biến đổi khí hậu lại ảnh hưởng tới những người nghèo nhất trước nhất và nghiêm trọng nhất, theo Oxfam.

Hãng tin Al Jazeera nhận định những vấn nạn đó đều là kết quả của “mô hình kinh tế tân tự do đặt lợi nhuận lên trên hết mà giới ăn trên ngồi trước ở Davos đã áp đặt vài thập kỷ trở lại đây”.

Chính từ quan điểm đặt lợi ích bản thân lên trên hết đó, “Nhiều chính trị gia dân túy đã đắc cử và thay đổi nghị trình sang chỗ bảo hộ và dân tộc chủ nghĩa hơn - John Drzik, giám đốc rủi ro toàn cầu của Marsh, nói với CNBC - Kết quả là các mối liên hệ đa phương đã yếu đi nhiều.

Không chỉ căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, mà sẽ còn gia tăng dưới hình thức trừng phạt, thuế, chiến tranh thương mại, hạn chế đầu tư, hạn chế công nghệ, và những mục tiêu chung dài hạn, như chống biến đổi khí hậu”.

Tháng 10-2018, Ủy ban Liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu nói trong báo cáo của họ rằng nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng thêm 1,5oC từ năm 2030 tới 2052 nếu tình trạng ấm lên tiếp diễn như hiện nay.

Để nhắc nhở, mức độ phát thải carbon dioxide của Mỹ trong năm 2018 đã tăng 3,4%, phản ánh những thay đổi chính sách của chính quyền mới, sau khi đã giảm trong 3 năm liên tiếp trước đó, theo nhóm nghiên cứu độc lập Rhodium Group.

Chính ở đây, mà một lần nữa tuyên ngôn của King thật đúng đắn với thời đại này: “Sự bất công ở bất kỳ đâu đều phương hại tới công bằng ở tất cả những nơi khác”, và “Chúng ta phải chấp nhận nỗi thất vọng có hạn, nhưng không bao giờ được đánh mất hi vọng vĩnh hằng”.

Sống đơn giản hơn

Một trong những cách để chống biến đổi khí hậu hữu hiệu nhất là tiêu dùng ít hơn, lâu bền hơn và sống đơn giản hơn.

Trong thông điệp Giáng sinh 2018, Giáo hoàng Francis cũng đã nêu ra những vấn đề thời sự này. “Hãy tự hỏi bản thân: Ta có thực sự cần tất cả những đồ vật đó và làm phức tạp hóa công thức cuộc đời lên không? - Giáo hoàng nói - Ta có thể sống được mà không cần tất cả những thứ dư thừa và sống một cuộc đời đơn giản hơn không?

Với nhiều người, ý nghĩa cuộc đời là sở hữu, có quá nhiều thứ. Một lòng tham vô độ đã ghi dấu trong lịch sử con người, thậm chí cả ngày nay, khi mà thật nghịch lý, một số người ăn uống sang cả trong khi quá nhiều người không có nổi miếng bánh mì để sống sót qua ngày”.

Martin Luther King - Một giấc mơ còn xanh

TTO - Ngày 21-1-2019, nước Mỹ kỷ niệm ngày mục sư Martin Luther King - người lãnh đạo phong trào dân quyền bất bạo động, chủ nhân giải Nobel hòa bình và là viên gạch đặt nền móng cho bình đẳng sắc tộc tại Mỹ.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên