Web drama Bệnh viện thần ái (trái) và Ghe bẹo ghẹo ai - Ảnh: T.L.
Với tôi, phim điện ảnh, phim truyền hình hay phim chiếu mạng thì chất lượng về nội dung và kỹ thuật vẫn phải được đầu tư ở mức tốt nhất. Nếu không, phim chiếu mạng rồi cũng sẽ thoái trào như phim truyền hình. Nếu chịu đầu tư, phim chiếu mạng sẽ là một sân chơi rộng lớn để các đạo diễn vẫy vùng.
Đạo diễn - biên kịch Hoàng Anh
Sự phát triển như "sóng thần" của Internet đã khiến các nhà làm phim Việt chú ý đến thể loại mới: web drama (phim chiếu mạng). Năm 2018 và nửa đầu năm 2019 là giai đoạn bùng nổ của thể loại này tại Việt Nam.
Không thể đứng ngoài xu thế
Văn Công Viễn - đạo diễn thực hiện khá nhiều phim truyền hình lẫn điện ảnh (như Tiệm bánh Hoàng tử bé, Bí mật quý ông, Mạc Gia Ký, Gia đình số đỏ, Tiểu thư Lọ Lem, Yêu em bất chấp, Cho em gần anh thêm chút nữa...) - đã cho ra mắt web drama Bệnh viện thần ái (đang đi đến những tập cuối).
Đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa - đạo diễn các phim chiếu rạp như Hoán đổi, Ông ngoại tuổi 30, Bệnh viện ma... - cũng vừa thực hiện sản phẩm web drama gây chú ý: Ghe bẹo ghẹo ai.
Biên kịch kiêm đạo diễn Hoàng Anh - từng thực hiện phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ, Cô Thắm về làng và phim điện ảnh Về quê ăn tết - cũng thực hiện một web drama 6 tập.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Tấn Phước - thực hiện phim điện ảnh Ngày mai Mai cưới và loạt phim truyền hình Hồn cát, Con cu li bé nhỏ, Ghen, Không thể ngừng yêu, Cõi mộng... - đang tuyển diễn viên cho dự án web drama đầu tiên của mình với tên gọi ban đầu Khát vọng đổi đời.
Ngoài ra, đạo diễn Nhâm Minh Hiền - người rất quen thuộc với nhiều phim truyền hình - đã thực hiện 3 tập phim chuyển thể từ sách Hạt giống tâm hồn để phát trên Internet.
Lý giải cho việc chuyển hướng này, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: "Chúng tôi không thể đứng ngoài xu thế tất yếu. Người xem không thể ôm tivi đi làm, trong khi đó Internet phủ đến tận tỉnh, thành phố xa xôi. Mỗi người đều có điện thoại thông minh bên người, họ có thể xem chương trình, bộ phim yêu thích mọi lúc mọi nơi".
Cùng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Tấn Phước chia sẻ: "Khi công nghệ phát triển, bắt buộc nhà sản xuất phải tìm hướng đi mới để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Ưu điểm của phim chiếu mạng là dễ tiếp cận mọi tầng lớp khán giả, mọi nơi và mọi thời điểm".
Nhìn ở góc độ khác, đạo diễn Hoàng Anh cho rằng: "Hiện nay có nhiều diễn viên muốn làm phim riêng cho mình nhưng nếu đầu tư làm điện ảnh thì kinh phí không cho phép, nếu làm truyền hình lại không có kênh phát sóng, như vậy phim chiếu mạng là lựa chọn hợp lý về kinh phí và đầu ra. Một khi có cầu sẽ có cung, các đạo diễn sẽ chuyển sang làm phim mạng".
Về dự án của mình, cô đạo diễn kiêm biên kịch vốn nổi tiếng khắt khe trên phim trường cho biết: "Dự án được bắt đầu khá bốc đồng nhưng hiện giờ đang được đầu tư quy mô với chi phí 800 triệu đồng/tập. Toàn bộ thiết bị dùng cho dự án là thiết bị hiện đại dành cho phim điện ảnh".
Phim chiếu mạng bắt đầu khởi sắc?
Đã có nhiều trải nghiệm qua những bộ phim điện ảnh, truyền hình được kiểm duyệt nghiêm túc, vì thế các sản phẩm web drama của các đạo diễn xuất thân từ phim truyền hình, điện ảnh ít nhiều có sự chỉn chu, nhất là khi so với các web drama trước đây chủ yếu khai thác đề tài giang hồ, nhiều sạn.
Chẳng hạn, Bệnh viện thần ái được đầu tư với kinh phí lớn, chất lượng hình ảnh đẹp, câu chuyện pha trộn chất hài hước, kinh dị, tình cảm... tạo nên màu sắc khác lạ trong khá nhiều sản phẩm web drama hiện nay. Còn Ghe bẹo ghẹo ai khai thác đề tài LGBT với cách kể chuyện gần gũi và hài hước... Mỗi tập phim đều đạt vài triệu lượt xem.
Đạo diễn Văn Công Viễn cho biết công ty anh xây dựng hẳn phim trường cho phim Bệnh viện thần ái, bởi "không đơn giản để có một web drama đúng chuẩn, nghiêm túc nhưng hấp dẫn. Để đi đường dài cần phải đầu tư nghiêm túc từ kịch bản đến cách thể hiện".
Đứng ở góc độ kinh tế, đạo diễn này khẳng định việc mở rộng làm sản phẩm web drama là một xu thế tất yếu bởi chi phí dành cho quảng cáo trên không gian số ngày càng tăng: "Quảng cáo trong phim truyền hình, mỗi tập thu được từng đó quảng cáo rồi xong, nhưng trên Internet không giới hạn thời gian. Lượng người xem càng nhiều thì nguồn thu từ quảng cáo càng tăng".
Đạo diễn Võ Thanh Hòa (Ghe bẹo ghẹo ai) quả quyết: "Tôi sẽ không câu view câu like bằng sex, sốc, xìcăngđan và dĩ nhiên không nói chuyện giang hồ".
Đạo diễn này cho biết thêm: "Truyền hình truyền thống và giải trí online sẽ có những mảng giao thoa nhau. Tôi muốn làm ra những sản phẩm nằm ở vị trí giao thoa, có thể phát trên truyền hình lẫn Internet và các thành viên gia đình đều có thể ngồi xem chung".
Hướng đi nghiêm túc: Phát triển trên nền tảng trả tiền OTT
Theo Adsota, chi phí đầu tư vào quảng cáo số tại Việt Nam tăng từ 131,4 triệu USD lên 215 triệu USD (chiếm 18,4% tổng chi phí cho quảng cáo phương tiện truyền thông - gọi chung là media ads) trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017.
Theo dự đoán, con số này tiếp tục tăng trưởng đều và đạt mức 323,6 triệu USD, tức 23,6% tổng chi phí cho media ads, vào năm 2020.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định: "Các sản phẩm chiếu trên Internet hiện chủ yếu có nguồn thu từ quảng cáo. Vì thế những sản phẩm có chất lượng và không chất lượng trộn lẫn vào nhau. Tôi nghĩ muốn nâng cao chất lượng sản phẩm phải phát triển trên nền tảng trả tiền OTT. Và đó cũng là hướng đi nghiêm túc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận