Tình báo Mỹ tin rằng sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 đã đưa Donald Trump lên nắm quyền - Ảnh: AFP
Theo báo Washington Post, Bộ Tư pháp Mỹ hồi đầu tuần đã gửi thư đến ba nhà báo Ellen Nakashima, Greg Miller và Adam Entous, cho biết dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, cơ quan này đã nhận hồ sơ lưu thông tin về công việc và điện thoại của họ "trong khoảng thời gian từ 15-4 đến 31-7 năm 2017".
Ông Cameron Barr, quyền biên tập viên điều hành của tờ Washington Post, cho biết họ "bị phiền nhiễu rất nhiều với việc dùng quyền lực của chính phủ để tìm cách tiếp cận thông tin liên lạc của nhà báo".
"Bộ Tư pháp cần ngay lập tức làm rõ lý do của việc xâm nhập vào hoạt động của các phóng viên đang thực hiện công việc của họ, một điều vốn được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất", ông này nhấn mạnh.
Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU) cho biết Bộ Tư pháp đã "theo dõi" các nhà báo "theo ý muốn của chính quyền".
"Điều này đáng lẽ không nên bao giờ xảy ra", cơ quan này viết trên Twitter. "Khi do thám các nhà báo và các nguồn tin của họ, chính phủ đã đe dọa quyền tự do báo chí".
Theo báo Washington Post, những lá thư này không nói rõ thời điểm Bộ Tư pháp dưới thời ông Trump nhận được và xem xét các hồ sơ đó.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của cơ quan này cho biết sự việc xảy ra vào năm ngoái khi ông William Barr đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng.
Bộ Tư pháp cho biết họ đã làm theo "các quy trình thủ tục đã được thiết lập" để xử lý những yêu cầu liên quan vụ việc, tờ Washington Post trích lời phát ngôn viên của bộ này.
Các bức thư không nói rõ lý do tại sao hồ sơ của các phóng viên Washington Post bị thu giữ. Vào gần cuối giai đoạn trên, ba nhà báo này đã viết một bài về tình báo Mỹ, trong đó cho rằng ông Jeff Sessions, người tiền nhiệm của ông William Barr, đã thảo luận về chiến dịch tranh cử của ông Trump với đại sứ Nga.
Trong một bài báo khác, họ viết về nỗ lực của chính quyền Obama nhằm chống lại sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đã xâm nhập vào máy chủ của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC) trong thời điểm chiến dịch tranh cử của ông Trump chống lại đối thủ là bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.
Ông Trump đã giảm nhẹ mức độ liên đới của Nga trong vụ rò rỉ thông tin của DNC, tỏ ra đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các đánh giá về sự việc của cơ quan tình báo dưới quyền ông khi đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận