Bộ trưởng Ashton Carter (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (thứ hai từ phải sang) trong chuyến thăm tàu USS John C. Stennis đang tuần tra ở Biển Đông hôm 15-4 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Theo CNN, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis khẳng định Washington đã biết việc máy bay quân sự của Trung Quốc đáp xuống đá Chữ Thập hôm 17-4 (báo chí Trung Quốc đăng tải vào hôm sau).
Theo ông Davis, Trung Quốc giải thích đây là hoạt động nhân đạo nhằm sơ tán ba công nhân bị bệnh nhưng Washington không đồng ý.
“Không rõ vì lý do gì Trung Quốc lại sử dụng một máy bay quân sự chứ không phải một máy bay dân sự. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tái xác nhận rằng họ không có kế hoạch triển khai hay luân phiên máy bay quân sự ở những điểm thuộc quần đảo Trường Sa, theo đúng với những cam đoan mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó” - ông Davis lên tiếng.
Âm mưu lồ lộ
Vụ việc lần này được phối hợp rất rõ ràng. Nhật báo Quân Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc đăng tải thông tin và hình ảnh. Rồi tờ Thời báo Hoàn Cầu “bình luận” đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc cho máy bay hạ cánh trên đá Chữ Thập.
Tờ báo này còn dẫn lời chuyên gia quân sự nói rằng động thái này cho thấy đường băng xây dựng tại đá Chữ Thập có thể phù hợp cho hoạt động của các loại máy bay dân sự, máy bay chiến đấu và máy bay vận tải cỡ lớn... Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000m và là một trong ba đường băng mà Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong chuyến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis đang thực hiện tuần tra khẳng định “tự do hàng hải” ở Biển Đông mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh với thủy thủ trên tàu rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra lo lắng và làm tăng những căng thẳng trong khu vực.
“Phản ứng với điều này, các nước ở châu Á - Thái Bình Dương, cả những đồng minh lâu năm và những nước đối tác lại tiếp cận Mỹ nhằm tăng cường những luật lệ và nguyên tắc cho phép khu vực phát triển mạnh. Và chúng ta đáp lại lời kêu gọi đó” - ông Carter nhấn mạnh.
Trong lúc theo sát hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, quân đội Mỹ cũng đang đề cập đến khả năng sẽ đưa tàu ngầm không người lái đến Biển Đông trong tương lai gần. Báo Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Carter xác nhận về khả năng này.
Tờ báo cho biết trong sáu tháng qua, Lầu Năm Góc đã bắt đầu thảo luận công khai một chương trình phát triển các thiết bị không người lái hoạt động dưới lòng biển, trong khuôn khổ kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc chi phối khu vực Biển Đông.
Bộ trưởng Carter cho biết Lầu Năm Góc đang đầu tư phát triển các tàu ngầm không người lái với nhiều kích cỡ và trọng tải khác nhau. Những thiết bị này có thể hoạt động trong các vùng nước cạn mà các tàu ngầm thông thường không thể đi vào và có thể sẽ được đưa vào hoạt động cuối thập niên này.
Anh lên tiếng
Cùng ngày, ông Hugo Swire - quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Anh - nhấn mạnh cả Trung Quốc và Philippines phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague. Phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6-2016.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Swire nói rằng Chính phủ Anh cũng xem phiên tòa này là một cơ hội để cả Philippines và Trung Quốc khôi phục đàm phán về những tranh chấp giữa họ. Quan chức này nhấn mạnh dù mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh đang tốt nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Anh ngừng chỉ trích việc Trung Quốc đang có những động thái bành trướng tham vọng tuyên bố chủ quyền vô lý ở Biển Đông.
“Chúng tôi nêu rõ quan điểm với Trung Quốc rằng chúng ta chỉ có thể thực hiện kiểu thỏa thuận này theo cách cởi mở và minh bạch, theo hệ thống luật pháp quốc tế” - quốc vụ khanh Swire phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ).
Hồi tháng 2-2016, Mỹ và Liên minh châu Âu (bao gồm cả Anh) cũng đã cảnh báo Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của tòa án ở The Hague. Washington bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ viện cớ để tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này, ông Swire cho biết Chính phủ Anh quan tâm đến tự do hàng hải và quyền bay ở khu vực trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận