Bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh - chia sẻ như vậy tại hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh", diễn ra vào ngày 22-11 tại Đà Lạt.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
Walt Disney ngập ngừng vì bản quyền
Bà Ngô Phương Lan nói: "Ở Việt Nam, ý thức bản quyền chưa cao". Trong khi đó, tới nay cũng mới chỉ có một vụ việc vi phạm bản quyền liên quan đến lĩnh vực phim ảnh bị khởi tố hình sự là trường hợp vi phạm của phimmoi.net.
Tuy nhiên, hiện vụ việc hiếm hoi này cũng chưa được xét xử nên không biết mức độ xử lý như thế nào.
"Chính hiện trạng vi phạm bản quyền đó khiến "ông lớn" Walt Disney rụt rè, ngập ngừng chưa muốn vào. Đó là lý do tới giờ vẫn chưa có đại diện của hãng này tại nước ta", bà Lan nói.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - chỉ ra vấn đề bản quyền trong lĩnh vực phim ảnh bị đặt vào tình trạng thách thức hơn trên không gian mạng.
"Với hàng triệu người đang sử dụng Internet và hàng triệu trang web như hiện nay, việc kiểm soát tất cả nội dung đăng tải trên mạng để đảm bảo cho việc bảo hộ quyền tác giả vô cùng khó khăn", lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả nói.
Bà Oanh liệt kê một số hành vi xâm phạm bản quyền phổ biến hiện nay: phim chiếu rạp bị khán giả livestream trên mạng, phim chiếu trên truyền hình bị ghi lại bằng nhiều cách và phát tán trên mạng…
Dù chúng ta có hệ thống pháp luật đi kèm để bảo hộ, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh dưới dạng các bản sao chép không được phép vẫn còn xảy ra, đặc biệt trên Internet.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng vi phạm bản quyền là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ngay cả khi hành lang pháp lý đã có nhiều thay đổi và cập nhật theo thực tế đời sống kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, ngành công nghiệp điện ảnh nước ta từ năm 2018 - 2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ.
Giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm. Cùng đó nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%.
Sau một thời gian "đóng băng" vì COVID-19, đến năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành điện ảnh đã phục hồi đáng kể, đạt khoảng 70% so với năm 2019.
"Tuy nhiên, môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan", ông nói.
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, đại diện đến từ các đơn vị quản lý và thực thi về quyền tác giả.
Các chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân cản trở quá trình thực thi pháp luật về bản quyền ở nước ta. Trong đó có hành lang pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ vi phạm; chủ sở hữu quyền tác giả chưa ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân; việc xử lý vi phạm còn dàn trải, thiếu tập trung; chế tài yếu, chưa đủ sức răn đe...
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu rõ cần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền, qua đó thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo.
Đồng thời, xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận