Theo ông Kartapolov, đây cũng là nguyên nhân kích động cuộc nổi loạn vừa qua của tập đoàn đánh thuê Wagner.
"Vài ngày trước khi xảy ra cuộc nổi loạn, Bộ Quốc phòng nói rằng tất cả các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chiến đấu phải ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Mọi người tuân thủ quyết định này... ngoại trừ ông Prigozhin", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kartapolov giải thích.
Ngày 11-6, ông Prigozhin đã tuyên bố tập đoàn đánh thuê Wagner của ông sẽ không ký bất kỳ hợp đồng nào với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, đồng thời chỉ trích ông Shoigu không có khả năng quản lý các đơn vị quân đội.
Sau khi từ chối ký hợp đồng đặt Wagner dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga, ông Prigozhin được thông báo rằng lực lượng của ông sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine nữa và do đó sẽ không nhận được tiền từ Chính phủ Nga.
Ông Kartapolov nói rằng ông trùm Wagner sau đó phạm tội phản quốc vì "tham vọng quá mức", vì tiền và trong "trạng thái quá khích".
Ngày 24-6, ông Prigozhin và lực lượng Wagner tiến về Matxcơva đòi lật đổ giới lãnh đạo quân sự Nga mà ông chỉ trích là quản lý yếu kém trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên cuộc nổi loạn kết thúc trong chưa đầy 24 giờ, sau đó lãnh đạo lực lượng này được cho đã bay sang Belarus.
Ngày 29-6, Đài CNN dẫn dữ liệu từ trang theo dõi máy bay FlightRadar24 cho biết các máy bay của ông Prigozhin tiếp tục di chuyển giữa Nga và Belarus.
Việc ông trùm Wagner và các binh lính của tập đoàn đánh thuê này chuyển sang Belarus khiến nhiều nước châu Âu lo ngại.
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, nói rằng cuộc nổi loạn của Wagner đã khiến chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin suy yếu và mất sự độc quyền về sức mạnh quân sự.
Tuy nhiên, Điện Kremlin ngày 29-6 tiếp tục khẳng định ông Putin vẫn nhận được sự ủng hộ "đáng kinh ngạc" sau cuộc binh biến cuối tuần qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận