23/02/2025 10:45 GMT+7

Vứt rác xuống kênh: Kêu gọi đủ rồi, tăng mức phạt lên thôi

Một trong số những hình ảnh xấu xí nhất của TP.HCM là những con kênh đầy rác rưởi. Tất cả, con kênh nào cũng ngập rác từ kênh 19-5, Hy Vọng, Tham Lương, Tân Hóa - Lò Gốm đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Vứt rác xuống kênh: Kêu gọi đủ rồi, tăng mức phạt lên thôi - Ảnh 1.

Nhiều loại rác dồn về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần cầu số 1) - Ảnh: NGỌC KHẢI chụp trưa 19-2

Nhiều con kênh, rạch nước đã không còn chảy được nữa.

Mỗi năm TP.HCM bỏ ra hơn 30 tỉ đồng chỉ cho chuyện vớt rác trên kênh rạch. Rác ở đâu ra, thưa rằng từ trong nhà người dân, từ trong tay người đi đường.

Rác đô thị sao tránh khỏi như bèo trên sông dạt vào, lá cây rụng xuống nhưng bàn ghế, nệm, giường tủ, túi ni lông, chai nhựa, đầu cá, lá rau thì chẳng phải của ai khác.

Rất nhiều người dân hoàn toàn không có ý thức, cứ có rác trong nhà là tuôn xuống kênh, cứ có đồ cồng kềnh không dùng là thảy xuống kênh lúc nửa đêm về sáng.

TP.HCM đã làm mọi thứ để bảo vệ các dòng kênh: tuyên truyền, nhắc nhở, huy động thanh niên đi dọn rác.

Điều 25 nghị định 45/2022 có ghi rõ "phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển".

Việc bắt tận tay để lập biên bản người xả rác đã khó, việc xử phạt lại càng khó hơn. Chính vì cách thức như thế mà lâu nay hầu như chẳng phạt được ai cả.

Đã đến lúc TP.HCM thay đổi quan niệm, mức phạt và cách thức chế tài để bảo vệ hệ thống kênh rạch.

Mức phạt cao và tổ chức thực hiện kiên quyết không khoan nhượng sẽ làm thay đổi hành vi của người dân. Khi ban hành một chính sách mới động chạm đến túi tiền, lợi ích và danh dự thì người dân sẽ phản ứng nhưng nếu đúng thì rồi mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ.

Điều đó đã được chứng minh qua các ví dụ sinh động như buộc người dân phải đội mũ bảo hiểm, không được uống rượu bia khi điều khiển giao thông (nghị định 100) và gần đây nhất là nghị định 168.

Với nghị quyết 98, TP.HCM hoàn toàn có thể nâng mức phạt làm ô nhiễm môi trường lên ngang bằng với nghị định 168 của giao thông. Tại sao không?

Việc chạy xe lấn làn, leo lề có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy giao thông trong chốc lát, còn việc xả rác xuống kênh rạch đô thị làm ảnh hưởng lâu dài đến TP.

Hành vi đó không chỉ làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cho TP.HCM ngày càng bị ngập nặng do các trục thoát nước bị vô hiệu hóa.

Với 30 tỉ một năm đủ để cho TP.HCM trang bị hệ thống camera dọc khắp các tuyến kênh và các camera này được giao cho các phường, tổ dân phố và mỗi nhà dân quản lý.

Tại Singapore, điều 17 của Luật Quản lý và bảo vệ môi trường quy định: Bất kỳ người nào xả thải vào sông, hồ gây ô nhiễm môi trường sẽ bị kết án và phạt tiền lên đến 50.000 đô la Singapore (khoảng 950 triệu đồng) hoặc phạt tù đến 12 tháng.

Chính vì vậy mà người Việt Nam đến Singapore đều nhận thấy đất nước này rất xanh, sạch, đẹp.

TP.HCM đang cố gắng cải tạo làm mới các con kênh, nhưng nếu không thay đổi hình thức chế tài và phương thức thực hiện thì mãi mãi chúng vẫn là những dòng kênh đen đầy rác rưởi.

Đừng quên đã có thời kỳ thế hệ cha ông chúng ta đã từng ăn uống, tắm giặt từ chính những dòng kênh này.

Thăm dò ý kiến

Thăm dò về việc tăng mức phạt cho hành vi xả rác bừa bãi:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Kêu gọi đủ rồi, tăng mức phạt lên thôi! - Ảnh 1.TP.HCM: Kênh Hy Vọng… tuyệt vọng vì rác

Không chỉ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một số kênh tại TP.HCM như kênh 19-5 (qua quận Tân Phú, Bình Tân), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) cũng có nhiều rác dồn ứ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên