Hàng chục ngàn hecta hồ tiêu chết đứng trong khi giá lao dốc khiến nông dân lao đao - Ảnh: ĐỨC LẬP
Chi phí sản xuất hồ tiêu 45.000 - 49.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 45.000 - 47.000 đồng/kg nên chắc chắn thua lỗ. Nhiều nông dân đã bỏ bê các vườn hồ tiêu nên tình trạng tiêu chết có nguy cơ tăng thêm. Cùng với đó, các khoản nợ do ồ ạt đầu tư từ các năm trước đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thật sự đối với những người làm hồ tiêu.
Ông LÊ VĂN ĐỨC - phó cục trưởng Cục Trồng trọt
Đó là một trong những nguyên nhân khiến ngành hồ tiêu khủng hoảng được các chuyên gia chỉ ra tại Hội nghị "Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do".
Hội nghị do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức sáng 23-8 với mục tiêu vực dậy ngành sản xuất này.
Ông Lê Văn Đức - phó cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT - thông tin suốt từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.
Nếu như năm 2001, cả nước chỉ có hơn 35.000ha hồ tiêu thì đến năm 2017 đã gần 152.000ha (trừ năm 2018 giảm còn 149.000ha), tăng hơn 400% diện tích, chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới.
Ông Lê Văn Đức phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TRUNG TÂN
"Chính nguồn cung vượt cầu khiến giá tiêu liên tục "lao dốc", từ 250.000 đồng/kg năm 2016 đến nay chỉ còn 45.000-46.000 đồng/kg, đẩy nhiều hộ dân trồng hồ tiêu cả nước gặp khó khăn do bị thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu", ông Đức nhận định.
Cũng theo ông Đức, dự báo giá hồ tiêu năm 2019 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm vì sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng.
Đây chính là thách thức cho người trồng hồ tiêu nói chung cũng như ngành hồ tiêu Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do.
Ở thời điểm giá tiêu hơn 200.000 đồng/kg, khắp nơi ở Tây Nguyên bạt rừng trồng tiêu. Trong ảnh là việc mở rộng diện tích hồ tiêu ở Đắk Song - thủ phủ hồ tiêu của Đắk Nông và nay là nơi nhiều sổ đỏ nằm trong ngân hàng nhất tại địa phương - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngoài ra, theo ông Đức, một trong những nguyên nhân khiến ngành hồ tiêu Việt Nam khủng hoảng trong thời gian qua là vì cách canh tác "trọng lượng hơn trọng chất".
Theo đó, mật độ trồng hồ tiêu của Việt Nam khoảng 1.600 đến 2.000 trụ/ha, trong đó các biện pháp chống ngập úng cho hồ tiêu chỉ chiếm 35% tổng diện tích.
Không những vậy, do muốn tăng năng suất nhanh, người nông dân ‘đổ’ rất nhiều phân bón hóa học, thuốc kích thích… và thiếu chú ý đến việc phòng trừ tuyến trùng nên diện tích hồ tiêu ở Việt Nam, đặc biệt khu vực Tây Nguyên chết rất nhiều.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năm 2018 tổng diện tích tiêu cả nước chết khoảng 21.000ha.
Bàn về các giải pháp tháo gỡ, ông Nguyễn Quốc Toản - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - cho rằng một trong những điều kiện tiên quyết là thay đổi tập quán sản xuất hiện nay và kiểm soát giảm diện tích.
Theo ông Toản, hiện nay Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 100 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Những thị trường này cho lợi nhuận ngành hồ tiêu lớn nhưng yêu cầu đảm bảo chất lượng hồ tiêu rất cao.
"Các thị trường này đưa ra các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa dầu và chất tạo khói… trong quá trình sản rất khắt khe. Chúng ta cần thay đổi nhận thức để cạnh tranh với các quốc gia trồng hồ tiêu khác về chất lượng, thay vì cứ chạy theo số lượng như hiện nay", ông Toản khuyến cáo.
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đang giảm
Theo số liệu tại hội nghị, hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu ra 108 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2001 chỉ đạt 90 triệu USD thì đến 2018 đã đạt 758,9 triệu USD (tăng 700%).
Tuy nhiên, sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục năm 2016 với hơn 1,4 tỉ USD, trong vòng 3 năm trở lại đây, giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục, xuống còn dưới 900 triệu USD và còn có thể giảm tiếp do nguồn cung vượt cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận