Phóng to |
Vợ chồng ông Tùng hạnh phúc bên con gái và cháu nội - Ảnh: M.Tâm |
Năm 1984, anh Tùng tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Trong một ngày định mệnh mùa khô năm 1986, lúc đang làm nhiệm vụ, anh chỉ kịp nghe một tiếng nổ long trời rồi ngất lịm. Mở mắt thấy đôi chân đã cụt tới háng. Năm đó anh mới 20 tuổi...
Đôi “chân” ghế gỗ
Chàng trai trẻ sống trong lo sợ, chán nản, khép kín thời gian dài, nhưng rồi nghĩ không lẽ cả đời cứ nương nhờ người thân, tuy mất đôi chân nhưng những phần thân thể khác vẫn còn. Phải tự mưu sinh, nhưng nào giờ Tùng quen sống bằng nghề ruộng vườn, giăng câu. Tuy nhiên, những chỗ đó đường gồ ghề, chênh vênh... không thể di chuyển bằng xe lăn, nghĩ vậy nên anh đóng hai ghế nhỏ, rồi tập “đi” bằng cách đặt hai cùi chân lên hai ghế. Lúc đầu mỗi “bước” đi đều mất thăng bằng khiến đầu đập xuống đất, chảy máu mũi, u trán...
Anh vẫn kiên nhẫn để rồi dần dà gần hai năm anh “đi” được như người bình thường, từ những chỗ bằng phẳng đến những chỗ gồ ghề, mấp mô như bờ ruộng, mé sông để soi ếch, đặt lưới cá, đặt trúm lươn.
Vì con
Trong một lần đi chợ, tình cờ anh gặp cô thôn nữ bán rau tên Nguyễn Thị Đức. Cô gái nói năng nhỏ nhẹ, thùy mị khiến lòng anh xao động. Kể từ ngày đó, anh giành đi chợ để được nhìn và nói dù dăm ba câu với chị. Còn phần chị cũng để ý đến anh. Dọ hỏi, chị rất phục anh thương binh đầy lạc quan, nghị lực, giỏi giang... Tình yêu của họ lớn dần qua những phiên chợ. Một ngày đẹp trời anh ngỏ lời cầu hôn. Cha mẹ chị thấy con gái mình rất cương quyết, vả lại thấy anh cũng chịu thương chịu khó nên chấp nhận anh làm rể.
"Vợ chồng phải chia sẻ cho nhau, huống hồ mình là đàn ông càng phải lo chu toàn cho vợ con" Ông Trần Thanh Tùng |
Được cha mẹ cho 500m2 đất, ban ngày anh chăm sóc vườn rau, ban đêm soi ếch, đặt trúm lươn... để chị đem ra chợ bán. Cuộc sống bấp bênh giữa đôi bờ thiếu đủ nhưng thật đầm ấm. Rồi anh chị bắt đầu lên kế hoạch có con. Anh nhớ: “Muốn vậy phải tăng thu nhập để đảm bảo cho con”. Suy đi tính lại, anh nghĩ nhà ở gần sông, tôm cá có nhiều, sao mình không đi chày cá, câu tôm? Nhưng ngặt nỗi giờ không lội được như hồi xưa. Sông nước mênh mông, lỡ rủi có chuyện gì thì sao? Đó còn chưa kể khi chày, câu mắc gốc phải lặn xuống gỡ, lúc đó phải làm sao? Nghĩ thế nên anh quyết định tập bơi.
Mỗi ngày, vợ chồng anh canh con nước lớn để tập. Do mất thăng bằng nên đầu anh cứ chúi xuống, rồi chìm lỉm, vợ anh ở phía sau nâng người anh lên, dìu chồng từng đoạn, đến khi anh có trớn chị buông tay ra... Cứ vậy ròng rã suốt hai năm trời, anh bắt đầu tự bơi thạo với những sải tay dài và lặn gỡ khi câu mắc gốc. Cũng là lúc vợ mang thai, sinh con, anh gánh hết việc kiếm tiền lo cho cả nhà. Cứ 5g chiều, anh bơi xuồng nương theo con nước câu tôm, rồi đem bán cho các chủ vựa, về đến nhà gần 5g sáng. Thức trắng đêm mưu sinh, nhưng khi về nhà là anh chu đáo giặt giũ quần áo cho vợ con, lo chuyện cơm nước... không cho vợ làm nặng bởi anh sợ về già vợ đau bệnh hậu. Cứ thế anh gánh vác hết mọi việc cho đến khi vợ anh cứng cáp, khỏe mạnh.
Vùng anh ở có nhiều người trồng dừa nên anh quyết định tập trèo để hái dừa mướn. Cũng giống như tập bơi, chị đứng dưới gốc, miễn thấy anh bị tuột xuống là chụp lại và nâng lên. Mỗi lần tuột là vùng bụng ngực bị trầy sướt. Hai cùi chân tứa máu, nhưng anh vẫn bền gan tập bởi nếu mình vượt khó không được thì làm sao dạy các con phấn đấu vươn lên. Nghĩ vậy nên anh kiên trì, một năm sau anh đã thoăn thoắt hái dừa mướn.
Anh làm bất cứ gì miễn là lương thiện để lo cho mái ấm. Thấy chồng vất vả, cực nhọc chị Đức càng thương chồng hơn. Chị trải lòng: “Nhớ lại lúc ảnh giăng câu, tôi ở nhà, ít khi ngủ trọn giấc bởi cứ lo đêm tối sông nước mịt mùng mà ảnh chỉ có một mình, nói dại lỡ có chuyện gì thì sao?”. Vì vậy khi hết thời gian ở cữ, chị tần tảo trồng rau, nuôi gà, rồi xin làm công nhân lột đầu tôm... Cuộc sống dần ổn định khi các con dần khôn lớn.
Trái ngọt những ngày đồng cam cộng khổ
Hiện con gái út của vợ chồng ông học lớp 9, học lực khá giỏi và ngoan hiền. Còn con trai lớn của ông bà đã tốt nghiệp trường nghề đi làm, rồi lập gia đình và có một con. Từ lâu vợ và các con không cho ông giăng câu, hái dừa thuê nữa mà chỉ làm những công việc nhẹ như trồng rau, nuôi gà. Vậy là ở tuổi 47, người thương binh bậc 1/4 này sống những ngày tháng thảnh thơi và hạnh phúc bên gia đình. Bà Đức mỉm cười: “25 năm chung sống, ảnh đã quá vất vả lo cho vợ con, giờ phải để ảnh nghỉ ngơi, dưỡng sức”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận