10/10/2013 06:55 GMT+7

Vượt qua hình ảnh làm thuê, gia công

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Không phải VN hay Nhật Bản mà một nước khác ở ASEAN đang đề nghị tuyên bố chung chỉ nên khẳng định tinh thần sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Vài giờ trước khi lãnh đạo các thành viên tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngồi lại với nhau để ra tuyên bố chung (chiều 8-10 tại Bali, Indonesia), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết không phải Việt Nam hay Nhật Bản - những thành viên được coi là còn nhiều vấn đề đặt ra trên bàn đàm phán - mà một nước khác ở ASEAN đang đề nghị thay vì nêu rõ việc kết thúc đàm phán TPP trong năm 2013, tuyên bố chung chỉ nên khẳng định tinh thần sớm hoàn tất. Nghĩa là chưa nên ghi cụ thể mốc thời gian.

Với tiêu chuẩn cao hơn hẳn WTO, những quyết định trên bàn đàm phán TPP luôn là lựa chọn khó khăn cho các bên tham gia. Nhưng cuối cùng, 12 thành viên tham gia hiệp định được coi là “kiểu mẫu” về hợp tác kinh tế này đã thống nhất với nhau quyết tâm đưa đoàn tàu TPP “đi đúng tiến độ” như lộ trình ban đầu là kết thúc đàm phán trong năm nay.

Tiếp sau Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) rồi gia nhập WTO..., từ nay đến ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên trong sân chơi mới (TPP) về hội nhập không còn bao xa. Nhìn lại cả quá trình, khi được hỏi điều gì đáng nói nhất, ông Nguyễn Đình Lương - nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA - cho rằng: “Từng bước hội nhập đã đem lại nhiều bứt phá cho kinh tế nước nhà, nhưng ở tầm chiến lược quốc gia, ta phải tính những bài toán lớn hơn, khó hơn để vượt lên hình ảnh gia công làm thuê”.

Quả thực, hơn mười năm trước, một trong những vấn đề được báo chí đề cập nhiều nhất liên quan đến BTA là xuất khẩu dệt may, da giày cho dù nội dung của BTA toàn diện hơn nhiều. Và giờ đây, nguyên tắc “xuất xứ từ sợi” liên quan đến dệt may, da giày vẫn được coi là vấn đề nổi lên trong tham gia TPP. Cho dù, theo các chuyên gia về hội nhập, vấn đề cốt lõi nằm ở đòi hỏi cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước... ở việc thiết lập môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, lành mạnh.

Nhắc đến câu chuyện dệt may, da giày, nhiều người còn nhớ tại một lễ phát động cuộc thi tìm hiểu biển đảo Việt Nam, ông Đào Duy Quát - nguyên phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, lúc bấy giờ là trưởng ban tổ chức cuộc thi này - đã kể rằng trong lúc nước nhà đang đẩy mạnh “chiến lược biển” thì một địa phương ven biển khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vào đầu năm đã lấy ngành dệt may như một “mũi nhọn”.

Không thể thoát ly thực tế và không thể phủ nhận ngành dệt may, da giày đang đóng góp quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của nước ta, với công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Nhưng sự trăn trở làm sao để Việt Nam tham gia được vào những chuỗi giá trị toàn cầu cao hơn, làm sao để “con em chúng ta không chỉ ngồi đạp máy khâu” chắc rằng không của riêng ai.

Hơn mười năm qua, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã lần lượt đặt “căn cứ” ở TP.HCM, Bắc Ninh rồi Thái Nguyên như Intel, Samsung... nhưng liệu Việt Nam có đủ sức hình thành một cơ sở phụ trợ, một vệ tinh dù nhỏ để ít nhiều tham gia chuỗi sản xuất đó? Hay ta vẫn chỉ dừng lại ở cung cấp mặt bằng và lao động giá rẻ? Câu trả lời phụ thuộc vào nỗ lực của từng doanh nghiệp, nhưng để được chia phần lớn hơn từ chiếc bánh hội nhập, vai trò quan trọng nhất nằm ở những người hoạch định và triển khai chiến lược ở tầm quốc gia.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên