Nguyễn Huy Hoàng tham gia tiếp sức tân sinh viên năm 2017 - Ảnh: NVCC
Học hết lớp 9, tôi bắt đầu trở nên hư đốn hơn, bỏ nhà đi bụi, tụ tập cùng những thành phần bất hảo. Lũ chúng tôi làm nhiều việc phạm pháp để có tiền tiêu xài: từ trộm chó, bắt gà đến xin đểu các cặp tình nhân nơi vắng vẻ, cắt trộm dây điện chiếu sáng công cộng...
Trượt dài...
Bao nhiêu tiền có được chúng tôi đốt hết vào những làn khói trắng huyền ảo của bồ đà, cứ thế ngày qua ngày tôi dấn sâu vào con đường tội lỗi không lối thoát. Nghĩ lại, tôi càng thấy sợ và thương cha mẹ nhiều hơn.
Có những đêm bất chấp mưa gió, mẹ lội bộ gần chục cây số để tìm khuyên tôi về nhà, tu chí học hành. Cha tôi nặng nhẹ đủ đường cũng chẳng thể nào khuyên nhủ được tôi, có lúc nóng giận ông đã đánh tôi đến gãy tay.
Biết bao giọt nước mắt của người mẹ, bao ngọn đòn roi của người cha vẫn không khuyên bảo được tôi về nhà. Làn khói trắng huyền ảo của thứ thuốc bồ đà, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng có sức hút ghê gớm đối với tôi.
Mẹ tôi là người giàu tình cảm, bà rất thương tôi nhưng khuyên tôi hoài không được, bà đã nói trong nước mắt: "Ở nhà không dạy được mày, rồi có ngày đi tù cho người ta dạy mày".
Quả thật là vậy, tôi bị bắt ba lần vì tội trộm cắp và xin đểu, nhưng vì tính chất vụ việc chưa đủ để truy tố hình sự nên được gia đình bảo lãnh về. Ngày ấy, tôi chẳng có một chút ăn năn hối hận gì, cứ ngông nghênh coi trời bằng vung. Tôi chẳng để ý đến những giọt nước mắt của mẹ mình.
Gia cảnh nhà tôi cũng chẳng khá giả gì, ăn uống cha mẹ chẳng dám mua miếng thịt miếng cá, chỉ hái vài cọng rau trong vườn lay lắt qua bữa, mấy đứa em tới ngày khai giảng chẳng thể mua nổi chiếc áo mới.
Vậy mà đàn heo mới lớn dự định bán lấy tiền cho mấy đứa em nhập học cha mẹ phải bấm bụng bán đền bù cho những thứ mà tôi đã trộm cắp...
Chuyện gì đến cũng phải đến
Cuối năm 2007 chúng tôi bị bắt vì gây ra hơn 10 vụ cướp nghiêm trọng trên địa bàn huyện Phước Long (tỉnh Bình Phước). Tôi bị truy tố với tội danh "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Biết trước sẽ có ngày tôi đi tù nhưng nghe tin dữ, mẹ tôi đã không thể nào đứng vững, với căn bệnh cao huyết áp mãn tính bà phải nhập viện cấp cứu.
Bao nhiêu gánh nặng trong gia đình đè lên đôi vai gầy gò của cha tôi nay lại càng thêm trĩu nặng. Ông gồng mình chạy ngược chạy xuôi, vay mượn tiền bạc khắp nơi, vừa phải lo cho mẹ vừa phải lo cho tôi.
Sức nặng, lời đàm tiếu của dư luận ập đến với gia đình tôi, cha mẹ chẳng thể nào ngẩng đầu khi bước ra đường. Hàng xóm dị nghị, thiên hạ bàn tán rằng cha mẹ không biết dạy con...
Càng nghĩ tôi càng giận mình và càng thương cha mẹ hơn. Tôi đúng là đứa con bất hiếu. Bất hiếu quá!
Ngày ra tòa, bà con, hàng xóm kéo tới xem phiên xử rất đông. Mấy đứa chúng tôi khi ấy như những con cừu non thu mình lại, người ta nhìn ngắm, săm soi, bàn tán đủ điều. Mẹ tôi không thể tham dự phiên tòa, ba tôi đến, ông còn mua cho tôi chai nước và ổ bánh mì. Ông chỉ nói “ráng đi con”.
Khoảnh khắc tòa tuyên án, tôi chẳng thể nào đứng nổi, hai chân run lập cập, sống mũi cay cay. Tôi sợ, sợ phải vào trại giam, sợ cảnh tù tội sẽ theo tôi suốt đời chẳng thể nào gượng dậy được.
Tôi thương, thương cho những lời bàn tán xì xào của thiên hạ đổ lên gia đình mình, thương những khổ nhọc ba mẹ đang gánh phải chỉ vì đứa con bất hiếu này.
Tôi lo, lo rằng ngày mai mình sẽ như thế nào đây, sẽ ăn cơm tù mỗi ngày sao? Tai tôi lùng bùng chẳng thể nào nghe rõ lời vị chủ tọa phiên tòa đang tuyên án.
Trong đám chúng tôi, đứa lãnh án cao nhất là 13 năm tù, tôi lãnh bản án 36 tháng tù nhưng với những tình tiết giảm nhẹ, tôi được hưởng án treo.
Nguyễn Huy Hoàng (thứ 2 từ phải qua) nhận giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Xuân tình nguyện 2017 - Ảnh: NVCC
Tự đứng dậy, đừng đợi ai nâng đỡ
Sau khi hết án, tôi lại một lần nữa rời bỏ gia đình từ Bình Phước đi Sài Gòn. Nhưng lần này tôi nói với cha đầy quả quyết rằng: "Con đi kiếm việc làm".
Trong hơn chục năm ở Sài Gòn, mảnh đất phồn hoa nhưng cũng nhiều cạm bẫy, hành trang của tôi là khoảnh khắc tim đập chân run khi tòa tuyên án, những giọt nước mắt của người mẹ và ánh mắt đầy trăn trở của người cha. Tôi dặn lòng mình không được phép sai thêm một lần nữa.
Tôi làm đủ mọi công việc để mưu sinh từ phụ hồ, bốc xếp tới làm phục vụ, giữ xe... và học bổ túc ban đêm tại một quận ngoại thành.
Sau nhiều nỗ lực vừa học vừa làm, lòng dặn lòng "đã một lần vấp ngã, phải tự đứng dậy thôi". Học xong bổ túc, tôi thi vào đại học. Giờ tôi đã là sinh viên năm cuối của một trường đại học tại Sài Gòn.
Đôi khi tôi vẫn thấy sợ khoảnh khắc vị chủ tọa phiên tòa tuyên án. Tội lỗi và hối hận ập đến. Thế nhưng, cũng chính khoảnh khắc ấy mà tôi đã thay đổi mình rất nhiều.
Từ một đứa hư hỏng, trộm cắp, vướng án tù tôi đã quyết tâm rũ bỏ lớp bùn sình hôi hám đó để đứng dậy. Bây giờ bà con hàng xóm ở cạnh nhà thường lấy gương tôi để răn dạy mấy đứa nhỏ mới lớn.
Cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi có một người cha, người mẹ tuyệt vời đã không bỏ rơi tôi trong khoảnh khắc mà tôi sợ hãi nhất.
Giờ này tôi chỉ có thể nói: "Con xin lỗi cha mẹ"...
Từ ngày 31-7 đến 3-8, cuộc thi "" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Thị Thu (TP.HCM); Nguyễn Xuân Quý (Bình Dương); Phạm Văn Ninh (Quảng Ninh); Ngô Trọng Cư (Phú Yên); Tôn Thất Lang (Cần Thơ); Trần Công Hương (Vĩnh Long); Vân Thanh (Trà Vinh).
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ngoài bì thư ghi "Bài dự thi " hoặc email [email protected]. Trân trọng.
Đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận