22/10/2022 07:00 GMT+7

Vượt núi tìm con chữ, học để thay đổi số phận

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Cùng mồ côi cha, chung cảnh gia đình nghèo xác xơ lại đông chị em ăn học, nhưng hai tân sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng Zơ Râm Nhê (quê Quảng Nam) và Mai Nguyễn Hồng Nhung (Đà Nẵng) vẫn mạnh mẽ bước đến giảng đường.

Vượt núi tìm con chữ, học để thay đổi số phận - Ảnh 1.

Râm Nhê (trái) và Hồng Nhung tự tin bước vào đại học dù phía trước lắm khó khăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Gia cảnh khó khăn, chính các em hiểu hơn ai hết chỉ có học mới mong thay đổi được số phận.

Băng rừng, vượt núi đi tìm con chữ

Từ thôn Đác Ngol, xã Laêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Zơ Râm Nhê lận vào ba lô số tiền 5 triệu đồng rồi bắt xe về Đà Nẵng nhập học.

Với thân hình gầy còm, nước da đen nhẻm và nụ cười luôn thường trực trên môi, em kể đó là số tiền thưởng nhờ đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Em đã chẳng dám tiêu phạm đến nó, cất thật kỹ để dành lo chi phí sinh hoạt và đóng tiền học ban đầu.

Tôi ước mơ trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh, rồi được trở về chính quê mình để dạy học. Ở quê tôi, bọn trẻ rất thiếu thốn nhưng ham học. Tôi muốn trở về để dạy dỗ và tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho các em.

ZƠ RÂM NHẾ

Đêm trước ngày Râm Nhê nhập trường, mẹ em vẫn nằm bệnh thều thào dặn con ra thành phố cố gắng học hành. Người mẹ tuổi đã ngoài 50, bệnh tật, lại phải lo cho hai đứa em của Râm Nhê đang còn nhỏ. Thương mẹ đau yếu, Râm Nhê quyết tâm vượt núi đi tìm con chữ để thực hiện ước mơ của mình.

Năm Râm Nhê lên lớp 7, ba em đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Mẹ em - bà A Lăng Vưới chẳng thể nói được tiếng Kinh, phần lại thêm bệnh tật đeo bám nên chỉ biết lên nương xuống rẫy kiếm củ sắn, ngọn măng lo bữa ăn cho các con.

Nhà Râm Nhê có đến 7 đứa con, 3 người chị đầu sớm lấy chồng, gia cảnh khốn khó. Ba mất đi, gia đình em chẳng còn ai là lao động chính. Cả nhà chỉ trông chờ vào miếng ruộng bậc thang mẹ em canh tác mỗi năm vỏn vẹn một vụ mùa.

Chị gái kế Râm Nhê cũng đang là sinh viên đại học. Nhiều lần em toan bỏ dở con đường đeo đuổi cái chữ, để phụ mẹ nuôi hai em nhỏ. Nhưng mẹ em lại ngăn: "Nhà mình đã nghèo rồi, con mà bỏ học sớm nữa đời con sẽ cực như mẹ. Suốt đời không thoát ra khỏi được cái nghèo".

Nghe mẹ động viên, Râm Nhê lại quyết tâm học để thoát khỏi cái nghèo, cái khó vây giữa bốn bề rừng núi. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều năm liền em là học sinh giỏi của trường nội trú. Râm Nhê quyết tâm nộp nguyện vọng vào ngành sư phạm tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng với số điểm 6 môn thi 50,9 để theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo.

"Tôi ước mơ trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh, rồi được trở về chính quê mình để dạy học cho các em miền núi. Ở quê tôi, bọn trẻ rất thiếu thốn nhưng ham học. Ý chí đến trường nhiều khi bị rào cản bởi từng quả núi, ngọn đồi, thiếu ăn, thiếu mặc. Tôi muốn chính mình được trở về để dạy dỗ và tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho các em" - Râm Nhê nói.

Vượt núi tìm con chữ, học để thay đổi số phận - Ảnh 3.

Zơ Râm Nhê tự tin bước vào giảng đường đại học - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Một mình chăm bốn đứa em thay mẹ

Khác với Râm Nhê luôn nở nụ cười, em Mai Nguyễn Hồng Nhung (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại trầm tính và rụt rè hơn. Nhìn Nhung ít ai tin cô gái tưởng yếu ớt ấy lại rắn rỏi thế nào từ khi ba mất, đã thay mẹ chăm lo cho 4 đứa em thơ dại.

Ba Nhung mất cũng vào năm em học lớp 7, cả sáu mẹ con đùm bế nhau nương nhờ bà ngoại, nhưng vì nhà bà có cậu mợ của Nhung cũng sống chung, điều kiện khó khăn nên không thể cưu mang thêm mấy mẹ con.

Thấy hoàn cảnh đáng thương, TP Đà Nẵng đã cấp cho mấy mẹ con một căn chung cư nhỏ ở khu làng cá Nại Hiên Đông. Có nơi để mấy mẹ con tránh mưa tránh nắng, mẹ Nhung đành chấp nhận để các con ở nhà chăm nhau, còn mình đi làm kiếm tiền trang trải. Vì hoàn cảnh, mẹ em phải đi phụ bán hàng tạp hóa từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hơn 6 năm qua, Nhung phải vừa đi học vừa thay mẹ chăm bốn đứa em.

Hằng ngày, Nhung thức dậy từ sớm, đi chợ, nấu cơm, đưa các em đi học rồi mới đến trường. Ngày hè, khi các bạn cùng trang lứa đi học thêm, Nhung phải ở nhà lo cho các em và tự học.

Nhung nhớ lại: "Hồi các em còn quá nhỏ thì hay quấy khóc, cực hơn lúc này rất nhiều. Có khi thấy em khóc hoài không nín, tôi cũng khóc theo vì chẳng biết kêu ai. Mỗi lần thấy các bạn có đầy đủ ba mẹ, các em ngây ngô hỏi ba mình đâu, sao mình không có ba. Là chị hai trong nhà, tôi chỉ biết ngẩng đầu lên trời để nước mắt không trào ra trước mặt các em".

Nhà Nhung là một trong số những hộ nghèo nhất nhì khu chung cư dành cho người thu nhập thấp. Dù điều kiện học tập không đủ đầy như các bạn, nhưng lực học của Nhung lại khiến bạn bè nể phục. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi. Năm lớp 12, em đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn địa lý, nằm trong diện được tuyển thẳng vào đại học.

Vượt núi tìm con chữ, học để thay đổi số phận - Ảnh 4.

Hồng Nhung với ước mơ học để sau này có công việc ổn định, phụ mẹ lo cho bốn đứa em - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Số tiền nhập học đầu năm của Nhung, bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của em, phải chạy vạy nhờ bà con cho mượn. Bà Huệ nói: "Nhung là niềm hy vọng của tôi. Dù tôi có khó khăn thế nào, cũng mong muốn, động viên con học đại học để sau này bớt khổ".

Hiểu nỗi lo của mẹ, Nhung cũng có những tính toán của riêng mình. Kỳ học đầu vì chưa thể chủ động đăng ký chương trình học nên em không thể đi làm thêm được. Sang học kỳ II Nhung dự tính bắt đầu xin việc làm thêm, có thể làm gia sư hoặc phụ việc nhà hàng tiệc cưới… Làm sao sắp xếp thời gian vừa học, làm thêm và phải đưa đón, cơm nước cho các em.

"Dù sao tôi cũng cố gắng học. Bởi giờ bỏ giữa chừng cũng chỉ đi làm thuê, làm công nhân. Tôi muốn học để có việc làm tốt, thu nhập ổn sau này phụ mẹ lo cho các em" - Nhung chia sẻ.

Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường

Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.

Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...

Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.

Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin .

Vượt núi tìm con chữ, học để thay đổi số phận - Ảnh 6.
Bốc vác thuê nuôi ước mơ dạy học Bốc vác thuê nuôi ước mơ dạy học

TTO - Một chàng trai người Giẻ Triêng sớm mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, sống dựa vào đám ruộng khô mòn ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa đậu đại học với điểm số cao khiến nhiều thầy cô và bè bạn bất ngờ.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên