26/07/2015 10:33 GMT+7

Vượt lũ cứu người bên kia biên giới

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Cán bộ chiến sĩ biên phòng Việt Nam ở đây đã bất chấp hiểm nguy lao qua dòng nước mùa lũ dữ dội để cứu bạn bên kia biên giới.

Bộ đội biên phòng Gia Lai cứu người dân Campuchia  thoát đợt lũ năm 2013 - Ảnh: Xuân Hoàng
Bộ đội biên phòng Gia Lai cứu người dân Campuchia thoát đợt lũ năm 2013 - Ảnh: Xuân Hoàng

Dòng Sê San xuất phát từ đỉnh Ngọc Linh (Kon Tum) rồi ngược qua cao nguyên Trung phần chảy về hạ nguồn ở Campuchia. ​Nhiều năm nay dòng sông này là nỗi ám ảnh đối với người dân và cán bộ chiến sĩ hai bên bờ biên giới Việt - Cam.

Và cán bộ chiến sĩ biên phòng Việt Nam ở đây đã bất chấp hiểm nguy lao qua dòng nước mùa lũ dữ dội để cứu bạn bên kia biên giới.

“Bộ đội Việt Nam là ân nhân”

Những ngày trong đợt lũ lịch sử tại Kon Tum năm 2009, khi người dân ở thành phố Kon Tum đang tan hoang thì ít ai biết dưới hạ nguồn Sê San những người lính biên phòng Gia Lai cũng phải căng mình trong nước lũ. Chỉ trong vòng chưa đầy hai giờ, các trạm chốt của đồn biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh đóng tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) bị nước lũ nhấn chìm.

Nhớ lại thời khắc kinh hoàng ấy, thượng tá Phan Đình Thành - trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) - nói: “Lúc đó là 3g sáng, anh em đang đứng gác thì nước lũ rào rào tràn về không ai kịp trở tay”.

Nhưng, những gì mà lính biên phòng lẫn người dân Campuchia bên kia bờ sông Sê San phải trải qua còn khủng khiếp hơn. Đại tá Thành cho biết: trong làn mưa đặc quánh, cán bộ chiến sĩ phát hiện phía bên kia biên giới hướng tiền đồn 509, tiểu đoàn 623 của Cảnh sát biên phòng Campuchia bất ngờ xuất hiện những vệt đèn pin rọi thẳng qua đất Việt Nam như kêu cứu.

Ánh đèn gấp gáp rồi yếu dần. Chỉ huy trưởng đồn Lệ Thanh chạy ra bờ sông nhìn dòng nước rồi hét mệnh lệnh khẩn cấp: “Các đồng chí sẵn sàng ca nô, áo phao vượt sông. Chúng ta phải qua đất bạn cứu dân”.

Hơn 3g sáng, giữa gió rít và mưa xối xả cuốn theo từng lớp cây cối ở thượng nguồn tràn về, chiếc ca nô cao tốc của bộ đội biên phòng Việt Nam trồi lên sụt xuống giữa dòng nước lũ.

Nhiều lúc ca nô va vào thân cây lớn rồi chúi đầu xuống, nhưng khoảng một giờ sau đã tiếp cận với tiền đồn đóng giữ bên kia biên giới.

Thời điểm ấy, toàn bộ hệ thống canh gác của đồn 509 Cảnh sát biên phòng Campuchia đã tê liệt, nước cuốn phăng các bốt gác và ngập sâu trong nước.

Xuồng cao tốc lao tới hướng các ánh đèn pin đang rọi trong tuyệt vọng thì phát hiện có hàng chục cán bộ chiến sĩ sảnh sát biên phòng của Campuchia đang bấu víu trên ngọn các thân cây lớn.

Khi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biên phòng Campuchia được đưa qua đồn Lệ Thanh an toàn thì những chuyến cứu dân được lệnh tiếp tục. Chỉ huy đồn Lệ Thanh trực tiếp theo ca nô đi về các làng nằm hạ nguồn bên kia biên giới của xã Sê San (huyện Ou Ya Dav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia).

Trời bắt đầu rạng sáng, những người dân ở các làng của xã Sê San như lả người sau cả đêm dầm mình bám trụ trong nước lũ. Nhiều người đã bật khóc khi thấy bộ đội Việt Nam xuất hiện.

Thượng tá Phan Đình Thành cho biết chuyến cứu người đó ông đã trực tiếp cõng năm cảnh sát biên phòng Campuchia thoát ra khỏi dòng nước lũ. Nhiều người dân ở làng Phí (xã Sê San) đã được cứu sống nhờ bộ đội Việt Nam.

Ngay chiều hôm đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai, chính quyền địa phương đã tăng cường lực lượng, trực thăng cứu hộ được huy động vừa cứu người vừa thả hàng cứu trợ cho người dân Campuchia bị kẹt trong lũ.

Sau đợt cứu người lịch sử năm ấy, những người dân, cán bộ chiến sĩ Campuchia được cứu sống đã coi bộ đội biên phòng Việt Nam như ân nhân. Liên tiếp các năm 2010, 2013 bộ đội Việt Nam cũng đã có mặt kịp thời ứng cứu giúp người dân nước bạn vượt qua hoạn nạn.

Thượng tá Phan Đình Thành nói: “Mình làm nhiệm vụ ở biên giới nhưng đồng thời cũng là con người với nhau thấy bạn hoạn nạn, trong khi mình có điều kiện hơn thì ứng cứu là điều đương nhiên. Tất cả cán bộ, chiến sĩ chúng tôi làm nhiệm vụ ở biên giới ai cũng phải nắm một nguyên tắc làm việc trong lòng: làm việc theo nguyên tắc, ứng xử bằng tất cả tấm lòng”.

Bộ đội biên phòng đồn Sêrêpốk đưa xe máy của đoàn công tác báo Tuổi Trẻ qua sông Serepôk - Ảnh: N.C.T.
Bộ đội biên phòng đồn Sêrêpốk đưa xe máy của đoàn công tác báo Tuổi Trẻ qua sông Serepôk - Ảnh: N.C.T.

Tình bạn không ranh giới

Làm nhiệm vụ được coi là vô cùng nhạy cảm nơi biên giới, từ mối quan hệ hỗ trợ công việc hằng ngày đã nảy nở những tình bạn đẹp giữa người lính biên phòng Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ nước bạn.

Tình bạn của thượng tá Phan Đình Thành - đồn trưởng đồn Lệ Thanh - với một đại tá cảnh sát Campuchia là một ví dụ sống động.

Thượng tá Thành cho biết năm 1985 khi còn đeo hàm trung úy công an làm việc ở cửa khẩu Lệ Thanh, ông đã tình cờ gặp được người bạn tâm giao Campuchia hiện tại của ông. Lúc ấy vị lãnh đạo này đang là trợ lý biên giới cho Sở Công an Ratanakiri, hỗ trợ chỉ huy theo dõi mọi công tác liên quan đến an ninh chủ quyền.

Lần đầu theo chỉ huy qua Việt Nam làm việc, hai người lính gặp gỡ nhau và trò chuyện như đã thân quen từ trước. Người bạn Campuchia nói tiếng Việt rất sõi khiến trung úy Thành ngỡ ngàng. Từ thời điểm đó trở đi, hai người thường xuyên làm việc với nhau và thân quen dần.

Ông Thành cho biết khi đã trở thành bạn bè từ những công việc hằng ngày cả ông và bạn mình còn hỗ trợ nhau, thăm hỏi nhau như anh em khi có việc gia đình.

Những năm ấy, vị đại tá hay tâm sự rằng vợ con thỉnh thoảng lại ốm đau, mình phải công tác xa nhà trong khi điều kiện chữa trị thuốc men ở Campuchia rất hạn chế. Thương bạn, ông Thành nhận lời đón vợ con bạn làm thủ tục đưa qua Việt Nam rồi gửi trong nhà mình nhờ vợ con mình đưa đón, chăm nom ở bệnh viện.

Từ những hành động quan tâm, chia sẻ và bình đẳng với nhau ấy vị đại tá càng coi chỉ huy đồn Lệ Thanh như ân nhân.

Thượng tá Thành nói về người bạn mình bằng lòng kính trọng: “Ông ấy rất ít hỏi về công việc riêng tư của mình. Còn mình thì nói với ông ấy rằng chúng ta là bạn tốt của nhau trong đời sống, còn nhiệm vụ của ai thì người ấy làm. Mình quý ở cốt cách con người đó. Làm lãnh đạo cấp cao nhưng mỗi lúc mình đau ốm, hay có việc gia đình ông đều qua thăm nom. Ngược lại mỗi lần mình qua dự đám cưới hay dịp trọng đại của gia đình ông đều hái rau, bắt mớ cá ngon bắt mình cầm về”.

Thượng tá Thành kể: mới đây khi ông sang Campuchia tìm đến nhà bạn chơi, bạn cầm ly rượu, gọi vợ con đến đông đủ rồi bất ngờ đề nghị: “Từ nay qua Campuchia thì không gọi là Thành mà gọi bằng tên của mình, còn ngược lại mình qua Việt Nam thăm Thành thì mình cũng sẽ lấy tên Việt Nam là Thành. Chúng ta như anh em một nhà”.

Nhà đoàn kết xuyên biên giới

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai, nhiều năm qua đơn vị đã huy động cán bộ chiến sĩ góp sức người, ngày công để hỗ trợ người dân gặp khó khăn tại các xã của nước bạn Campuchia xây các ngôi nhà đoàn kết - hữu nghị xuyên biên giới.

“Ở bên nước bạn nhìn chung người dân vẫn còn khó khăn hơn mình nhiều, nhiều vùng người dân quen ngủ võng chứ chuyện nhà cửa là điều rất xa xỉ. Từ sự khó khăn ấy, anh em cán bộ, chiến sĩ chúng mình đã chặt gỗ, tập kết ximăng, mang theo cuốc xẻng sáng qua biên giới vào làng bạn để xây nhà, tối lại trở về đơn vị.

Mỗi căn nhà phải xây hàng tháng trời giữa mùa mưa nhưng xong nhà, thấy người dân vào ở tự nhiên thấy ấm áp như chính đó là người nhà của mình” - một chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai chia sẻ.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên