Bà Trần Huỳnh Xuân với niềm đam mê học đàn - Video: XUÂN VINH - TẤN CƯỜNG
80 tuổi, bà Trần Huỳnh Xuân một thân một mình trong căn nhà trọ ở xóm Tân Đông, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Người đàn bà với số phận buồn
Nếu cuộc đời là một bản nhạc thì bản nhạc của bà toàn những nốt buồn. Bà kể gia đình khá giả nhưng bà mồ côi mẹ từ rất sớm, cha bà đi thêm bước nữa.
Từ đó, cuộc sống của bà không vui vẻ gì vì ở cùng với gia đình cha nhưng bà bị mẹ kế hà khắc, hắt hủi.
Thời trẻ bà học trường Tây (Trường Marie Curie), rồi sau đó là Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Đến lúc lấy chồng - cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt, chẳng may gặp phải người chồng vũ phu.
Có với nhau 4 mặt con nhưng cuối cùng bà phải ôm con ra đi vì không chịu nổi sự hành hạ, ngược đãi của chồng. Một mình bà nuôi nấng các con học hành đến nơi đến chốn và đều có gia đình riêng.
Thế nhưng số phận đen đủi, bất hạnh cứ theo đuổi bà. Năm 1997, bà làm ăn thất bại, phá sản, rồi người con trai thứ hai chán chường tự tử.
Không thể sống chung với gia đình ba người con còn lại, bà xách gói bỏ nhà ra đi. Từ đó bà cứ một mình hết ở trọ chỗ này đến chỗ khác. Có lúc khó khăn quá bà phải xin vào chùa tá túc.
Những năm sau này, việc thuê nhà trọ của bà hết sức khó khăn vì chủ nhà trọ thấy bà đã già lại không có người thân bảo lãnh nên chỉ ở được một thời gian là họ không cho bà thuê nhà nữa.
Hiện nay hàng ngày, bà đi dạy kèm Anh văn cho các em nhỏ quanh khu vực để kiếm sống.
Bà Xuân dạy kèm Anh văn cho một cháu bé - Ảnh: X.VINH
Niềm vui trong âm nhạc
Bà nhớ, hồi ấy nhà bà ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, tối nào bà cũng đến xem ban nhạc Thăng Long của gia đình ca sĩ Thái Thanh, Thái Hằng, Phạm Duy… tập dợt với tất cả sự thích thú, say mê.
Một ngày trên đường đi dạy, bà tình cờ gặp một nhà treo bảng dạy đàn Piano, Organ. Niềm đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ trong bà sống lại.
Phân vân nghĩ ngợi, đắn đo mãi, cuối cùng bà mạnh dạn vào hỏi xin cô giáo cho học đàn.
Cô giáo là sinh viên năm 2 khoa piano Nhạc viện TP. Ngoài giờ học ở trường, một tuần cô cũng có một ít giờ dạy ở các trung tâm âm nhạc và dạy kèm thêm ở nhà, chủ yếu để kiếm tiền đóng học phí phụ đỡ cha mẹ và tiêu xài vặt.
Lúc đầu cô gái tưởng bà hỏi cho con cháu học, đến khi biết người muốn học là bà, cô không khỏi bất ngờ.
Bà nói đó là ước mơ thời tuổi trẻ của bà, nhưng mà mãi không làm được. Bây giờ già rồi, bà muốn học đàn để có thể tự mình đàn và hát những bài thánh ca.
Bà Trần Huỳnh Xuân học nhạc tại nhà cô giáo Phạm Ca Dao - Ảnh: X.VINH
Sợ cô gái từ chối, bà năn nỉ cô cố giúp bà thực hiện được ước nguyện ấy, và bà sẽ trả học phí đầy đủ như những người khác. Thấy bà mê âm nhạc quá, cô gái đồng ý giúp mà không lấy học phí.
Thế rồi những lúc rảnh, bà cụ lóc cóc đạp xe đến nhà cô gái học đàn. Khổ nỗi, do tuổi cao, tai bị lãng, tay chân lóng ngóng, nên bà học hết sức khó khăn.
Biết vậy, nên trong lúc học bà cứ năn nỉ cô gái: "Bà học chậm, cô đừng có nản mà bỏ bà nhe!". Ngày Nhà giáo Việt Nam, bà cụ lụm cụm mang tặng cô gái một bông hoa nói là để cảm ơn cô giáo.
Bà học chậm, cô đừng có nản mà bỏ bà nhe!
Bà Trần Huỳnh Xuân
Do không có đàn tập ở nhà, nên học được khoảng 1 năm, bà xin cô nghỉ một thời gian để kiếm tiền đến khi nào mua được đàn sẽ học tiếp. Hôm rồi bà điện thoại nói đã để dành được vài triệu và nhờ cô kiếm mua dùm cây đàn.
Thương bà đã lớn tuổi, lại một mình bươn chải kiếm sống hết sức khó khăn, số tiền ấy có thể giúp bà đỡ phần nào trong cuộc sống, trang trải thuốc men lúc ốm đau, bệnh hoạn, cô gái liên hệ những chỗ quen biết để xin cho bà một cây đàn cũ.
Biết chuyện, nhạc sĩ Lê Quang Hiển (Trường Nhạc họa Lê Vũ) đồng ý tặng cho bà cụ cây đàn Organ. Hôm cô gái đem đàn đến nhà trọ tặng bà, bà ôm lấy cô cám ơn mà nước mắt chảy dài.
Hình ảnh bà già 80 tuổi, lưng còng, tóc bạc mỗi tuần cọc cạch đạp xe đi học đàn được nhiều người thông cảm, động viên, khích lệ nhưng cũng không ít người e dè, ngại ngùng: "Từng tuổi này rồi còn đi học đàn làm chi không biết?!".
Mặc ai nghĩ gì, với bà, âm nhạc giúp bà khuây khỏa, quên đi sự nghiệt ngã, bất hạnh của số phận, giúp bà có thêm nghị lực sống để đi tiếp phần đời ngắn ngủi còn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận