29/03/2016 13:44 GMT+7

Vượt lên cả bản thân mình

HẢI HƯƠNG
HẢI HƯƠNG

TTO - “Vào Đoàn, tôi được rèn luyện, vượt lên cả bản thân mình”.

Bà Phạm Phương Thảo tại một tọa đàm với thanh niên - Ảnh: Minh Đức
Bà Phạm Phương Thảo tại một tọa đàm với thanh niên - Ảnh: Minh Đức

 

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân TP, nguyên bí thư Trung ương Đoàn, nguyên bí thư Thành đoàn TP.HCM - bồi hồi trải lòng.

Thành nếp rồi, bây giờ mình vẫn gắn với nhịp sống trẻ. Về hưu vậy chứ cũng khá bận rộn, tranh thủ đọc và học ngoại ngữ, công nghệ thông tin tốt hơn để nắm bắt vấn đề nhanh, hiểu nhu cầu thanh niên hơn để có dịp đóng góp với Đoàn

Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO

Ba má tham gia kháng chiến, sống với bà dì ở thị xã Bạc Liêu từ bé, vừa hết tiểu học cô bé Thảo đã thoát ly vào vùng giải phóng tiếp tục bậc trung học ở Trường Lý Tự Trọng.

Trường học kháng chiến của Khu Tây Nam bộ gửi từng nhóm học sinh vào nhà dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thảo ở trong nhóm nhỏ tuổi nhất trường, vóc dáng cũng thua các bạn nhưng lại say mê học tập và tham gia sinh hoạt thiếu nhi.

Giải toán nhanh nhất lớp, Thảo được các bạn bầu làm “cán sự đại số”, kiêm việc hỗ trợ thầy cô giúp các bạn yếu môn toán. Nhược điểm của Thảo là rất nhút nhát.

Đến hôm nay bà Phạm Phương Thảo vẫn còn nhớ lần đầu trong tiết học văn, được cô giáo gọi phát biểu suy nghĩ về bài vừa học, Thảo ấp úng và run đến nỗi cứ lúng búng, diễn đạt không thành lời. Cả lớp cười ầm khiến cô học sinh nhỏ đỏ mặt và bật khóc vì... tức.

Sốt ruột, mong ngóng, tìm hiểu về Đoàn

Nhớ lại quãng thời gian sống dưới mái Trường trung học Lý Tự Trọng, bà Phạm Phương Thảo cười tươi: “Lúc đầu không biết lội sông, mò cua bắt ốc gì hết, cũng chẳng biết leo dừa, chèo xuồng, thấy đỉa rất sợ... Nhưng sống chung với bà con, nửa ngày đi học, nửa ngày phụ giúp công việc, ai làm gì mình làm nấy. Rồi biết làm hết và từ đó mà trưởng thành...”.

Say mê hoạt động Đội, thành tích học tập, rèn luyện đều tốt nhưng mãi mà Thảo vẫn chưa đủ tuổi vào Đoàn. Cô sốt ruột, mong ngóng và càng tìm hiểu về Đoàn nhiều hơn. Lịch sử Đoàn, câu chuyện về các đoàn viên anh hùng... Thảo đều thuộc lòng.

“Thời ấy để được kết nạp Đoàn rất khó, phải qua thử thách, phải đảm bảo chuẩn chất: học giỏi, tự giác, nghiêm túc, có mối quan hệ tốt với dân. Cán bộ Đoàn đi đến đâu, nơi đó sinh động hẳn. Người dân rất thích cán bộ Đoàn và luôn tạo điều kiện để con em mình tham gia các sinh hoạt tập thể khi có cán bộ Đoàn dẫn dắt” - bà Thảo hôm nay trầm ngâm kể.

Còn ngày ấy, cô bé Thảo chỉ hiểu vào Đoàn là để tiếp tục rèn luyện. Chưa được vào Đoàn, Thảo tự thấy mình chưa hoàn thiện, chưa được đánh giá là người cần thiết cho tổ chức. Thảo cứ tự hỏi: mình sẽ giúp ích gì cho tổ chức nếu là thành viên?”.

Ngày nào cũng vậy, mỗi buổi chiều các thành viên trong từng tổ học tập đều kiểm điểm xem mình đã làm và chưa làm được gì, có bạn nào làm bà con xung quanh phiền lòng không. Nhưng vậy vẫn chưa đủ, để trở thành đoàn viên Thảo được đặt ra thử thách: tập hợp thiếu nhi, thanh niên sinh hoạt ở nhiều địa bàn khác nhau.

Đến đâu Thảo cũng cố gắng lập thêm các nhóm học xóa mù chữ, dạy làm văn, làm toán... Không có sách giáo khoa, cô giáo nhỏ tự biên soạn bài để dạy. Rồi cùng hòa mình với các em trong trò chơi tập thể, hát múa, học nghi thức Đội, kể chuyện những tấm gương thanh thiếu nhi yêu nước, dũng cảm bằng cách riêng của mình...

Nhận thấy mình vẫn còn nhút nhát, không thể phát biểu ý kiến trước tập thể, Thảo quyết tâm khắc phục. Thảo tập thói quen gạch đầu dòng các ý chính, ý phụ thật chi tiết trước khi phát biểu, chọn ý “đắt” nhất để phân tích sâu rồi tập diễn đạt cho thuần thục. Thêm vào đó, Thảo còn “luyện” bộ nhớ của mình để khi phát biểu không phụ thuộc quá nhiều vào giấy tờ.

“Nhờ sự chủ động, chuẩn bị kỹ mà mình thêm phần tự tin và dần cải thiện được nhược điểm, có lúc đang phát biểu thì lại quên nhưng nhờ có chuẩn bị nên biết linh hoạt xử lý...” - bà Phạm Phương Thảo cười. Nhờ khiêm tốn và cầu thị, lắng nghe và khắc phục những hạn chế, bà đã dần đảm nhận những trọng trách quan trọng hơn.

Và cái ngày mơ ước ấy đã đến

Trong một chuyến công tác năm 1967, cùng hai người bạn khác Thảo được kết nạp Đoàn ngay trong nhà một người dân. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn, giản đơn, chẳng có phông màn, cờ, cũng không có chiếc huy hiệu Đoàn gắn trên ngực, nhưng lời tuyên thệ từ trái tim những vngười trẻ vẫn trang trọng và khắc sâu đến hôm nay.

“Tự hào lắm các bạn à, vì mình nhận thấy đã trưởng thành và được tổ chức ghi nhận” - bà Thảo nhắc. Từ đây, lý tưởng về một con đường đi tới được khẳng định mạnh mẽ hơn. Đoàn từ một cái đích để phấn đấu đã trở thành cái “nghiệp” cả đời. Từ đoàn viên, lên làm bí thư Thành đoàn TP.HCM, rồi bí thư Trung ương Đoàn, đến năm 1994 bà Phạm Phương Thảo được bố trí về công tác chính quyền tại TP.HCM. Cô bé nhút nhát, từng bật khóc khi phát biểu ngày nào đã để lại ấn tượng sâu sắc với chương trình “Nói và làm” trên cương vị phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP giai đoạn 2004 - 2011. Đó là cả quá trình phấn đấu “trong công tác tập hợp thanh thiếu niên, xây dựng nòng cốt, thiết kế, tổ chức công việc, tự chuẩn bị tài liệu, bài viết, bài nói và phối hợp để triển khai các hoạt động của Đoàn...” - bà Thảo khẳng định

HẢI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên