Ngã tư đèn đang đỏ, xe ta ta cứ phóng. Từ trong hẻm đi xe ra đường lớn cứ "hồn nhiên" lao ra, không cần ngó trước sau trái phải, mặc kệ nguy cơ tai nạn.
Ai cũng vậy mà ba!
Lấn làn, chen ngang, đi sau mà cứ tranh đường vọt lên trước, phóng xe từ trong hẻm ra đường không thèm quan sát... là chuyện thường ngày trên đường lâu nay. Chuyện thường thấy như vượt đèn đỏ hoặc khạc nhổ bừa bãi khiến người đi xe máy phía sau né không kịp không còn là cá biệt.
Những hành vi đó không chỉ xuất hiện ở người lớn mà đang ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Khi con tôi còn nhỏ, mỗi lần chở đi đâu, con ngồi sau xe luôn nhắc "đèn đỏ nha ba", ý là phải dừng xe lại. Con còn yêu cầu tôi phải dừng đúng vạch, đúng làn.
Trong khoảnh khắc đó, tôi tràn trề niềm hy vọng về một thế hệ mới văn minh hơn nhờ được giáo dục tại trường lớp. Nhiều phụ huynh lại luôn tự nhủ mình phải là hình ảnh đại diện của một ý thức và văn hóa giao thông mẫu mực, để làm gương.
Tuy nhiên khi lớn lên, có thể tự chạy xe máy, con tôi cũng bắt đầu vượt đèn đỏ, chen lấn. "Ai cũng vậy mà ba!".
Những hành vi thiếu chuẩn mực xung quanh đang dần dần ảnh hưởng tới con tôi. Đây chắc chắn không phải chuyện của riêng ở nhà nào. Đó là vấn đề chung của xã hội, khi bao người vẫn giữ thói quen lái xe phạm luật vẫn đây đó đầy đường.
Hai nhà tội phạm học là James Q.Wilson và George L.Kelling (Mỹ) đã từng chỉ ra rằng những sai phạm nhỏ nếu không được xử lý nghiêm sẽ khuyến khích nhiều vi phạm nghiêm trọng hơn.
Hành vi vượt đèn đỏ, lấn làn, khạc nhổ nếu không bị phạt hoặc xử lý không nghiêm dễ biến thành "chuyện không có gì lạ". Một đứa trẻ được giáo dục tốt cũng khó giữ mình khi lớn lên trong môi trường mà những vi phạm trở thành... bình thường như vậy.
Chờ bao giờ mới thay đổi?
Khi bước ra đường, chúng ta thường chịu áp lực phải hòa nhập với đám đông. Nếu quá nhiều người tham gia giao thông không tuân thủ luật lệ, muốn đi đúng hoặc nhắc nhở ai đó đi đúng cũng thành việc khó, thậm chí là "lạc lõng".
Với suy nghĩ không muốn bị xem là khác biệt, nhiều người im lặng trước cái sai, không ít người thấy người ta sai cũng không sao thì mình cũng vậy.
Hệ quả của nó không chỉ dừng lại ở sự mất trật tự công cộng, mà còn là vấn đề về văn hóa và pháp luật. Khi nhiều người vượt đèn đỏ hoặc lấn làn, không chỉ làm mất trật tự an toàn giao thông mà còn khiến thêm nhiều người "lờn" luật.
Sự xuống cấp của văn hóa giao thông của nhiều người như hiện nay đang xô nghiêng những chuẩn mực cần thiết khi đi đường. Những giá trị cốt lõi như trách nhiệm cá nhân với xã hội và sự tôn trọng cộng đồng dần bị thay thế bởi sự ích kỷ và tùy tiện của mỗi cá nhân.
Để có giải pháp cho thực trạng này, chúng ta cần sự phối hợp của cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước. Ý thức giao thông cần được hình thành từ nhỏ và duy trì xuyên suốt cho đến khi trưởng thành, từ cá nhân cho đến cộng đồng.
Truyền thông về văn hóa giao thông không chỉ tập trung vào việc phổ biến luật lệ mà còn nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc tuân thủ, rằng đó là hành động bảo vệ bản thân, người thân và cả xã hội.
Đồng thời cần áp dụng mạnh mẽ các biện pháp chế tài đủ sức răn đe. Xin mở ngoặc nhắc đến chiến dịch "thổi nồng độ cồn" người điều khiển phương tiện giao thông. Với cách làm quyết liệt vừa qua đã có kết quả tích cực. Nhiều bạn bè tôi đã dùng xe ôm, taxi khi đã uống bia, rượu.
Với các lỗi vi phạm giao thông thường thấy, hệ thống camera giám sát và phạt nguội nên được áp dụng rộng rãi hơn, đồng thời mức phạt cần được tăng cường để đủ sức ngăn chặn hành vi sai trái. Những hành vi đúng đắn được khuyến khích và lan tỏa.
Điều này có thể thực hiện bằng các chương trình tuyên dương người tham gia giao thông đúng luật hoặc tạo điều kiện để cộng đồng giám sát lẫn nhau.
Thay đổi cần bắt đầu ở từng cá nhân
Nếu mỗi người ý thức bằng hành động nhỏ của mình sẽ thay đổi, tạo thành sự khác biệt lớn, xã hội sẽ từng bước tiến bộ.
Cha mẹ cần làm gương khi ra đường, không chỉ dừng xe đúng vạch mà còn giải thích cho con hiểu lý do vì sao việc đó lại quan trọng, từ đó giúp con nhận thức đâu là cái đúng, cái đẹp, cái chuẩn mực.
Văn hóa giao thông không phải là điều có thể thay đổi trong ngày một ngày hai mà là một quá trình, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực và sự phối hợp đồng bộ từ tất cả các bên liên quan.
Nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, để hành vi sai trái, thiếu chuẩn mực trở thành điều hiển nhiên, phổ biến đối với nhiều người sẽ càng khó thay đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận