Ngày 26-2, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xóa bỏ rào cản cuối cùng để quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh sau gần hai năm đàm phán căng thẳng.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói: "Thụy Điển đang bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết quân sự.
Chúng tôi sẽ gia nhập NATO để bảo vệ mình và mọi thứ chúng tôi tin tưởng một cách tốt hơn nữa. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền tự do, nền dân chủ, các giá trị của mình cùng với những thứ khác".
Ông Kristersson cho rằng tham vọng của Nga nhằm hạn chế sự mở rộng của NATO đã phản tác dụng.
Nói về phản ứng của Nga, ông Kristersson cho rằng: "Điều duy nhất chúng tôi có thể mong đợi một cách chắc chắn là họ không thích Thụy Điển trở thành thành viên của NATO. Họ cũng không thích Phần Lan trở thành thành viên NATO".
Trên mạng xã hội X (Twitter), ông Kristersson gọi 26-2 là "ngày lịch sử".
Thời gian qua, chính quyền Thủ tướng Hungary Viktor Orban phải đối mặt sức ép từ các đồng minh NATO về việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự này.
Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hungary diễn ra suôn sẻ vào ngày 26-2, sau chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest hồi tuần trước.
"Chúng tôi muốn chào đón Thụy Điển cùng với Phần Lan gia nhập NATO thật sớm" - người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.
Trên mạng xã hội X, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kỳ vọng việc kết nạp Thụy Điển sẽ gúp NATO "mạnh hơn và an toàn hơn".
Việc kết nạp Thụy Điển (quốc gia không có chiến tranh kể từ năm 1814) và Phần Lan là sự mở rộng quy mô đáng kể nhất của NATO kể từ khi liên minh này chào đón các thành viên từ Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Hungary hoàn tất quy trình thông qua đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, văn kiện sẽ được chuyển cho Bộ Ngoại giao Mỹ để tiến hành thủ tục tiếp theo.
Thụy Điển sau đó được mời tham gia Hiệp ước Washington để chính thức trở thành thành viên thứ 32 của khối, theo Hãng tin AFP.
Năm ngoái, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO, qua đó tăng chiều dài phần biên giới các nước NATO với Nga thêm khoảng 1.300km.
Trở thành thành viên NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được hưởng sự bảo vệ theo điều 5 của hiệp ước thành lập liên minh, theo đó nêu rõ một cuộc tấn công vào một thành viên NATO sẽ bị coi là cuộc tấn công vào cả liên minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận