20/04/2020 20:29 GMT+7

Vướng nghị định, cảng quốc tế Long An không được nhập khẩu... bò

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Trong nghị định mới của Chính phủ, cảng quốc tế Long An không nằm trong danh mục cảng biển được nhập khẩu động vật sống. Công ty đầu tư cảng lẫn doanh nghiệp nhập khẩu bò đang đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn.

Vướng nghị định, cảng quốc tế Long An không được nhập khẩu... bò - Ảnh 1.

Một tàu chở bò nhập vào cảng quốc tế Long An - Ảnh: AN LONG

Chiều 20-4, ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết lô hàng 2.000 con bò từ Úc về đã được ngành hải quan đồng ý cho nhập vào cảng quốc tế Long An.

Cùng ngày, Cục Hải quan Long An cũng đã có công văn gửi Chi cục Hải quan Bến Lức thực hiện thủ tục hải quan cho công ty nhập bò tại cảng quốc tế Long An trong trường hợp công ty này đủ chứng từ phù hợp.

Doanh nghiệp thiệt hại

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa khiến Công ty cổ phần đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Kết Phát Thịnh, đơn vị nhập khẩu số bò này qua cảng quốc tế Long An, yên lòng.

Bởi việc hải quan đồng ý cho nhập khẩu đợt hàng này chỉ "chữa cháy" cho doanh nghiệp tức thời, còn trong thực tế nghị định số 13/2020 ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi, cảng quốc tế Long An không nằm trong danh mục cảng biển được phép nhập khẩu vật nuôi sống.

Theo điều 29 của nghị định 13/2020, trừ trường hợp thỏa thuận giữa Việt Nam và nước ngoài có quy định khác, chỉ có 7 cảng được nhập vật nuôi sống gồm cảng Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định) Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Võ Quan Huy, đại diện Công ty Kết Phát Thịnh, cho biết ngày 18-4, doanh nghiệp này đã được Cục Thú y đồng ý để được kiểm dịch nhập khẩu 2.000 con bò thịt nêu trên qua cửa khẩu quốc tế Long An. Từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu rất nhiều bò từ nước ngoài qua cảng này.

Nhưng nay, theo nghị định mới, công ty phải nhập bò qua cảng Cát Lái ở TP.HCM nên phải bỏ ra thêm rất nhiều chi phí. Chưa kể việc dỡ hàng, nhập khẩu nếu đổi sang cảng khác sẽ có rất nhiều rắc rối phát sinh như phải tìm hệ thống dịch vụ mới…

Long An đề nghị bổ sung nghị định

Không chỉ doanh nghiệp thiệt hại, ngay cả đơn vị đầu tư cảng quốc tế Long An là Công ty cổ phần cảng Long An cũng thiệt hại vì nghị định mới ra.

Theo UBND tỉnh Long An, từ năm 2017 đến nay cảng này đã đón tiếp 23 tàu chở tổng cộng hơn 60.200 con bò từ nước ngoài vào nhập cảng.

Tại cảng cũng đã đặt trạm thú y để tiện kiểm soát việc nhập khẩu động vật sống. Chưa kể tất cả các yếu tố từ an ninh cảng biển, môi trường, vị trí chiến lược đến cơ sở hạ tầng của cảng quốc tế Long An đều từng được xây dựng phù hợp để đảm bảo nhu cầu tiếp nhận, nhập cảng động vật sống.

Do đó, ngày 17-4 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã đề nghị bộ xem xét kiến nghị Chính phủ bổ sung, đưa cảng này vào lại danh sách các cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống vào Việt Nam.

Cảng quốc tế Long An có diện tích 147ha, thuộc xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, Long An. Dự án này nằm trong dự án tổng thể gần 2.000ha gồm cụm cảng quốc tế Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Trung tâm dịch vụ logistics, khu đô thị cảng quốc tế Long An.

Nằm cách TP.HCM 38km theo quốc lộ 50, đây là cảng nhằm giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM và góp phần giảm ách tắc giao thông từ TP.HCM về các tỉnh Tây Nam Bộ.

Thủ tướng chỉ đạo Cảng Long An đón tàu vào tháng 11 Thủ tướng chỉ đạo cảng Long An đón tàu vào tháng 11

TTO - Chiều 16-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn lãnh đạo Chính phủ ghé thăm công trường cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, Cần Giuộc, Long An).

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên