Phong cách ấy không thay đổi khi nhà làm phim huyền thoại "hạ phàm" xuống màn ảnh nhỏ, với tác phẩm truyền hình đầu tay Phồn hoa đang gây tiếng vang lớn ở Trung Quốc, cải biên từ danh tác cùng tên của Kim Vũ Trừng.
Nếu Phồn hoa là một bộ phim truyền hình có đủ bi sầu lẫn hoan ca, khải hoàn lẫn sụp đổ, luyến ái lẫn buông bỏ thì nhạc phim cũng vậy.
Hàng chục nhạc khúc trùng trùng điệp điệp đủ thể loại, từ nhạc Hoa đến pop Nhật Bản, từ những vũ khúc Latin đến các bản độc tấu piano cổ điển, tất cả tái hiện một Thượng Hải những năm 1980-1990 của ái tình, mộng huyễn, kim tiền.
Trong phim, nhân vật chính A Bảo (Hồ Ca thủ vai) sinh ra trong gia đình tư sản sa sút, nỗ lực lập nghiệp. Anh trải qua bốn cuộc tình có có không không với bốn người phụ nữ, mỗi cuộc tình lại mang một chân dung âm nhạc riêng.
Với tình đầu Tuyết Chi (Đỗ Quyên), người rời bỏ anh thuở cơ hàn, Vương Gia Vệ có khi dùng ca khúc Đánh cắp trái tim của "ca thần" Trương Học Hữu về nỗi lòng quặn thắt khi không thể giữ được người trong mộng, có khi dùng Tùy duyên của Ôn Triệu Luân, ca/nhạc sĩ đình đám TVB một thuở.
Bản nhạc với những câu hát vừa yêu vừa oán như "nhân sinh như lũ côn trùng mắc lưới, chịu đủ hận và đau" gói gọn duyên tình đầy khúc mắc giữa hai người.
Nhân duyên với Linh Tử (Mã Y Lợi), người phụ nữ mà A Bảo tao ngộ ở Tokyo, lại được đặt trên nền nhạc Nhật, trong đó nổi bật nhất là bản Polonaise mà Shigeru Umebayashi từng sáng tác cho bộ phim 2046 của Vương Gia Vệ.
Polonaise (from "2046")
Bản nhạc không lời với tiếng đàn dây dùng dằng đại diện cho mối thâm giao tri kỷ nhưng bế tắc giữa họ, khi A Bảo ba lần sửa mái nhà dột cho Linh Tử nhưng cuối cùng dột vẫn hoàn dột.
Với người đàn bà của bóng đêm Lý Lý (Tân Chỉ Lôi), Vương Gia Vệ lại thường chọn những điệu Latin trêu ngươi, vờn đuổi, hệt như lưới tình cám dỗ mà A Bảo và Lý Lý giăng cho nhau.
Dẫu vậy, trong một cảnh phim cài cắm ẩn dụ về tình dục, ông lại dùng Người mãi là nỗi đau trong tôi của ngôi sao Hong Kong thập niên 1980 Vương Kiệt, như nói về những chấn thương quá khứ mãi đeo đuổi cả hai.
Cuối cùng, với mối tình vô tư, có chút nuông chiều bao bọc mà A Bảo dành cho Uông tiểu thư (Đường Yên), đạo diễn dịch chuyển từ những ca khúc rock sôi nổi sang tình ca lưu luyến, diễn đạt hoàn hảo tâm tư của hai kẻ có tình nhưng hết lần này đến lần khác bỏ lỡ nhau.
Đó là Chấp mê bất hối của "thiên hậu" Vương Phi, là Auld Lang Syne của Guy Lombardo, và một lần nữa, là Đánh cắp trái tim của Trương Học Hữu.
Phim chiếu xong, tất cả các ca khúc lừng lẫy ấy cũng được hồi sinh trong làn sóng yêu thích mới.
Mà đâu chỉ có những cuộc tình của nam chính mới được trau chuốt về âm nhạc. Ngay cả những cuộc tình nhỏ hơn, những nhân vật phụ cũng có âm nhạc đại diện cho mình.
Trong Phồn hoa, ai biết yêu thì người đó đều không thể là kẻ đáng ghét và người đó đều xứng đáng có âm nhạc theo cùng, dẫu là một vị giám đốc mưu mô thủ đoạn hay một bà chủ ghen ăn tức ở.
Nhưng có lẽ để nói về một ca khúc tinh thần của Phồn hoa thì chắc chắn là Ngoái nhìn lại - một ca khúc vàng thập niên 1990 do Lư Quán Đình và Trần Lạc Dung sáng tác nói về ly biệt.
Xuyên suốt Phồn hoa là cảm thức ly biệt, "xưa nay chỉ thấy người mới cười, ai đâu nghe thấy người cũ khóc", không chỉ tình nhân ly biệt, bằng hữu cũng ly biệt, huynh đệ cũng ly biệt, sư đồ cũng ly biệt.
Vương Gia Vệ hiếm khi thuê nhạc sĩ viết nhạc mới cho phim. Ông thường mua bản quyền nhạc có sẵn.
Nhạc cũ, nhưng đời sống thì mới. Niềm hoài niệm và sự tiếp diễn không ngừng của cuộc sống đan bện trong các tác phẩm của ông.
Và giờ có ai nghe Ngoái nhìn lại mà không nhớ về muôn lần ly biệt trong Phồn hoa, với tất cả vẻ đẹp đẽ khôn khuây của chúng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận