05/02/2019 11:36 GMT+7

Vườn Tùng Hạ của Miên

LÊ VÂN - ĐÔNG CÁC
LÊ VÂN - ĐÔNG CÁC

TTO - Dành 15 năm tuổi trẻ để lên rừng làm nông nghiệp "thuận tự nhiên" và ngay cả khi gia đình đã chuyển sang Mỹ định cư, cô gái Sài Gòn ấy vẫn đau đáu ngóng về khu vườn của mình ở ngoại ô TP Đà Lạt.

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 1.

Miên và khu vườn mang tên Taùng Hạ của mình - Ảnh: ĐÔNG CÁC

Cô ước, trong những ngày đầu năm mới trên đất Mỹ: "Giá có cánh cửa thần kỳ của Doraemon để có thể vừa học ở Mỹ, vừa được ở gần khu vườn của mình".

Cô gái ấy là (38 tuổi), hiện đang tiếp tục du học về ngành nông nghiệp ở Mỹ.

Với Miên, 15 năm thanh xuân rực rỡ dành cho khu vườn của mình vẫn chưa đủ. Bởi lúc này, việc học ở Mỹ sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn hơn để cô thực sự chạm đến ước mơ từ thời còn là sinh viên ngành công nghệ sinh học.

Miên thủ thỉ với những người bạn trước khi chuẩn bị cho chuyến hành trình 3 năm tiếp tục học ĐH ở Mỹ vào đầu năm 2019 này: "Qua Mỹ, tuy gần gia đình nhưng mọi thứ công nghiệp và nhịp sống nhanh quá. Miên không hợp. Chỉ mong được về với của Miên và những người bạn. Không lâu đâu, Miên sẽ quay về…".

Tùng Hạ là khu vườn còn hoang sơ trồng các cây gia vị có mùi hương có thể làm tinh dầu như hoa oải hương, hương thảo, các cây sả chanh, sả java.

Đi ngang qua vườn Tùng Hạ nằm dưới một con dốc đường đi đèo Tà Nung, cách trung tâm TP Đà Lạt chừng 7km, người ta sẽ khó quên mùi hương của những cây gia vị độc đáo ở đây.

Cũng như nếu đã một lần ghé qua vườn Tùng Hạ, bất kỳ ai cũng có thể khó quên cô chủ nhỏ của khu vườn cùng những người bạn và 3 chú mèo béo ú suốt ngày lang thang trong khu vườn dù mưa hay nắng.

Vườn Tùng Hạ của Miên - Video: TVO

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 3.

Tường Miên chở lá bạch đàn trồng trong rừng về chiết xuất tinh dầu - Ảnh: LÊ VÂN

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 4.

Nguyễn Tường Miên và chú mèo đồng hành cùng cô ở Tùng Hạ farm gần 15 năm - Ảnh: LÊ VÂN

Cô gái Sài Gòn và vị "ẩn sĩ" ở Đà Lạt

Miên nói về cái tên Tùng - Hạ farm (vườn Tùng - Hạ) bằng cách đọc khẽ bài thơ Đường "Tìm ẩn sĩ không gặp" của nhà thơ Giả Đảo.

"Dưới rặng thông xanh hỏi tiểu đồng
Rằng: Thầy hái thuốc ở đàng trong?
Quanh quẩn núi nầy không đâu khác
Nhưng mây giăng bủa khó tìm ông".

"Mảnh đất này còn hoang sơ lắm. Sáng 6-7h sương mù vẫn còn giăng giăng, sương và mây cứ bay là đà trên những đồi đất. Lạnh lắm. Mình muốn mảnh đất này thực sự yên bình, gần gũi thiên nhiên. Đà Lạt bây giờ đang phát triển rất mạnh, rừng bị phá, công trình du lịch xây dựng ồ ạt.

Ngoài ra mình muốn tiếp tục công việc của bác mình, người đã truyền cảm hứng làm nông nghiệp "thuận tự nhiên" cho mình. Tùng Hạ sẽ không sử dụng phân bón, hóa chất hóa học nào cả", Miên bộc bạch.

Cây chính ở vườn Tùng Hạ là những cây gia vị có mùi, như oải hương, rosemary (hương thảo), sả java, sả chanh, mỗi loại cây gia vị có mùi hương khác nhau.

"Các loại cây gia vị có mùi hương rất dễ chịu và tác động tốt đến tinh thần con người. Đồng thời từ trường của chúng rất tốt cho thiên nhiên và con người. Khi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bản thân những cây này cũng có tác dụng chống côn trùng, giúp mình nghiên cứu việc không sử dụng thuốc về lâu dài", cô chủ nhỏ vườn Tùng Hạ chia sẻ.

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 5.

Nguyễn Tường Miên và chú mèo đồng hành cùng cô ở Tùng Hạ farm gần 15 năm - Ảnh: ĐÔNG CÁC

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 6.

Tường Miên chiết xuất tinh dầu từ các loại cây gia vị ở vườn Tùng Hạ - Ảnh: ĐÔNG CÁC

Những ngày ẩn dật cùng 3 chú mèo ở Tùng Hạ

Lối sống xanh "thuận tự nhiên" hiện được nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích. Nhưng để theo đuổi được con đường dài ấy không chỉ cần có đam mê mà còn phải có cả sự kiên trì và chịu đựng những mùa "thất bát" đầu tiên.

Thực tế cũng đã có nhiều bạn trẻ phải bỏ vườn trại để trở về thành phố.

"Có nhiều khi muốn bỏ cuộc vì đầu tư cho đất đai là một quá trình đầu tư không lợi nhuận, không thấy được kết quả trước mắt. Có lúc phải đóng cửa vườn một năm, làm việc lủi thủi trong trang trại với mấy con mèo", Miên nói về những khó khăn trải qua trong suốt 15 năm gầy dựng trang trại Tùng Hạ.

Tiền bảo hiểm thất nghiệp, tiền để dành cho các chuyến đi khám phá thế giới đều dành mua... phân hữu cơ.

"Lúc đó chỉ cho phép mình chi tiêu mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng cho ăn uống cả mèo lẫn người, nhưng vẫn tin những gì mình đang làm là đúng. Có lúc nhìn rừng cỏ bạt ngàn trước mắt chỉ thấy nản, nhưng vẫn cúi xuống làm từng chút, từng chút một, từ sớm tinh sương cho đến khi mặt trời lặn. Ngày qua ngày, nhìn lên thì không tin nổi mình đã làm xong cả rừng cỏ trước mặt", cô bồi hồi kể.

Ngay cả mảnh đất Miên đang canh tác cũng là của người bác ruột, vốn là người đã truyền cảm hứng cho Miên làm nông nghiệp.

"May là bác ủng hộ, ít nhất 2 năm nữa, nếu Tùng Hạ farm có ích cho cộng đồng, bác sẽ cho làm thêm vài năm nữa", cô lại nhỏ nhẻ chia sẻ.

Miên qua Mỹ được một năm nhưng đã về lại vườn Tùng Hạ 2 lần vì… nhớ quá không chịu nổi. Lúc còn ở Mỹ, Miên làm đủ việc để kiếm tiền gởi về tiếp tục làm vườn.

Có thời gian Miên làm việc ở một bệnh viện tại Mỹ, chăm sóc những người bệnh ung thư. Công việc đó càng thôi thúc Miên làm "nông nghiệp sạch".

"Mình càng thấm cái vòng luẩn quẩn của đời người khi chăm sóc các bệnh nhân ung thư. Con người sinh ra, làm việc để kiếm tiền rồi cũng để chữa bệnh và chết. Phần nhiều do môi trường và ăn uống mà ra", Miên bùi ngùi nói.

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 7.

Miên trong cơ ngơi của mình ở vườn Tùng Hạ - Ảnh: LÊ VÂN

Vườn Tùng Hạ của Miên - Ảnh 8.

Tường Miên kể cho vị khách nhí đến thăm vườn Tùng Hạ về câu chuyện các loài cây gia vị có thể lấy tinh dầu tại đây - Ảnh: LÊ VÂN

Cứ làm thôi, đừng vội!

Chia sẻ với Tuổi Trẻ trong những ngày đầu Xuân 2019 trên đất Mỹ, Miên nói: "Mình có điều kiện ở bên Mỹ nên sẽ học thêm những kiến thức về nông nghiệp, về môi trường sinh thái, những điều kiện rất tốt để mình quay trở về phát triển farm lên.

Đó cũng là cơ hội để gắn kết với các giáo sư hay các tình nguyện viên bên nước ngoài để có thể hỗ trợ cho farm mình và nhiều farm khác nữa của Việt Nam".

15 năm tuổi trẻ dành cho ước mơ xây dựng "Tùng Hạ farm" vẫn còn thổn thức với Miên.

"Làm là cả một hành trình chứ không phải 'quy trình công nghiệp' để có thể vội vàng nhìn thấy lợi nhuận hay thành quả trước mắt. Nên cứ làm thôi, chẳng có gì phải vội", Miên khẳng định.

5-15489255239511428807345

Miên và những người bạn đã giúp cô chăm sóc vườn Tùng Hạ - Ảnh: ĐÔNG CÁC

Sản phẩm chính của vườn Tùng Hạ hiện nay là các loại tinh dầu hữu cơ từ quy trình trồng trọt đến chiết xuất - hoàn toàn tự nhiên và không tác động bởi phân bón hóa học.

Sau 15 năm thăng trầm với nhiều thất bại đắng cay, có lúc muốn bỏ cuộc, hôm chúng tôi gặp, đã có nhiều vị khách và đơn đặt hàng tìm tới Tùng Hạ hơn.

Ít ai biết rằng, lao động chính của khu vườn Tùng Hạ trước đó chỉ có Miên, sau này khi Miên đi Mỹ thì dùng tiền bảo hiểm thất nghiệp, tiền làm thêm ở các bệnh viện chăm người bệnh ung thư để thuê thêm 2-3 người bạn làm vườn.

Họ làm cỏ bằng tay, xới đất và bón đất bằng phân hữu cơ từ lá rừng, thân cây gỗ mục, trồng hoa hướng dương để vừa làm du lịch vừa lấy thân cây sau khi hết mùa hoa làm phân bón hữu cơ.

Nói về hiệu quả của vườn Tùng Hạ sau 15 năm gầy dựng, Miên bảo thực ra đến giờ Tùng Hạ mới có doanh thu và chỉ đủ để trang trải trở lại cho việc đầu tư khu vườn.

"Cái mình nhận được là mô hình của Tùng Hạ thiên về lối sống thuận tự nhiên. Bản thân mình cũng nhờ triết lý ấy mà sống đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn. Và hạnh phúc nhất khi có thể chia sẻ về việc sống như thế nào tốt cho bản thân mình và cả môi trường mình đang sống", Miên nói.

LÊ VÂN - ĐÔNG CÁC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên