Học sinh đang nghe hướng dẫn làm vườn - Ảnh: The Charlton Champion
Tờ The Guardian mới đây giới thiệu bài viết của ông Tim Baker, hiệu trưởng Trường tiểu học Charlton Manor, nơi đang có 1.000 học sinh theo học và sắp chuẩn bị lễ kỉ niệm 10 năm ngày thành lập trường. Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Khu vườn vì học sinh
Năm 2004, tôi quyết định cho xây dựng một khu vườn tại Trường tiểu học Charlton Manor. Khi ấy tôi vừa nhận chức hiệu trưởng và có một số đất bị bỏ hoang trong trường.
Trước đó, từ một số bản tin trên truyền hình, tôi biết trẻ em bị thiếu hụt kiến thức về việc thức ăn có từ đâu và cảm thấy xã hội chúng ta đã thờ ơ về chuyện này. Với tôi, điều này thật dễ hiểu vì ở trường chúng ta đã không còn giáo dục cho trẻ em về thức ăn.
Vì thế, tôi thấy khu vườn là cơ hội cho trẻ em được học theo cách thực tế, trong bối cảnh ngoài trời, trong khi vẫn truyền đạt được sự hiểu biết về việc thức ăn của các em từ đâu mà có, cũng như tầm quan trọng của việc ăn trái cây và rau quả.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn dùng khu vườn cho những đề tài khác như chu kỳ sống, cây hạt kín, sự thụ phấn, sự thích nghi, kĩ năng viết sáng tạo và viết báo cáo.
Tôi tin rằng nhiều chủ đề có thể được giảng dạy tốt trong khu vườn, đồng thời vẫn tăng được mức độ hoạt động của học sinh và khuyến khích cách làm việc theo đội, nhóm.
Với những học sinh hay biện minh như "Đó không phải lỗi của em", "Không phải chỉ mình em", thì đây là cơ hội để phát triển ý thức trách nhiệm cho các em.
Học sinh chuẩn bị cùng nhau làm vườn ở Trường tiểu học Charlton Manor - Ảnh: The Guardian
Chúng tôi đã dẫn học sinh tới các khu vườn và bãi đất trong vùng để tạo hứng khởi cho các em về những gì chúng muốn có từ một khu vườn ngay trong trường, và yêu cầu chúng đóng vai trò thực tiễn trong vấn đề này.
Thế là các cô cậu tranh nhau đưa ra ý tưởng, nào là những khu vực để trồng trái cây và rau quả, một cái ao tự nhiên với cây cầu để ngắm cảnh, một nơi để quan sát thiên nhiên hoang dã và một nhà kính đặt trong mê cung để khu vườn không bị lộ hết tất cả các bí mật của nó một cách dễ dàng.
Liên tiếp bốn năm sau, làm vườn trở thành một phần chính của chương trình học. Gần đây, các em được cho bài tập viết sáng tạo với đề tài "một kho báu được chôn giấu", và các em đã dùng cả "phần nhìn" lẫn "phần nghe" trong khu vườn làm cảm hứng cho bài viết.
Còn trong những tiết học đo lường của môn toán, học sinh đã vẽ ra những luống hoa thật sự thay vì dựa vào các hình vẽ với tỉ lệ thu nhỏ như trong sách giáo khoa.
Chúng tôi còn tạo ra những biểu đồ và đồ thị bằng cách đo các cây hoa hướng dương đang nảy mầm, ghi lại những thông tin từ trạm thời tiết và minh họa những tác động của nó bằng đồ thị cụ thể.
Học sinh "giàu có" hơn
Thành quả của học sinh Trường tiểu học Charlton Manor - Ảnh: Twitter
Các sản phẩm từ khu vườn được bán trong cửa hàng của trường do chính các học sinh điều hành vào những ngày trong tuần.
Chúng tôi cũng bắt đầu bán cà chua, khoai tây, trứng và mật ong (từ đàn gà và bầy ong của mình) cho các phụ huynh và những người khác, còn củ cải, bạc hà, trứng và xà lách thì bán cho một nhà hàng trong vùng và thông qua một quầy hàng tại chợ Borough ở trung tâm London, giúp chúng tôi có được nguồn quỹ đầu tư lại cho khu vườn.
Nguồn tiền này đã giúp chúng tôi mua thêm dụng cụ làm vườn, những loại cây lớn và đắt tiền hơn như cây ăn quả, và các vật dụng cơ bản khác để tạo ra những thứ mới như một khu vườn nâng.
Rõ ràng lợi ích của các khu vườn trường học là vô cùng to lớn: dùng cho học tập, để tăng niềm hạnh phúc của học sinh và hiểu biết của chúng về môi trường tự nhiên.
Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng trường học và học sinh trở nên "giàu có" hơn bằng cách trồng thực phẩm và bằng các hành vi gặt hái được thông qua những công việc như thế.
Các nhà nghiên cứu cũng cho thấy học ngoài trời có thể làm tăng thêm giá trị cho những trải nghiệm hàng ngày trong lớp học.
Tôi đồng ý. Khu vườn đã làm thay đổi trường tôi và cung cấp những cơ hội học tập tuyệt vời cho học sinh. Nó giúp cộng đồng xích lại gần nhau hơn theo một cách rất tuyệt vời và tiếp tục phát triển.
Đó là lý do vì sao đối với tôi, một khu vườn dưới bất cứ hình thức nào - từ mảnh đất được quây lại bằng các thanh gỗ, tới một số dụng cụ chứa đựng tạm bợ, những chiếc giỏ treo lơ lửng hay một bậu cửa sổ - cũng đều nên được xem là một công cụ học tập thiết yếu cho tất cả các ngôi trường.
Khởi đầu đầy gian khó
Theo chia sẻ của ông Tim Baker, lúc đầu trường gặp khó khăn trong việc thuyết phục một số giáo viên tham gia bởi họ lo ngại học sinh "cá biệt" sẽ càng khó dạy hơn.
Nhưng thật bất ngờ, khi giáo viên bắt đầu sử dụng khu vườn, đã có sự thay đổi hành vi ở những học sinh ấy. Các em làm việc theo nhóm, tích cực tham gia vào công việc của mình, và chịu trách nhiệm chăm sóc các cây được giao.
Khó khăn thứ hai là ngân sách. Ban giám hiệu đã phải tìm cách xoay sở từ nguồn quỹ của trường để có tiền tuyển một người làm vườn toàn thời gian, trả lương bằng với mức dành cho nhân viên hỗ trợ.
Người đó được thuê quanh năm để phối hợp với các giáo viên lên kế hoạch và giao bài học cho học sinh.
Họ cũng nhờ một kiến trúc sư phong cảnh giúp đỡ, và thật may mắn khi người phụ trách việc gây quỹ cho trường đã có thể biến điều này thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận