08/05/2017 08:01 GMT+7

'Vườn sách' cho Đà Nẵng, chờ đến bao giờ?

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - So với thủ đô, Đà Nẵng là địa phương đi trước trong vấn đề xây dựng "vườn sách". Nhưng, đến nay đường sách Hà Nội đã đi vào hoạt động thì ở Đà Nẵng đề án này vẫn còn nằm trên giấy. Vì sao?

Vị trí dự kiến sẽ được TP Đà Nẵng xây dựng vườn sách (khoanh tròn) có 3 mặt tiếp giáp với đường Bạch Đằng - Thành Điện Hải - Trần Phú - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Với đề án vườn sách, TP Đà Nẵng đang có tham vọng nâng cao văn hóa đọc cho người dân ở “thành phố đáng sống”. 

Sau một thời gian kêu gọi xã hội hóa dự án “vườn sách”, đến nay đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư. Trong đó đơn vị đăng ký nhiều nhất là 20 tỷ với điều kiện TP miễn thuế trong vòng 5 năm đầu. 

Từ nhà nước đầu tư sang xã hội hóa

Với mục tiêu “2 trong 1”, đề án vườn sách được TP Đà Nẵng xem như là cú đột phá trong việc nâng cao văn hóa đọc, cổ vũ tri thức, tăng cường các thiết chế văn hóa cho địa phương. Tham vọng nơi đây trở thành điểm đến mang tính biểu tượng với người dân và khách thập phương nên từ cuối năm 2016, sau khi ban hành đề án đã có rất nhiều cuộc họp xúc tiến hình thành.

Theo đề án này, đây không phải là “đường sách”, mà là mô hình “vườn sách” tuy nhiên vẫn được tổ chức tương tự mô hình đường sách tại TP.HCM tại khu đất 3 mặt tiền tiếp giáp đường Bạch Đằng-Thành Điện Hải và Trần Phú.

Theo thiết kế ban đầu, khu vực vườn sách sẽ có khoảng 10-16 ki-ốt (30m2/ ki-ốt) bố trí cho 6 đơn vị kinh doanh phát hành làm không gian trưng bày mua bán sách, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu giới thiệu các tác giả, tác phẩm mới.

Tại một cuộc họp cuối năm 2016 về vấn đề này, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chỉ đạo phải hoàn thành đường sách trong quý 1-2017. Thời điểm ấy, để thu hút các nhà xuất bản tham gia TP chấp nhận bỏ hơn 7 tỉ đồng đầu tư toàn bộ công trình này và miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị tham gia trong thời gian một năm. 

Tuy nhiên vào tháng 3-2017 , TP Đà Nẵng lại đổi ý, chuyển sang kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng cho rằng việc chuyển hướng sang xã hội hóa là hợp lý bởi việc vận hành theo cơ chế thị trường mới tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm này.

“Đến lúc này TP đã bố trí vị trí đắc địa cho dự án cũng như đã hoàn thành chi tiết quy hoạch 1/500 đối với dự án này. Ai cũng hy vọng nó sẽ là điểm nhấn cho không gian văn hóa TP bởi lâu nay Đà Nẵng hay bị kêu ca là địa phương phát triển nóng nhưng thiết chế văn hóa quá thiếu".

"Quan điểm tôi cho rằng TP muốn “bay cao bay xa” phải có thêm chiếc cánh văn hóa bên cạnh chiếc cánh kinh tế đã cơ bản hoàn thiện như hiện nay. Đề án này phải khẩn thiết triển khai và nếu tư nhân làm được hãy cứ ủng hộ họ”- ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, vừa qua Sở cũng đã đồng ý cho xã hội hóa và đa dạng sản phẩm một số khu vực trong thư viện TP. Kết quả là đã có những chuyển biến khi số lượng người dân đến làm thẻ đăng ký đọc lâu dài tăng gấp ba lần so với năm 2015. Điều này chứng tỏ văn hóa đọc đang có xu hướng tăng lên nếu biết cách tổ chức, khơi dậy.

Tính chuyện lâu dài cho sản phẩm

Là đơn vị đã tham gia các dự án đường sách ở TP.HCM và Hà Nội, bà Nguyễn Lệ Thủy, giám đốc điều hành Công ty CP Green & Brown cho rằng so với hai đầu đất nước, thị trường sách và văn hóa phẩm ở Đà Nẵng còn rất khiêm tốn.

Theo bà Thủy, Đà Nẵng là thị trường đặc thù, do vậy các dự án muốn sống được phải dựa thêm vào lượng khách du lịch.

“Chắc chắn nếu bỏ vốn đầu tại đây theo cơ chế thị trường thì chúng tôi chỉ có thể xác định tiêu chí làm thương hiệu chứ khó có lời trong những năm đầu. Vì vậy theo tôi nếu TP muốn giao cho một đơn vị cụ thể phải cân nhắc cam kết ban đầu, trong đó quan tâm đa dạng hóa thêm các không gian ví dụ không gian sách-cà phê, không gian giới thiệu tác phẩm, không gian cho trẻ và du khách... Tránh tình trạng đầu tư, hình thành theo trào lưu rồi biến mất” - bà Thủy nói.

"Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là phải hài hòa giữa lợi ích của đơn vị đầu tư và mục tiêu lâu dài của TP. Trong đó “vườn sách” phải là không gian lan tỏa tri thức, vừa là nơi khích lệ niềm vui học tập suốt đời. Trong đó ý niệm tốt đẹp ban đầu của TP trong vấn đề này phải đạt được, không có chuyện sau này nhà đầu tư bắt địa phương làm “con tin”, hoặc biến tướng theo kiểu từ sách - cà phê thành cà phê - sách" - ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng (đơn vị được giao chủ trì dự án) nhấn mạnh.

Sau gần một năm rưỡi đi vào hoạt động, “Đường Sách” ở TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình (quận 1) thực sự là một địa chỉ văn hóa mới của người Sài Gòn.

Một góc đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM      Ảnh: L.Đ.D

Đường sách không chỉ là nơi chỉ để mua bán sách, đó còn là một không gian tri thức, ươm mầm và lan tỏa  tình yêu với sách. Là một điểm hẹn của người thành phố, đường sách Nguyễn Văn Bình cũng là một địa chỉ dừng chân lý tưởng cho du khách trong, ngoài nước.

Hiện TP Hà Nội cũng đã tiếp bước TP.HCM cho triển khai “Phố Sách” trên phố “19-12” vào ngày 1-5 và được rất nhiều người yêu quý sách tìm đến. Đà Nẵng đã có đề án “đường sách”  trước cả Hà Nội, nhưng đến nay “vườn sách” của TP này vẫn còn trên giấy. Một không gian văn hóa của sách tương tự như  TP HCM hay Hà Nội vẫn đang là mơ ước của nhiều người Đà Nẵng và hàng ngàn du khách đang đến đô thị này mỗi ngày.

L.Đ.DỤC

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên