25/11/2022 19:49 GMT+7

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 39 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam

NHẤT NGUYÊN – A LỘC
NHẤT NGUYÊN – A LỘC

TTO - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 39 cây thuộc quản lý của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 39 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam - Ảnh 1.

Một con bò tót quý hiếm trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh: N.N

Ngày 25-11, Vườn quốc gia Bù Gia Mập tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (27-11-2002 - 27-11-2022), 63 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28-11-1953 - 28-11-2022) và đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, tiến sĩ Vương Đức Hòa - giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập - cho biết vườn có tổng diện tích hơn 25.600ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 25.505ha. Tiền thân vườn quốc gia là khu rừng cấm Bù Gia Mập, sau đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập.

"Vượt qua bao khó khăn của những ngày đầu thành lập, đến nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã phát triển toàn diện về mọi mặt. Thời gian qua, vườn đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đồng thời luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học" - tiến sĩ Hòa nói.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 39 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam - Ảnh 2.

Lãnh đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam - Ảnh: N.N.

Theo tiến sĩ Hòa, công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật cũng được chú trọng khi đã có hàng ngàn động vật hoang dã được cứu hộ, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên.

Bên cạnh lực lượng kiểm lâm, vườn còn có trên 600 hộ dân vùng đệm (chủ yếu là đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông) tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, góp phần rất lớn vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại đây.

Tiến sĩ Hòa nói: "Nạn săn bắt, phá rừng trái phép hầu như đã được quét sạch. Nếu như năm 2004, vườn xảy ra 172 vụ vi phạm lâm luật thì từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra 6 vụ nhỏ nhặt, không đáng kể. Ngoài ra, vườn đã trồng được gần 200ha rừng bằng các loài cây bản địa, cây quý hiếm, cây có giá trị kinh tế cao. Mục tiêu vườn quốc gia hướng đến trong thời gian tới là đạt danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới".

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 39 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam - Ảnh 3.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại quần thể 37 cây săng lẻ (còn gọi là bằng lăng) vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam - Ảnh: N.N

Dịp này, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 39 cây thuộc quản lý của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, bao gồm quần thể 37 cây săng lẻ (còn gọi là bằng lăng), 1 cây sộp và 1 cây tung.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Hải - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc lựa chọn và vinh danh Cây di sản tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gene tiêu biểu, mà còn nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng tại vùng đệm của vườn quốc gia. 

Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Phước tiên phong làm hồ sơ đăng ký đề nghị xét duyệt Cây di sản Việt Nam.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập mở cửa đón du khách trở lại từ 10-1 Vườn quốc gia Bù Gia Mập mở cửa đón du khách trở lại từ 10-1

TTO - Ngày 9-1, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) đã thông báo mở cửa đón du khách tham quan và tổ chức lại các hoạt động du lịch sinh thái tại vườn bắt đầu từ 7h ngày 10-1.

NHẤT NGUYÊN – A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên