Cựu phi công Dave Hansen trong làn sương mù ở Khe Sanh - Ảnh: ĐẠO DIỄN CUNG CẤP
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về bộ phim dài 25 phút này, đạo diễn Tinh Mahoney nói: "Bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa The Khe Sanh Peace Garden đến với khán giả Việt Nam.
Lần đầu tiên đến Khe Sanh, tôi gặp những cựu binh đến từ hai nước. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Những cái bắt tay và nụ cười thân thiện khiến trái tim tôi cảm thấy ấm áp".
"Khi tôi đi trên chiến trường Khe Sanh, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, vì từ khi là một đứa trẻ trong chiến tranh đến một người lớn đầy thương tổn, tôi cảm thông sâu sắc cho những linh hồn cô đơn trên chiến trường này. Tôi làm bộ phim với hy vọng chữa lành trái tim cho những ai bị cuộc chiến ám ảnh.
Đạo diễn Tinh Mahoney
The Khe Sanh Peace Garden - Trailer
Một trải nghiệm mang tính gột rửa
Mở đầu bộ phim, trong dòng hồi tưởng về chiến tranh Việt Nam, cựu phi công Dave Hansen bày tỏ mong muốn trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa và làm điều gì đó ý nghĩa để gột rửa những quá khứ tàn khốc.
Điểm đến của ông là Khe Sanh, Quảng Trị. Tại nơi này, vào năm 1968 đã có trận chiến dài ngày lấy đi sinh mạng của rất nhiều binh lính hai bên chiến tuyến.
Nửa thế kỷ trước, nơi này đầy chết chóc và hoang tàn. Nửa thế kỷ sau đó, những người bạn, gia đình và các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ cũng tập hợp lại để trồng cây tại khu di tích sân bay Tà Cơn (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) - chiến trường ác liệt khi xưa.
Các chuyến đi có Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam đồng hành, diễn ra vào các năm 2012, 2014 và 2018. Dave Hansen là một trong số những cựu binh Mỹ tham gia.
Cựu phi công Dave Hansen - Ảnh: ĐẠO DIỄN CUNG CẤP
Trong lời dẫn truyện, cựu phi công Dave Hansen nói: "Thật không thể tưởng tượng nổi khi chúng tôi có thể trở lại đây gặp gỡ những cựu binh này, trồng cây trên mảnh đất nơi chúng tôi từng cố tiêu diệt lẫn nhau. Cảm giác của tôi là biết ơn. Tôi rất biết ơn khi mình được sống đủ lâu để trở thành bạn với những con người từng là kẻ thù trong chiến tranh.
Cũng không thể tưởng tượng được khi chúng tôi muốn trở lại mảnh đất nơi những điều tàn khốc đã diễn ra. Đó là một trải nghiệm khó tin, mang tính gột rửa. Nó giúp chúng tôi sống hoàn toàn trong hiện tại và giải thoát chúng tôi khỏi những nỗi ám ảnh từ quá khứ".
The Khe Sanh Peace Garden được sản xuất năm 2020 tại cả Mỹ và Việt Nam, có cả hình ảnh tư liệu từ chiến tranh và hình ảnh quay mới, trong đó có nhiều đoạn phỏng vấn cựu phi công Dave Hansen.
Cựu phi công Dave Hansen (trái) tại Vườn hòa bình Khe Sanh trong phim The Khe Sanh Peace Garden - Ảnh: ĐẠO DIỄN CUNG CẤP
"Đừng ích kỷ, đừng bỏ ai lại phía sau"
Đoàn phim đến từ nhiều nơi khác nhau của nước Mỹ khi đến Khe Sanh đã thất vọng vì sương mù dày. Tuy nhiên, lớp sương mù hóa ra lại là may mắn vì nó giúp tạo nên bầu không khí u ám và bí ẩn phù hợp với một số đoạn trong bộ phim.
Để bù đắp sự thiếu hụt về hình ảnh và tính tài liệu, đạo diễn sử dụng một số đoạn phim quay chậm mang tính biểu tượng, lồng với các bài hát về chiến tranh, hòa bình, về thân phận con người sau cuộc chiến. Các bài hát do chính đạo diễn Tinh Mahoney sáng tác và thể hiện.
Hậu trường thực hiện bộ phim - Ảnh: ĐẠO DIỄN CUNG CẤP
Tựa phim cũng cho thấy phim muốn nhấn về chuyến hành trình xây dựng Vườn hòa bình Khe Sanh, nhưng phim lại thiếu hụt những thông tin cần thiết của một phim tài liệu về các dự án thiện nguyện.
Phim tập trung vào hồi ức của Dave Hansen nhưng chưa khắc họa rõ ràng vai trò của ông và các cựu binh, cũng như thiếu tiếng nói từ phía các cựu binh Việt Nam hoặc cảm nhận của người Việt Nam về công trình vườn hòa bình.
Theo nhà báo Lưu Vĩ Lân - tác giả có mối quan tâm đặc biệt đến chiến trường ở Quảng Trị và từng đưa nhiều cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ trở lại Khe Sanh, bộ phim không có gì mới về mặt tư liệu nhưng 3 ca khúc trong phim đều rất hay, có vài khung hình ấn tượng phản ánh được đặc thù đầy sương mù ở vùng đất này, hoặc luôn nhấn đến đỉnh núi cao tiêu biểu trên phông nền của khung hình về căn cứ Khe Sanh.
Đạo diễn Tinh Mahoney yêu ca hát và đưa âm nhạc vào phim - Ảnh: ĐẠO DIỄN CUNG CẤP
Như một "tản văn" nghiêng về cảm xúc nhiều hơn, phim cho thấy những ẩn ức, dằn vặt của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam, ít nhiều liên hệ cuộc chiến Việt Nam với vấn đề mới của nước Mỹ, từ đó gửi gắm hy vọng sau mỗi cuộc chiến tranh sẽ là một cuộc giảng hòa, thù hằn nào rồi cũng qua đi... Bộ phim vì vậy dành cho người Mỹ hơn là người Việt.
Giám khảo Liên hoan phim Beloit nhận xét bộ phim mô tả "những điều thật đẹp đẽ có thể trỗi dậy từ tro tàn của những sự kiện khốc liệt".
Với đạo diễn Tinh Mahoney, những trải nghiệm thấm thía từ chiến tranh có thể giúp con người đối mặt với thảm họa đại dịch hiện tại. Sau nhiều năm ở nước ngoài, ông đã trở về quê nhà Phan Thiết, Việt Nam để sinh sống. "COVID-19 là kẻ thù vô hình.
Nó không quan tâm đến chính trị, giàu nghèo. Trong chiến tranh và trong thời đại COVID-19, đừng bỏ rơi những người thân yêu hay những ai đang bên cạnh bạn. Đừng ích kỷ, đừng bỏ ai lại phía sau" - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận