Đi chợ hộ tại siêu thị MegaMarket An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhà tôi ở Q.7, TP.HCM, nơi được xem là "vùng xanh" và cũng sẽ là quận sắp tới được thành phố thí điểm "mở cửa" sau giãn cách phòng chống dịch bệnh đợt này.
Mừng vì nghe nói sẽ được đi chợ mỗi tuần một lần, cho bán đồ ăn mang về, nghĩa là có thể được shipper giao hàng tận nhà. Mấy hôm nay nhiều người kể chuyện mua thức ăn ngon ở hàng quán. Trẻ con nhà tôi cũng vui khi chúng nghĩ sẽ được ăn những món ưa thích. Nhưng tôi không thể chủ quan và nghĩ đơn giản như con trẻ.
Cùng những tin vui từ việc thoải mái hơn trong việc mua thực phẩm ở vùng xanh, vẫn còn đầy lo lắng với quá nhiều thông tin rằng nhiều người không đi đâu, không tiếp xúc với ai bên ngoài vẫn trở thành F0. Virus có thể dính trên bề mặt những món hàng đặt mua hoặc qua tiếp xúc với người giao hàng.
Chính vì thế khi nghe bán đồ ăn mang về, tôi tự nghĩ mình cũng chưa dám đặt mua. Hôm nọ nghe tiếng rao bánh mì dạo trong hẻm, con thèm. Ngày hôm sau tôi mua bằng cách cho tiền vào cái rổ rồi đặt trước cổng nhà để chú bán bánh mì dạo cho bánh vào rổ, không tiếp xúc nhau. Bánh mang vào nhà tôi liền cho vào lò nướng lại hy vọng có hơi nóng nếu có virus thì chúng cũng chết. Nhà tôi vẫn ưu tiên dùng đồ ăn nhà nấu, nhà làm.
Được mua đồ ăn sẵn cũng có nhiều người thích vì sẽ được ăn đa dạng món này món kia nhưng cứ sáng đặt một món, chiều thêm món, tối lại thấy bánh tráng trộn, trà sữa..., vậy là mỗi ngày tiếp xúc nhiều người. Có nhiều món mua về ăn ngay, không thể rửa, nấu hay hâm nóng được..., nhưng nghĩ đến tình huống chỉ cần người đầu bếp làm món ăn đó (có thể) đang ủ bệnh mà họ hắt xì hoặc vài giọt bắn bám trên thức ăn thôi cũng thành nguy cơ...
Tự nấu hay pha chế món ăn hay thức uống nào mình thích, dù không bằng đầu bếp chuyên nghiệp nhưng tự mình kiểm soát được "đầu vào" nên phần nào yên tâm hơn. Tôi thấy bạn bè xung quanh mình cũng bày ra nấu món này món kia để cùng gia đình thưởng thức vừa ấm áp, vừa an toàn.
Những ngày giãn cách, gia đình tôi cũng quen dần với cách mua hàng online, mua đồ thiết yếu dùng cả tuần hay mươi ngày mới mua tiếp. Nay mai nếu được cho đi chợ hay đi siêu thị, tôi vẫn chọn cách này vì ngán nơi bít bùng máy lạnh, nhiều lượt người vào ra...
Trước ngổn ngang những mối lo về nguy cơ có thể xảy ra việc lây lan mầm bệnh, vẫn cứ phải bảo vệ mình và những người xung quanh trước đã. Bởi tôi thấy nếu còn những hành vi vô tình trong quá trình tiếp xúc, ăn uống... thì nguy cơ bị lây bệnh vẫn còn đó.
Đi chợ từ xa
Nhiều người quen của tôi sống ở vùng xanh, tiêm đủ hai mũi vắc xin, đang lên kế hoạch để chuẩn bị "đi chợ" ít nhất mỗi tuần/lần. Có nhiều phương án, nhưng ai cũng dè dặt chọn cách nào để ít phải ra đường, giảm tiếp xúc.
Nhiều nhóm mua hàng được lập trên mạng, đang thảo luận khá sôi nổi. Những tuần qua chuyện mua thức ăn đều nhờ tình nguyện viên và các anh bộ đội, giờ là lúc phải có cách làm khác. Vô số ý kiến được đưa ra. Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là đề xuất mỗi tuần chỉ cần luân phiên cử một đại diện, có nhiệm vụ trực tiếp vào siêu thị chọn hàng, thanh toán. Cách phân công này giảm tối đa lượng người phải vào siêu thị.
Người đi chợ còn có một "trợ lý" như là shipper, đến cổng siêu thị chở hàng về giao tận nhà. Hóa đơn tổng hợp sẽ được đăng trên Zalo để các thành viên cứ vậy mà chuyển khoản cho người đi mua. Đơn hàng cần thiết kế đơn giản nhất có thể. Những mặt hàng bảo quản được lâu ngày luôn là ưu tiên đặt mua số lượng nhiều để giảm tối đa số lần đi chợ. Rau xanh ai cũng thích ăn nhưng chỉ mua đủ dùng hai ngày đầu tiên, còn lại là các loại củ, quả tiêu thụ cả tuần mà không cần trữ trong tủ lạnh.
Và nhiều người vẫn đặt mua qua app những gì có thể vừa giữ an toàn và giảm áp lực cho những thành viên đi chợ. Ai cũng được đi chợ nhưng chỉ cần hai người ra đường, còn lại là mua hàng "từ xa".Hằng Nga
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận