Người dân TP Vũng Tàu chạy xe vất vả trên một tuyến đường ngập nước do mưa sáng 25-11 - Ảnh: A LỘC
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ 7h mưa bắt đầu nặng hạt kèm theo những cơn gió to. Các hàng quán hầu hết đã đóng cửa, chỉ lưa thưa một số người chạy trên đường.
Đến khoảng 8h, mưa lớn khiến một số tuyến đường ngập nhẹ, gió mạnh làm một số nhánh cây ven đường gãy đổ xuống đường.
Ông Trần Văn Cường Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết bão bắt đầu vào địa phương từ 7h sáng và đang tiếp tục tiến vào đất liền. Bão chủ yếu đi vào nam Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu là hướng chính.
Nhánh cây bị mưa gió của trận bão số 9 quật gãy trên một tuyến đường ở TP Vũng Tàu - Ảnh: A LỘC
Đến khoảng 9h30, mưa lớn kèm gió mạnh vẫn tiếp tục tràn qua địa bàn TP Vũng Tàu. Trên một số tuyến đường ghi nhận tình trạng ngập cục bộ. Hầu hết các hàng quán, nhà cửa dọc các tuyến đường lớn đều đóng cửa để tránh bão.
Người dân tại các điểm tránh, trú bão vẫn an toàn, chưa có gì bất thường xảy ra. Một lãnh đạo UBND phường 5 cho biết ngoài việc đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn, các cấp chính quyền đang tiếp tục rà soát các điểm sạt lở để có phương hướng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Ảnh chụp lúc 6h30 sáng 25-11 trước cửa chợ Cần Giờ - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
6h30 sáng tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, mưa lớn dần kèm gió đang mạnh. Chợ Cần Giờ sát bờ biển mở cửa hoạt động từ sớm.
Có vẻ người dân tranh thủ đi chợ sớm, đề phòng thời tiết có thể xấu hơn. Nhìn chung nhịp sống của Cần Giờ (TP.HCM) vẫn diễn ra bình thường.
Các trận mưa đã kéo dài rả rích từ khuya đến thời điểm hiện tại. Nhiều người dân vẫn hồi hộp không biết bão sẽ đổ bộ vào đâu khi hướng di chuyển thay đổi liên tục.
Lãnh đạo UBND huyện cho biết cán bộ, nhân viên huyện đã chia ca trực suốt đêm để kịp ứng phó khi có sự cố.
Chợ Cần Giờ sát bờ biển vẫn hoạt động từ sớm với người mua, kẻ bán - Ảnh: LÊ PHAN
Từ lúc 4h sáng 25-11, thời tiết tại đảo Thạnh An mưa lớn, kèm theo gió. Lúc 5h sáng mưa và gió mạnh dần lên nhưng chưa phải là ở mức mạnh. Hiện tại đây vẫn đang mưa.
Hồi trận bão Durian cuối năm 2006 từng gây tan hoang ở xã đảo Thạnh An nhưng một số xã Cần Giờ cách đó 15km gần như không bị ảnh hưởng gì.
Lần đó cũng là cơn bão số 9 (Durian) rất mạnh đi qua đảo Phú Quý, đổ bộ vào Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ, Ba Tri (Bến Tre) gần sáng ngày 5-12 làm hàng trăm người chết và bị thương, hàng chục ngàn ngôi nhà bị sập và hư hại nặng; hàng ngàn cây cổ thụ bị gãy đổ…
Mưa vừa phải ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ lúc rạng sáng 25-11 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Tại nhiều tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ trong đêm qua và rạng sáng nay đều có mưa rào từng đợt, gió nhẹ.
Ở khu vực ven biển huyện Bình Đại, Bến Tre, bắt đầu từ 3h sáng xuất hiện mưa nặng hạt khoảng 20 phút rồi dừng. Tiếp đó là từng cơn mưa đứt quãng đến hơn 5h. Mỗi đợt mưa đều khá lớn nhưng không có gió.
Đến khoảng 6h30, mưa vẫn nặng hạt và gió giật mạnh dần lên. Từ sáng sớm, các ngành chức năng tỉnh đã đi thị sát tại các điểm tránh trú bão của người dân và các khu dân cư ven biển.
Tại khu vực thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, mưa bắt đầu lớn và gió mạnh. Chính quyền địa phương đang huy động người dân quay lại nơi tránh trú bão an toàn vì giữa đêm nhiều người dân đi về do thấy mưa nhỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (áo khoác đen) đi kiểm tra nhắc nhở việc ngưng phà qua cù lao Tân Phú Đông tại bến phà Tân Long ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang sáng 25-11 - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Người dân trú bão tại Trường THCS Đoàn Hồng Phước, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Nhánh cây gãy đổ do mưa gió lớn trên đường Lê Lợi (TP Vũng Tàu) - Ảnh: A LỘC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận