21/12/2004 06:12 GMT+7

Vũng Rô - bến đậu trong lòng địch

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TT - Câu chuyện của Nguyễn Long An đưa chúng tôi trở về với một vùng đất hiểm yếu và ác liệt vào bậc nhất trong mấy cuộc chiến tranh đã qua: vùng Vũng Rô.

FrHqTpPE.jpgPhóng to
Toàn cảnh bãi chính - bến Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa, Phú Yên) nơi cập bến ngày xưa của các con tàu không số - Ảnh tư liệu
TT - Câu chuyện của Nguyễn Long An đưa chúng tôi trở về với một vùng đất hiểm yếu và ác liệt vào bậc nhất trong mấy cuộc chiến tranh đã qua: vùng Vũng Rô.

Điều bất ngờ ở nơi nguy hiểm nhất

Con đường thiên lý số 1 và đường xe lửa xuyên Việt Bắc - Nam, đến chặng cuối tỉnh Phú Yên đầu tỉnh Khánh Hòa thì gặp một rặng núi lớn, một cánh tay vạm vỡ của dãy Trường Sơn vươn ra biển Đông, chắn ngang.

Đường xe lửa phải chui qua một hầm dài. Còn đường thiên lý trên bộ thì quanh co leo lên một ngọn đèo cao ngất, hiểm trở: đèo Cả - một trong những ngọn đèo cao nhất ở nước ta và là ngọn đèo cao cuối cùng trên quốc lộ 1 Bắc - Nam. Bên này là núi lớn, tiếp liền với rừng già, nối lên tận Trường Sơn. Bên kia là biển sâu hoắm.

Ngay giữa đỉnh đèo nhìn xuống theo hướng đông, thăm thẳm dưới hàng trăm thước sâu là một vịnh biển tuyệt vời: gần như hình tròn, rộng và sâu, ba mặt vách đá dựng đứng, mặt thứ tư nhìn ra biển lại có hai hòn đảo nhỏ như hai tấm bình phong che chắn: một cảng biển tuyệt vời cho những con tàu đại dương hàng vạn tấn... Đó chính là Vũng Rô.

Không biết ai là người đầu tiên đã táo bạo nghĩ đến việc dùng Vũng Rô làm bến đón các con tàu không số của chúng ta. Thật hết sức mạo hiểm: quá gần một thành phố lớn là Nha Trang, cũng quá gần Cam Ranh là căn cứ hải quân lớn nhất miền Nam của Mỹ ngụy.

Con đường chiến lược số 1 thì chạy ngay trên đỉnh đèo Cả, chỉ cách vài trăm mét, xe quân sự của địch qua lại suốt ngày đêm như mắc cửi. Lại cũng quá gần khu du kích Hòa Hiệp phía bắc và chiến khu Hòn Hèo, Hòn Khói phía nam, là vùng địch rất chăm chú theo dõi và thường xuyên càn quét đánh phá...

Nhưng trong chiến tranh thường vẫn vậy: nơi nguy hiểm nhất cũng có thể là nơi bất ngờ. Nghệ thuật chiến tranh, đặc biệt trên con đường biển Đông gian nan này, là biết và dám đi vào kẽ hở bất ngờ ấy, dám mạo hiểm để giành thắng lợi...

Nguyễn Long An kể:

- ... Vậy là đến giữa năm 1964, ta quyết định phương án táo bạo ấy: lấy Vũng Rô làm một bến lớn cho Khu 5. Chuyến đầu tiên do anh Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng hải quân, quê ở Qui Nhơn, chỉ huy. Tàu đi xa ra ngoài biển quốc tế. Đến đúng tọa độ, chờ sẩm tối, đột ngột chuyển hướng, dùng tốc độ cao đâm thẳng vào đúng Vũng Rô, 11 giờ đêm phải đến bến.

Hòa Hiệp là vùng du kích mạnh của ta. Lực lượng du kích và bộ đội địa phương ta do một đồng chí thường vụ tỉnh ủy - anh Sáu Suyền - chỉ huy nhanh chóng băng qua dãy núi dưới chân hòn Vọng Phu và mỏm Đá Bia, đến chực sẵn ở bến.

Tàu vừa đến bến, toàn bộ lực lượng được tổ chức rất chặt chẽ, lập tức ùa xuống, bốc dỡ, một bộ phận ngay trong đêm vượt đường số 1 chuyển thẳng lên các dãy núi có rừng rậm ăn liền với căn cứ của ta ở phía tây trên dãy Trường Sơn. Số hàng còn lại không chuyển kịp trong đêm thì cất giấu trong các hang đá gần bến.

Rừng ở đây thưa, toàn cây gai lúp xúp nhưng lại nhiều hang đá... Tàu dỡ xong hàng tức tốc quay ra ngay, vừa sáng lại đã ra đến vùng biển quốc tế...

Chuyến đầu thắng lợi, phấn khởi lắm. Đi tiếp chuyến thứ hai, thứ ba, thứ tư...

Một lần liều lĩnh...

... Tôi về lữ đoàn, được phân công làm chiến sĩ cơ điện, tháng 12-1964 đi chuyến đầu tiên, tàu số 43 vào Cà Mau. Lần đầu còn rất lúng túng, nhờ các anh đi trước dìu dắt. Đi về mất một tháng, an toàn.

Bấy giờ đã gần tết, lại có lệnh chuẩn bị đi tiếp. Từ Đồ Sơn vào Cà Mau. Chuẩn bị sắp xong thì chiều 30 tết bỗng có lệnh điều sang tàu khác, số 401, tập kết ở Hòn Gai, do anh Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, anh Phan Văn Bảng làm chính trị viên, chuẩn bị đổ bộ vào Khu 5, Vũng Rô.

Đúng đêm mồng 1 Tết Ất Tỵ, tức ngày 2-2-1965, chúng tôi rời bến. Đi vào ngày tết là lúc địch sơ hở. Chuyến này, thấy tình hình địch có vẻ hơi khác thường: ban ngày, cứ 5-6 tiếng một lần lại có một máy bay địch bay dọc theo thân tàu, lúc cao lúc thấp. Đêm, lại thấy tàu thủy địch kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Nhưng chúng tôi đi trên vùng biển quốc tế nên cứ bình thản, treo cờ như tàu buôn. Sau này chúng tôi mới biết lúc đó địch đã đánh hơi và nghi ngờ. Chúng đã bắt đầu theo dõi...

Tối 15-2, chúng tôi đến điểm chuyển hướng... Chạy ra một lúc, anh Thêm khẳng định đã đúng nam Tuy Hòa, cách bờ 40 hải lý. Chúng tôi vào sát bờ, cứ men theo những chấm đèn điện dọc bờ mà đi. Biển ở đây có cái lợi là nước sâu, tàu ta cứ chạy men bờ, chen vào giữa các tàu đánh cá của dân.

Qua khỏi Tuy Hòa, thấy rõ đỉnh núi Vọng Phu và hòn Đá Bia: đêm ấy là 14 âm lịch, trăng rất sáng. Anh Thêm là thuyền trưởng lão luyện. Vòng qua mỏm Vọng Phu chúng tôi vào sát bờ hơn và lọt vào đúng Vũng Rô. Nhưng do phải chạy vòng vo lúc tối nên đến bến có chậm, đã gần 3g sáng.

Lập tức bốc dỡ, cất hàng. Nhưng tàu gần 100 tấn. Không tài nào bốc kịp trước trời sáng.Xử trí thế nào đây?

Thường khi gặp tình huống này, an toàn nhất là cất được một phần hàng, còn lại cứ để đấy, đến trước 4g, chậm nhất là 5g sáng, quay tàu chạy ra vùng biển quốc tế, tối sẩm lại quay vào cất nốt.

Nhưng đêm ấy chúng tôi lại không chọn cách đó: chúng tôi quyết định cứ cất cho hết hàng đến sáng bạch, rồi ngụy trang, giấu tàu ngay tại bến, ở lại bến suốt ngày sau.

Vì sao lúc bấy giờ chúng tôi lại chọn phương án mạo hiểm ấy?

Có lẽ vì rất nhiều nguyên nhân. Từ năm 1962, mở đầu con đường này đến nay, chưa chuyến nào bị lộ. Về căn bản, địch chưa hay biết gì.

Riêng cảng Vũng Rô, mấy chuyến liền đều trót lọt, an toàn.

Tình hình ấy rõ ràng khiến chúng tôi sinh chủ quan.

Lúc bấy giờ chúng tôi chưa thể biết được điều này: bọn địch tuy chưa nắm được quả tang việc vận chuyển bí mật trên biển của ta, nhưng dần dà chúng đã chú ý một hiện tượng có phần khác thường: du kích các vùng ven biển Khu 5 ngày càng đánh mạnh, được trang bị một số vũ khí khá hiện đại: súng AK, súng cối cá nhân, đại liên, có khi cả trọng liên 12 li 7, cả súng bắn tăng B40. Đạn thì ê hề.

Số súng đạn này chính là anh chị em du kích ven biển của ta trong khi vận chuyển lên trên cho bộ đội chủ lực đã ranh ma “chôm” bớt một phần. Bọn địch đã có đặt câu hỏi: phải chăng có một con đường đưa vũ khí bí mật từ miền Bắc vào, đổ bộ lên các bến ven biển khu vực này? Chúng đang chăm chú theo dõi...

Chúng tôi quyết định ở lại bến hôm ấy có lẽ cũng có phần vì các bến miền Nam đối với chúng tôi ngày đó bao giờ cũng có sức hấp dẫn rất mạnh. Tình cảm của anh chị em du kích, cán bộ, đồng bào mà những lần trước chúng tôi chỉ thoáng gặp vài giờ trong đêm, không kịp nhìn mặt, không kịp cả nắm tay, tình cảm đó đối với chúng tôi thắm thiết vô cùng. M

ột giọng nói miền Nam thì thào trong gió biển đêm. Một khuôn mặt thoáng mờ dưới ánh trăng khuya... Và cả không khí chiến trường ngày ấy có gì đó thật thiêng liêng... Ở lại được một ngày trên mảnh đất cháy bỏng và yêu thương này, giữa những con người này, hạnh phúc biết bao.

Anh Thêm, anh Bảng và nhiều thủy thủ trong đoàn đều là người quê Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Có người vợ con chỉ ở cách bến năm, mười cây số. Không có chuyện lén về thăm nhà đâu, nhưng được ở lại một ngày, hít thở một chút không khí quê hương đang chiến đấu, ước ao thầm kín mà cháy bỏng đó dễ gì cầm lại được. Một chút liều lĩnh, đã sao...

Vậy đó. Ban chỉ huy tàu quyết định ở lại. Và chúng tôi đều đồng tình. Tự mình cố dẹp đi mọi lo ngại...

-------------------

* Kỳ tới: Bùng nổ sự kiện Vũng Rô

----------------

Tin, bài liên quan:

* Kỳ 7: Bí mật một con đường* Kỳ 6: Phía sau người anh hùng* Kỳ 5: Những con tàu không số* Kỳ 4: Câu chuyện của người lính già* Kỳ 3: Đi về hướng sao Bắc Đẩu* Kỳ 2: Tìm người vô danh* Kỳ 1: Xác minh một truyền thuyết

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên