Ngày 8-11, có mặt tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), chúng tôi nghe ông Nguyễn Văn Luận (54 tuổi) ở thôn này nhắc lại chuyện hơn 14 năm "sống treo". Không chỉ chuyện nhà cửa không sửa chữa mà đất đai cũng không thể sang nhượng hay tặng cho được, hạ tầng như đường sá... ngày càng xuống cấp.
Sau khi được "xóa treo", ông Luận cùng 250 hộ với hơn 1.000 khẩu thôn Vĩnh Trường rất vui mừng.
"Tôi đã đi đăng ký để được cấp sổ đỏ. Nhờ đó mà tôi có điều kiện để vay vốn ngân hàng tiếp tục đầu tư sản xuất. Người dân nơi này đã thoát được cảnh phải sống tạm bợ nhiều năm trời", ông Luận chia sẻ.
Ngược về "thủ phủ" nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), chúng tôi cũng ghi nhận việc người dân xây, sửa nhà, đầu tư làm ăn. Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Thái An chia sẻ ông đã gom tiền tiết kiệm và vay mượn thêm từ người thân, hàng xóm để mua vật liệu xây dựng, thuê thợ xây nhà mới khoảng 50m2 bên cạnh nhà cũ cho các con.
Không riêng gì ông mà hơn 800 hộ dân với 2.800 nhân khẩu của thôn Thái An đều tranh thủ đến trụ sở UBND xã Vĩnh Hải kê khai đất đai làm căn cứ xin cấp lại quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Trung Kỳ (65 tuổi) cũng cho hay từ giữa năm ngoái ông đã cùng nhiều hộ đến xã để kê khai lại diện tích đất, cập nhật lại bản đồ địa chính rồi tách thửa để các con có điều kiện ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải Nguyễn Viết Kinh Luân cho hay ngoài việc giúp người dân hoàn tất các thủ tục đất đai thì hiện xã cũng đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, lũ lụt (kè chắn sóng, kè chắn lũ...).
Thực hiện nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về "Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023", Ninh Thuận đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải để ổn định sản xuất và từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực trước đây quy hoạch các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã phân bổ gần 55 tỉ đồng từ nguồn vốn địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện tám dự án khác gồm: nâng cấp, sửa chữa, xây mới trường học các cấp, sửa chữa nhà cộng đồng, xây dựng hệ thống thoát nước, đường giao thông và các công trình thủy lợi.
Hiện nay các dự án đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lập lán trại và thi công, tiến độ thực hiện các dự án trong hai năm 2024 - 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh đây là những dự án quan trọng được Quốc hội và Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho địa phương nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực trước đây quy hoạch thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Năm 2005: Trung ương chọn triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) với tổng công suất 4.000MW.
Năm 2009: Dự án được Quốc hội thông qua với tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỉ đồng.
Năm 2012: Bộ Công Thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy, dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thành năm 2015.
Tháng 11-2016: Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án. Vướng quy hoạch hai dự án nhà máy điện hạt nhân nên khoảng 800 hộ dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) và khoảng 250 hộ dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh) bị ảnh hưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận