Bài toán điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh đặt ra từ năm 2015 và hiện nay vẫn đang được tiến hành nhằm xác định lại vùng đệm cho phù hợp với thực tế.
Toàn cảnh vùng đệm vịnh Hạ Long đang đô thị hóa
Sức ép đô thị hóa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long - cho biết những dự án lấn biển có vùng đệm vịnh Hạ Long gồm nhiều khu vực.
Chẳng hạn như dự án khu du lịch và giải trí Tuần Châu có quy mô ban đầu chỉ khoảng 300ha, sau nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch đã mở rộng lên tới hơn 1.000ha; dự án khu đô thị Hùng Thắng quy mô 248ha...
Theo ghi nhận của phóng viên, gần bến tàu Tuần Châu hiện nay là những dãy nhà liền kề, khách sạn sang trọng thuộc dự án khu đô thị Tuần Châu Marina. Mặc dù khu vực này đã được đầu tư xây dựng, quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhưng rất vắng người ở.
Thậm chí nhiều căn nhà liền kề vẫn bỏ không và nhiều căn khác treo biển bán lại hoặc cho thuê.
Cách Tuần Châu không xa là dự án khu đô thị Hùng Thắng thuộc phường Hùng Thắng, TP Hạ Long có quy mô 248ha, được chia làm ba bán đảo.
Từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư dự án đã xây dựng, đưa vào hoạt động một số dự án thành phần như chung cư, khu nhà phố liền kề San Hô, khu tổ hợp thương mại và giải trí Hạ Long Marina Plaza...
Những dự án thành phần này đều được hình thành sau khi lấn vịnh Hạ Long. Trong số đó phải kể tới dự án Horizon Bay Hạ Long quy mô trên 10ha với hàng trăm biệt thự liền kề cao sáu tầng, biệt thự song lập cao ba tầng được quảng cáo là sở hữu tầm nhìn ôm trọn vịnh di sản.
Tính đến năm 2021, Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều dự án lấn biển nhất với hơn 40 dự án và quy mô diện tích lên tới hàng ngàn ha. Các dự án cùng với khu dân cư hiện hữu trước đó góp phần định hình không gian đô thị của Quảng Ninh.
Khó khăn cho quản lý, bảo tồn
Trong cuộc họp về xây dựng đề án "Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long" của UBND tỉnh Quảng Ninh giữa tháng 5-2023, địa phương này xác định thời điểm lập hồ sơ di sản vịnh Hạ Long trình UNESCO ghi danh cách đây gần 30 năm, phần ranh giới vùng đệm được thực hiện theo khuyến nghị kéo dài từ 4-5km tính từ ranh giới vùng lõi trở ra.
Do đó, hầu hết các phường tại TP Hạ Long như: Tuần Châu, Đại Yên, Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Phong; các xã đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi của Vân Đồn; xã Hoàng Tân của Quảng Yên và một phần quần đảo Cát Bà - Hải Phòng đều đang nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long.
Điều này đã dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng và phát huy giá trị di sản thế giới vịnh Hạ Long và vùng đệm; ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại và tương lai.
Thời điểm năm 2015, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhìn nhận vùng đệm di sản vịnh Hạ Long không còn phù hợp với thực tế khi phần lớn diện tích của các khu dân cư, dự án phát triển đô thị, du lịch... đều nằm trong vùng đệm di sản.
Do vậy tỉnh này có phương án thu hẹp diện tích vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long với lý do ranh giới vùng đệm chưa được xác định tọa độ cụ thể, chưa được số hóa trên bản đồ hệ tọa độ VN 2000, chưa đảm bảo tính chính xác dẫn tới làm nảy sinh những bất cập trong công tác quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, thực hiện các dự án trong và xung quanh vùng đệm di sản vịnh Hạ Long.
UNESCO cảnh báo
Không ít lần đại diện UNESCO tại Việt Nam đưa ra cảnh báo về những tác động môi trường, cảnh quan do ảnh hưởng của việc lấn biển tới vịnh Hạ Long.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam từng khuyến nghị để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long, đã đến lúc chính quyền và ngành chức năng phải có chiến lược nhằm bảo vệ di sản trước sự quá tải của cung và cầu, đồng thời cần khai thác hài hòa, bền vững.
Xác định lại ranh giới vùng đệm
Các bước xác định lại ranh giới vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long dự kiến bao gồm việc tỉnh Quảng Ninh rà soát hồ sơ, dự kiến tọa độ cụ thể ranh giới vùng đệm của di sản.
Sau đó, tỉnh sẽ báo cáo, xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu được chấp thuận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản đề nghị Ủy ban UNESCO Việt Nam có công hàm gửi Trung tâm Di sản thế giới. Sau khi có ý kiến đồng ý của Trung tâm Di sản thế giới, tỉnh Quảng Ninh mới tiến hành xác định và tổ chức cắm mốc ranh giới và công bố khu vực vùng đệm di sản này.
Đến nay, việc lập đề án triển khai nội dung này đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện và đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra sau khi Thủ tướng có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận