16/08/2019 09:32 GMT+7

Vững chân trên đường đời chông chênh

LÊ TRUNG - ĐỨC TÀI
LÊ TRUNG - ĐỨC TÀI

TTO - Hai cậu học trò, hai số phận khác nhau, có cùng điểm chung đều vượt qua những nghịch cảnh, chông chênh của đường đời, phấn đấu học tập để thực hiện ước mơ giảng đường đại học của mình.

Vững chân trên đường đời chông chênh - Ảnh 1.

Tình bên những bức ảnh về người cô quá cố - Ảnh: LÊ TRUNG

5 năm qua, Bùi Công Hải (18 tuổi, thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sống một mình trong căn nhà xập xệ. Căn nhà ấy là của ông bà ngoại để lại cho Hải, họ ra đi khi cậu bé đang ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Ấy thế mà cậu học trò côi cút ấy vừa đậu đại học làm nhiều người dân cảm phục.

Côi cút giữa đời

Tuổi thơ Hải chẳng được như bao bạn cùng trang lứa. Sinh ra không biết mặt cha đẻ mình, mẹ cũng bỏ đi khi bạn còn chưa biết. Hải từ nhỏ được ông bà ngoại già yếu cưu mang, nuôi nấng. Năm Hải học lớp 4, ông ngoại qua đời. Chỗ dựa duy nhất của Hải chỉ còn bà ngoại. Bi kịch ập đến vào năm Hải học lớp 8, khi bà cũng bỏ Hải "đi theo ông ngoại".

"Lúc bà vừa mới mất mình tuyệt vọng lắm. Chỗ dựa duy nhất còn lại, người lo lắng cho mình từng bữa ăn giấc ngủ, động viên cố gắng ăn học đã không còn nữa. Mình chưa báo đáp được gì cho ngoại hết, cảm thấy cuộc sống trở nên bế tắc. Tối nào mình cũng không ngủ được, cứ quay qua quay lại vì thiếu vắng hơi ấm người thân trong nhà" - Hải tâm sự.

Mất ông bà ngoại, cuộc sống của Hải là một hành trình gian nan cực nhọc. Hải vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền mưu sinh. Cứ giờ rảnh sau khi học hoặc mỗi dịp hè, Hải xin vào làm ở một xưởng nước uống đóng chai gần nhà để kiếm thêm tiền, mỗi tháng bạn được người ta trả công gần 3 triệu đồng. Và mỗi tháng bạn nhận thêm được 100.000 đồng từ chính sách hộ nghèo của xã.

Với số tiền đi làm và phụ cấp Hải đều dành dụm chi tiêu ăn uống, mua sách vở, áo quần và trang trải cho việc học. Hàng xóm thấy hoàn cảnh thằng nhỏ đáng thương nên có gì cũng hay đem cho cậu.

Cô Trần Thị Thùy Dung - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Hải - chia sẻ nhà trường biết được hoàn cảnh nên tìm cách giảm học phí cho Hải, có quà, học bổng gì cũng dành cho bạn. Điều khiến Hải lo lắng nhất bây giờ là số tiền gần 10 triệu đồng - chi phí phải đóng cho khóa học đầu tiên nếu đậu ĐH và suốt cả chặng đường dài cuộc sống sinh viên sau này.

"Sống mồ côi tự lập riết quen rồi, mình sẽ đi làm thêm để kiếm tiền ăn học. Mình sẽ thực hiện được ước mơ làm kiến trúc sư, đó là món quà mình dành tặng ông bà ngoại" - Hải nói.

Vững chân trên đường đời chông chênh - Ảnh 2.

Cậu học trò Bùi Công Hải sống một mình trong căn nhà ông bà ngoại để lại - Ảnh: ĐỨC TÀI

Gánh một lúc hai nỗi đau

Còn Trần Văn Tình, học sinh chuyên toán lớp 12/7 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, gánh chịu một lúc hai nỗi đau mất mát khi cô ruột và em gái của mình qua đời do bị tai nạn giao thông. Tình vừa xuất sắc đậu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với số điểm 25,75.

Ba mẹ Tình có bốn đứa con đang tuổi ăn học, ngày ngày vợ chồng đi phụ hồ để nuôi con. Do gia đình khó khăn, đông con, nên từ khi còn rất nhỏ Tình đã được cô ruột là bà Trần Thị Vân (62 tuổi), ở cách nhà khoảng 500m, đưa về nuôi ăn học. Bà Vân là phụ nữ đơn thân, không chồng con. Vì vậy, mọi tình thương bà đều dành cho cháu trai của mình. Tình cũng xem cô như là người mẹ thứ hai của mình.

Cô Vân là giáo viên tiểu học. Năm 2014 nghỉ hưu, cô vẫn mở lớp dạy thêm cho các em nhỏ trên địa bàn mỗi dịp hè, giúp các em có thêm kiến thức và có tiền nuôi Tình ăn học. "Cô là người luôn bên cạnh chăm sóc, lo lắng, chỉ dạy mình từ những thứ nhỏ nhặt nhất đến những thứ tốt đẹp nhất trên đời để giúp mình trưởng thành hơn trong cuộc sống. Cô hi vọng vào mình lắm" - Tình xúc động.

Chiều 22-7, tin dữ ập đến khi cô Vân chở em gái của Tình trên đường đi học về nhà thì gặp tai nạn qua đời. Cú sốc lớn khiến bạn ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. "Chiều hôm đó, mình ngồi gục bên lề đường, nhìn vào thi thể cô và em gái được đưa lên xe cứu thương, hai dòng nước mắt cứ tuôn ra, chân tay không còn chút sức lực nào để đứng dậy" - Tình kể.

Ngôi nhà nhỏ bỗng như u ám, giữa nhà là chiếc bàn thờ vừa mới dựng lên để di ảnh em gái Trần Thị Thùy Thương (12 tuổi) nhỏ nhắn, học giỏi chẳng may gặp tai nạn qua đời. Nhà bên kia cũng là cái bàn thờ cô ruột của Tình, chỗ dựa của bạn đã vĩnh viễn ra đi.

Bà Nguyễn Thị Mận (47 tuổi, mẹ Tình) kể vì nhà nghèo, đông con ăn học nên từ nhỏ Tình đã được cô ruột đem về nuôi ăn học. "Cô nó qua đời, thằng bé sốc nặng. Cũng may là con đã thi xong kỳ thi THPT quốc gia" - bà Mận bộc bạch.

Ấp ủ ước mơ

Suốt 12 năm học, Trần Văn Tình đều là học sinh giỏi, điểm trung bình năm lớp 12 đạt 8,7. Lớp 11, Tình đoạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh môn toán, giải khuyến khích toán quốc gia năm 2018.

Kỳ thi vừa qua, Tình đạt số điểm khá cao 25,75 điểm: toán 9,2; ngoại ngữ 8,8; vật lý 7,75.

Với số điểm trên, Tình nộp hồ sơ vào nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và đã trúng tuyển.

Còn Bùi Công Hải 12 năm liền đều là học sinh khá. Với số điểm 20, Hải đã trúng tuyển vào khối V Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, thỏa ước mơ trở thành kiến trúc sư ấp ủ bấy lâu nay.

"Ông bà ngoại dưới suối vàng biết tin mình đậu đại học chắc vui lắm" - Hải nói đến đó và nhìn lên di ảnh ông bà trên bàn thờ, mắt rơm rớm.

Mời bạn đọc đồng hành cùng 2019

Vững chân trên đường đời chông chênh - Ảnh 5.
Sự sống mong manh, vẫn "băng qua" trúng tuyển cao đẳng y

TTO - Mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia, người xanh xao, luôn mệt mỏi, sự sống mong manh nhưng cô học trò nghèo, ở nhà tình thương này luôn cố gắng học tập và trúng tuyển trường cao đẳng y.

LÊ TRUNG - ĐỨC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên