Vùng cấm của phản biện xã hội?

PGS ĐÀO CÔNG TIẾN 29/07/2007 16:07 GMT+7

TTCT - Không khí tự do, dân chủ từ những chất vấn và đối thoại trực tiếp của những đại biểu của dân trên diễn đàn Quốc hội, HĐND... đã nhiều hơn. Nhưng phải công tâm mà thừa nhận một điều là vẫn còn đó không ít những câu hỏi từ tâm trạng băn khoăn, lo lắng trong dư luận nhân dân.

Phải chăng vẫn còn có những vùng cấm đối với phản biện xã hội? 

Ảnh: The Guardian

 

Với những lĩnh vực được phản biện cũng phải phản ứng, gây sức ép mạnh từ dư luận xã hội thì mới hi vọng có sự điều chỉnh, sửa đổi - tức là buộc phải chấp nhận phản biện, bất đắc dĩ phải điều chỉnh, sửa chữa? 

Và tại sao vẫn còn không ít những chính sách và giải pháp thực thi chính sách được đưa ra trình dân còn xa lòng dân quá? 

Hãy ngẫm từ những cái phải điều chỉnh (đã nêu trên) và có thể kể thêm như dự thảo mức chịu thuế thu nhập cá nhân, như lỗ hổng ở chân cầu Văn Thánh (mà dư luận cho rằng không chỉ là lỗ hổng hữu hình - ám chỉ về một sự hư hỏng khác), dư luận xã hội muốn lấp và phản biện mãi vẫn chưa lấp được? 

Vậy thì tính tự giác, ý thức trách nhiệm và khả năng tự nhận biết, tự điều chỉnh để đạt mục tiêu “hợp lòng dân” nhiều hơn của các nhà hoạch định chính sách đâu rồi?

Còn nhiều việc phải làm để đưa phản biện xã hội vốn từ cuộc sống trở lại được với cuộc sống. 

Những việc phải làm là tiếp tục loại bỏ độc thoại theo kiểu “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy” của những giáo điều đã bị chối bỏ trên thực tế cuộc sống, để tiếp tục gỡ bỏ những rào cản đối với sự phản biện xã hội. 

Tư vấn và phản biện xã hội cần phải được nâng chất, nâng tính thuyết phục hơn nữa bằng việc nâng cao sự hiểu biết, tính trung thực của phản biện.

Phản biện từ hiện thực xã hội cần có cách tiếp cận khoa học, cần có cách thu thập thông tin tư liệu, phân tích, đánh giá và đề xuất hợp lý - tức là khoa học cũng phải vào cuộc. 

Phải mở rộng và làm thông thoáng các kênh thông tin, truyền những tác động phản biện đến những đối tượng của nó, tạo điều kiện và khuyến khích báo chí vào cuộc.

Ngoài ra, việc cấp thiết không thể xem nhẹ là phải nâng cao khả năng tiếp nhận và xử sự đúng mực với tư vấn và phản biện xã hội của hệ thống công quyền, nhất là những nhà hoạch định chính sách, bằng tính tự giác, ý thức trách nhiệm từ cái tầm trí tuệ và cái tâm lớn cần có của họ. 

Phải kiên quyết thể chế hóa, luật hóa việc tiếp nhận và xử lý phản biện từ dư luận nhân dân - tức vì dân quyền, pháp quyền không thể không vào cuộc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận