Hiện biến chủng XBB đã xuất hiện tại hai tỉnh thành là TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã lên kịch bản sẵn sàng để tập trung "đánh chặn" COVID-19 trước nguy cơ XBB.1.5 xâm nhập dịp Tết sắp đến.
Nhiệm vụ kép
Các bệnh viện ở TP.HCM như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... đã chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, lên kế hoạch để ứng phó với COVID-19.
Bác sĩ Võ Hồng Minh Công - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết trung bình mỗi năm, khoa cấp cứu bệnh viện tiếp nhận 200-250 bệnh nhân/ngày. Bệnh viện cũng đã lên kế hoạch trực bốn cấp gồm cấp lãnh đạo, trực hành chánh, lâm sàng và trực cận lâm sàng.
Đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng về thuốc men, vật tư y tế, dịch truyền, nhân lực và đảm bảo luôn sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân trong tình huống dịch bệnh, tai nạn giao thông, sự cố thảm họa hàng loạt.
"Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhiều, bệnh viện sẵn sàng điều động thêm các y bác sĩ", bác sĩ Công thông tin.
Là một trong những bệnh viện nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố, lãnh đạo Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết song song với đảm bảo công tác trực cấp cứu đảm bảo điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện còn sẵn sàng, luôn cảnh giác với công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bệnh viện có đơn vị cấp cứu COVID-19 riêng nằm trong khuôn viên bệnh viện và một khu thu dung tại chung cư Bình Minh để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh bùng phát trong những ngày Tết.
Giám sát, diễn tập, tiêm COVID-19 xuyên Tết
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng mặc dù ở Việt Nam chưa xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của chủng vi rút Omicron như các nước trên thế giới nhưng sự giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ Tết sắp đến nên nguy cơ xâm nhập của các biến thể phụ là rất lớn.
Giải pháp tốt nhất chính là sự chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản trong tình huống xấu nhất khi xuất hiện biến thể phụ mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng.
Thành phố cũng đảm bảo sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh COVID-19. Đồng thời, tiếp tục duy trì Bệnh viện dã chiến số 13, sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.
Là một trong những đơn vị chủ chốt phải đáp ứng nhân sự chuyên môn, vật tư, trang thiết bị y tế để vận hành Bệnh viện dã chiến số 13 trong vòng 24 giờ nếu được kích hoạt, ông Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng.
"Kế hoạch của ngành y tế TP là chủ động sẵn sàng ứng phó nếu dịch COVID-19 biến động, để người dân an tâm đón Tết. Dù đã có kinh nghiệm chống dịch nhưng khi có kế hoạch này thì sẽ không lúng túng, dù tình huống xấu nhất xảy ra. Bệnh viện chúng tôi cũng đã sẵn sàng "gồng gánh" cùng Bệnh viện dã chiến số 13", ông Hùng nói.
Chủ động "đánh chặn"
Để kịp thời ngăn chặn dịch từ xa, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM đã có yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phải triển khai trực 24/7, thực hiện giám sát tất cả người nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát thực tế.
Người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa đến khu vực cách ly tạm thời để khám sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ và lấy mẫu test nhanh COVID-19.
Trường hợp test nhanh âm tính, hành khách sẽ tiếp tục thủ tục nhập cảnh và được hướng dẫn tự giám sát tại nơi lưu trú. Trường hợp test nhanh dương tính, bệnh nhân sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, giải trình tự gene.
Tương tự, tại cảng hàng hải Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ trực 24/7 để thu thập thông tin về tàu nhập cảnh qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, qua thông báo từ các ban ngành, các đại lý tàu biển và trực tiếp từ tàu qua hệ thống thông tin liên lạc.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho hay đơn vị vẫn duy trì hoạt động giám sát, phát hiện các biến thể phụ, kể cả trong các ngày nghỉ Tết. Đồng thời phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tiếp tục lấy mẫu trong cộng đồng và trong bệnh viện để thực hiện giải trình gene, phát hiện biến chủng mới của Omicron (nếu có).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận