Những ngày gần đây, hình ảnh các con đường khu vực phố cổ Hà Nội bỗng chốc lại tràn ngập trong rác khiến ai nấy đều hoảng hồn. Rác lan tràn khắp nơi, từ nắp cống, mặt đường cho đến vỉa hè, hàng cột điện, bồn hoa hay bên ngoài các gian hàng dựng tạm trên phố đi bộ...
Tại những con phố ở trung tâm, nhiều người tìm đến không chỉ với tâm trạng háo hức chờ đón một đêm hội mà còn luôn sẵn sàng mang theo một tâm hồn ăn uống thường trực khi "tay xách nách mang" nào đồ ăn, nào thức uống. Thế nhưng khi dùng xong, phần còn lại là những túi ni-lon, những chiếc que xiên hay giấy gói nhanh chóng được... tiện tay vứt tại chỗ, thay vì bỏ rác đúng nơi quy định.
Mặc cho những thông tin tuyên truyền về việc xả rác, bảo vệ môi trường sống, hạn chế sử dụng ni-lon... thì Trung Thu 2020 vẫn giống như mọi ngày, và người người vẫn vô ý thức vứt rác bừa bãi, vô tội vạ. Thậm chí, một số người dân còn phản bác "vì không có đủ thùng rác" để bào chữa cho hành động xả rác của mình.
Nhưng, việc giữ sạch vệ sinh chung, công cộng thuộc về ý thức của mỗi người. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, những thùng rác công cộng đôi khi khá khó tìm. Có thể bạn phải đi bộ hàng cây số mới mong nhìn thấy một chiếc thùng rác nhỏ bé đứng nép mình ở một góc đường. Nhưng không vì thế mà đường phố của những quốc gia đó ngập ngụa trong rác.
Không khó để nhận thấy rất nhiều người nước ngoài mang theo các túi đựng rác cá nhân để mang rác về nhà hoặc giữ trong người cho đến khi nhìn thấy thùng rác công cộng để bỏ vào. Không những thế, họ còn cẩn thận phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ.
Ngẫm lại thấy những việc giữ gìn vệ sinh công cộng mà "xứ bạn" làm đâu quá khó. Dân mình "trend" nào cũng cập nhật siêu nhanh mà sao "trend ở sạch" mãi đến Tết trung thu 2020 vẫn chưa được cập nhật?!
Xem thêm: Nhớ hoài những mẫu lồng đèn huyền thoại đi cùng tuổi thơ thế hệ 8x, 9x
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận