Từ đây "nút thắt" ách tắc trong xuất khẩu gạo được tháo gỡ, giải cứu hàng trăm doanh nghiệp trước nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, họ rất vui vì đã thoát cảnh canh me mở tờ khai hải quan lúc 0h như canh trộm; phần lớn lượng gạo kẹt ở cảng đã được phép xuất khẩu thuận lợi.
Nhưng, bên cạnh niềm vui, vẫn còn đó nỗi buồn do việc bất nhất "sáng cho xuất, chiều bảo dừng và nửa đêm mở tờ khai hải quan" vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp mất "oan" thêm hàng chục tỉ đồng bồi thường cho hãng tàu, phí lưu kho, bến bãi mà đến nay chưa cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Không những vậy, đáng buồn hơn cả là hạt gạo Việt Nam vuột mất cơ hội vàng, từ chỗ gạo trắng thường thời điểm tháng 3-2020 được bán với giá 470 USD/tấn thì nay chỉ còn 415 USD/tấn, giảm hơn 55 USD/tấn.
Dẫn chứng chuyện bỏ lỡ cơ hội vàng, đại diện nhiều doanh nghiệp cho hay nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc đã chớp thời cơ xuất khẩu gạo trước Việt Nam để cung ứng cho thế giới.
GS Võ Tòng Xuân nói rằng đúng là bối cảnh dịch bệnh, an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu.
Nhưng ông cảm thấy tiếc vì cơ hội vàng cho hạt gạo Việt bứt phá "bằng chị bằng em" với các quốc gia khác đã không được tận dụng chỉ vì các bộ, ngành chưa làm hết trách nhiệm trong phối hợp nắm rõ mùa vụ sản xuất, lượng lúa gạo hàng hóa tồn đọng lớn trong nước để tham mưu chuẩn xác ngay từ đầu cho Chính phủ.
Chính vì Ấn Độ và Trung Quốc đã xuất khẩu gạo trở lại nên nguồn cung thế giới đã có sẵn và nhu cầu gạo cũng không còn nhiều.
Còn trong nước giá lúa gạo có thời điểm còn cao hơn mặt bằng thế giới nhưng nông dân đã hết lúa bán, vì vậy việc Việt Nam cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại đã trễ và mất cơ hội bán gạo giá cao.
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề hệ trọng, phải được đảm bảo trong mọi tình huống.
Song, trong khi nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo trong khu vực có những điều chỉnh linh hoạt như Thái Lan ứng xử với xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh vừa qua, chúng ta cũng cần một "hệ điều hành mới" nhanh nhạy, chuẩn xác với nguyên tắc đảm bảo hài hòa yêu cầu giữ vững an ninh lương thực và nâng cao thu nhập của người trồng lúa, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.
Cùng với các thay đổi trên, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, sớm làm rõ những nghi vấn mập mờ trong điều hành xuất khẩu gạo vừa qua, từ đó không để xảy ra những "nút thắt" tương tự, giúp hạt gạo Việt Nam tận dụng cơ hội tiếp tục vươn xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận