Nhiều nhà máy đóng tàu gần đây kinh doanh khởi sắc vì tăng đơn hàng sửa chữa từ chủ tàu nước ngoài - Ảnh: TRẦN MAI
Do thực hiện tiêu chuẩn khí thải mới của tàu biển từ năm 2020 và dịch COVID-19, cơ hội sửa chữa tàu biển đến nhiều hơn, nhưng thực ra nếu VN sửa chữa tàu tốt, việc luôn có chứ không phải đợi đến bây giờ. Đội tàu VN còn không sửa chữa hết phải đi sửa ở nước ngoài.
Nên đầu tư cho dịch vụ sửa chữa tàu
Sửa chữa tàu biển không được đầu tư bài bản, không có chiến lược. Dịch vụ này phải đi đôi với chống ô nhiễm, nếu làm tốt thì mang lại giá trị rất cao. VN sửa chữa tàu giỏi sẽ kéo theo nhiều công việc khác như sửa trang thiết bị trên tàu, nội thất trên tàu...
Nhưng muốn sửa chữa tàu phải có thiết bị, phương tiện. Thời Vinashin đầu tư chủ yếu vào đóng mới nên đẻ ra một loạt nhà máy đóng mới, do đó chỉ xây đà để hạ thủy tàu, chứ không có phương tiện kéo tàu lên bờ để sửa chữa.
Có sinh ra một vài nhà máy sửa chữa tàu nhưng đầu tư không đến nơi, không có khả năng tiếp cận được tàu loại lớn.
Muốn thu hút được khách, công tác tổ chức sửa chữa phải hợp lý, uy tín. Việc sửa chữa không chỉ sửa chữa vỏ tàu, mà toàn bộ hệ thống khác. Muốn vậy phải tổ chức có hệ thống, có các nhà thầu phụ trong chuỗi liên kết, đảm bảo làm đúng ngày tàu ra.
Sai lầm chính của Vinashin là đặt ra mục tiêu đứng thứ tư trên thế giới về đóng tàu. Để tham gia được thị trường đóng tàu thế giới là cả vấn đề khổng lồ. Đáng ra nên xác định đóng mới chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, còn thị trường thế giới chỉ làm thêm.
Hàng loạt vấn đề cần giải quyết
Có người nói sau COVID-19 đơn hàng đóng tàu có thể dịch chuyển về VN nhiều hơn. Thực ra cơ hội này đã xuất hiện từ trước.
Nhiều nước phụ thuộc vào vật tư đóng tàu Trung Quốc và VN không thể thoát ngay được. Nhưng chủ tàu vẫn có thể giải quyết được bằng nhập thép, vật tư từ Ấn Độ, Hàn Quốc dù giá có thể đắt hơn. Không thể thoát ngay nhưng phải có tầm nhìn thoát dần ra.
Về nội tại, ngành đóng tàu VN đang có hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Vừa qua, các nhà máy đóng tàu quân đội đã đóng được nhiều loại tàu quân sự do đầu tư được trang thiết bị, làm được một số việc.
Cần sự tổ chức nhịp nhàng ai đóng mới, ai sửa chữa để không chồng lấn lên nhau. Nếu đóng mới tàu trong nước thì cần làm rõ nhu cầu bao nhiêu. Tức là cần một kế hoạch phát triển. VN đang thừa năng lực về đóng tàu vì xây ra quá nhiều nhà máy.
Theo tôi, cần có cái nhìn tổng thể ở tầm cao về ngành đóng tàu để giải quyết những vấn đề trên, chứ không để mỗi ông đóng tàu như thầy bói chỉ sờ một bộ phận của con voi.
Cần học công nghệ đóng tàu đỉnh cao
Chúng ta cần cử những người đi học kỹ thuật, công nghệ đóng tàu đỉnh cao của nước ngoài.
Chúng ta có viện thiết kế tàu thủy nhưng chưa có kỹ sư, tiến sĩ nào bên dân sự làm tổng công trình sư để thiết kế được tàu cao tốc có tốc độ gần 100 hải lý/giờ, trong khi đóng tàu quân sự thiết kế được tàu cao tốc.
Cũng phải nhìn nhận cả đóng tàu quân sự và dân sự là một vì kỹ thuật đóng tàu quân sự hay dân sự đều giống nhau, không để chia năm xẻ bảy giữa đóng tàu quân sự và dân sự khiến ngành đóng tàu VN yếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận