Tối 4-5, ông Hoàng Tuấn Công đăng tải một đoạn video ngắn trong chương trình Vua tiếng Việt và chỉ ra lỗi sai của nghệ sĩ Xuân Bắc cùng tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn.
Vua tiếng Việt liên tục gây tranh cãi
Trong chương trình, nghệ sĩ Xuân Bắc có hỏi ông Đỗ Anh Vũ: “Lẩm, như là nhặt, vét… đúng không ạ?”. Cố vấn chương trình xác nhận “kiểu thế”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tuấn Công, cách hiểu của Xuân Bắc sai hoàn toàn. Ông giải thích: “Chữ “lẩm” ở đây không phải “nhặt, vét”, mà là ăn một cách lén lút, ăn nhưng không muốn cho ai biết.
Vì sao phải ăn “lẩm”? Vì xấu hổ. Vì sao lại xấu hổ? Vì khi có chút dư dả, sung túc, thì ỏng eo “chê cơm hẩm” (cơm nấu từ gạo hẩm, hư, biến chất), đến khi mất mùa đói kém, cơm hẩm cũng chẳng có mà ăn, phải ăn đến cả “cơm thiu” - thứ cơm để quá lâu, đã bị phân hủy, mùi rất kinh khủng.
Người ta đổ bỏ, vì đến chó mèo cũng chẳng thèm đụng đến. Thế nên, kẻ từng “chê cơm hẩm” kia lấy làm xấu hổ, phải ăn cơm thiu theo kiểu "lẩm" là vậy”.
Ông Hoàng Tuấn Công cho biết những kiến thức về từ “lẩm” không ở đâu xa, nằm ngay chính cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) mà Xuân Bắc hay cầm trong tay.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online cũng đã thông tin, sau khi viết sai từ "chậm trễ", chương trình Vua tiếng Việt tiếp tục bị tác giả như: lộng giả thành chân, lang lổ, dúm dó…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ ngôn ngữ học Đinh Lư Giang - giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - cho rằng nếu bỏ qua những lỗi sai thì chương trình có ý nghĩa đối với tiếng Việt và vấn đề khắc phục lỗi chính tả, mở rộng vốn từ tiếng Việt thông qua trò chơi…
Tuy nhiên, đối với mục đích giúp ích cho mọi người về tiếng Việt thì chương trình cũng như một cuốn từ điển, những gì đem ra sử dụng phải hoàn toàn chính xác. Và theo ông Giang, những lỗi sai vừa qua là không thể chấp nhận được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Hoàng Trung - giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - cho rằng chương trình Vua tiếng Việt cho thấy sự thiếu trách nhiệm bởi nếu muốn họ sẽ có rất nhiều nguồn tài liệu để tham khảo khi chưa chắc chắn về kiến thức.
Tuy nhiên có thể những người làm chương trình nghĩ đây là một trò chơi, không cần phải như vậy, và hậu quả là chương trình có rất nhiều lỗi.
Tiếng Việt ra sao do ý thức người sử dụng
Nói về vấn đề sai chính tả, ông Đinh Lư Giang cho rằng tiếng Việt hay ngôn ngữ nào cũng có người viết sai chính tả, điều này không lạ và thường đến từ các nguyên nhân mang tính cá nhân.
Theo ông Giang, nếu như ngày nay chúng ta hay thấy nhiều lỗi chính tả, thì không phải người Việt hiện nay mắc lỗi chính tả nhiều hơn, mà đơn giản vì truyền thông ngày nay phong phú và tức thời hơn.
Để giải quyết tình trạng này, ông Đinh Lư Giang cho rằng cần có nhiều biện pháp đồng bộ từ nhà trường, từ báo chí và cả ý thức của người sử dụng.
Các công cụ công nghệ cũng chiếm vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sửa lỗi chính tả.
Bên cạnh đó, người nói và người viết nên có ý thức và cân nhắc khi dùng từ ngữ mà họ không chắc chắn. Nếu không chắc thì nên tra cứu kỹ, tìm kiếm trên mạng, trong các từ điển…
Bổ sung ý kiến trên, ông Nguyễn Hoàng Trung nhận định trách nhiệm còn thuộc về phía các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Khi những phương tiện có thể tác động tới đại đa số quần chúng thì phải cẩn trọng, từ nào khó thì phải kiểm tra xem chứ không thể cẩu thả", ông Trung nói.
Ngoài ra, ông còn đề cao việc giáo dục ý thức sử dụng tiếng Việt cho trẻ từ khi còn trên ghế nhà trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận